CÀ PHÊ

Cà phê Tây Nguyên: Mất mùa, mất cả… giá

Cập nhật ngày: 11 | 01 | 2021

Nguồn: Sggp.org.vn

Người dân Tây Nguyên đang bước vào vụ thu hoạch cà phê với tâm trạng bộn bề lo lắng khi giá giữ ở mức thấp, còn chi phí sản xuất ngày càng tăng cao. Việc lựa chọn mô hình sản xuất mới để tăng năng suất cho cà phê được nhiều địa phương tính đến.

 

 

Nhiều nhà vườn tại TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) có năng suất cà phê giảm khoảng 30%. Ảnh: ĐÔNG NGUYÊN

Nhiều nhà vườn tại TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) có năng suất cà phê giảm khoảng 30%. Ảnh: ĐÔNG NGUYÊN

Người trồng không có lời

Hiện nay, cà phê ở Tây Nguyên bắt đầu chín rộ, người dân tất bật thu hoạch. Do thời tiết không thuận lợi nên sản lượng cà phê tại một số vùng giảm mạnh. Trong khi đó, giá cà phê năm nay lại quá thấp. Tập trung thu hái những cây cà phê cuối cùng trong vườn, ông Phạm Tiên (xã Quảng Tiến, huyện Cư M’gar, tỉnh Đăk Lăk), cho biết: “Gia đình tôi có gần 1ha đất, trồng cà phê từ năm 1998 đến nay. Dù đã đầu tư, chăm bón rất kỹ nhưng những năm gần đây vườn cà phê đạt năng suất không như mong muốn. Nếu như mọi năm thu được trên 3 tấn nhân, thì năm nay chỉ thu được gần 2 tấn. Sản lượng thu được không bù nổi chi phí đầu tư, công chăm sóc cả năm”.

Chung cảnh ngộ, ông Nguyễn Hoàng Vũ (xã Hòa Thắng, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) cho biết, gia đình ông có 1,5ha cà phê, năm nay sản lượng giảm gần 30% nên chỉ thu được chưa đến 3 tấn nhân. Chi phí cho tưới, phân bón, nhân công trung bình mỗi năm 50-60 triệu đồng/ha. Trong đó, tiền trả nhân công, phân bón mỗi năm đều tăng, nhưng giá cà phê lại nằm ở mức quá thấp khiến nông dân không có lãi, thậm chí không đủ để tái đầu tư lâu dài cho cây trồng này.

Tại Lâm Đồng, dù trong những năm gần đây, một diện tích lớn cà phê đã được áp dụng tái canh, ghép cải tạo giúp tăng năng suất, nhưng giá cà phê nhiều năm đứng ở mức thấp khiến nhiều người dân không còn coi đây là cây trồng được ưu tiên. Gia đình anh Nguyễn Văn Hoàng (xã Phúc Thọ, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng) vừa thu hoạch xong 1,7ha cà phê, sản lượng khoảng 6 tấn cà phê tươi. So với những năm trước, sản lượng trên đã cải thiện đáng kể nhờ một phần diện tích đã được trồng cải tạo. Tuy nhiên, niềm vui xen lẫn lo toan, khi cà phê vừa hái xong đã được chủ cửa hàng phân bón tới thu mua với giá bán ở mức 33.000 đồng, sau khi trừ đi tiền phân bón thì không còn bao nhiêu. Anh Hoàng cho biết: “Đầu tư nặng nhất là 4 đợt bón phân hết khoảng 90 triệu đồng, tiền thuê người hái cuối vụ cũng hết 25 triệu đồng. Nếu công chăm sóc, làm cỏ… mà thuê ngoài thì có bán hết số cà phê thu hoạch cũng không bù được chi phí sản xuất”. Để vượt qua giai đoạn khó khăn này, anh Hoàng chuyển đổi 4.000m2 sang trồng lagim (rau củ) nhưng hiệu quả không cao, chỉ đủ trang trải cuộc sống.

Đẩy mạnh hỗ trợ tái canh

Theo bà Vũ Thị Thanh Bình, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Lắk, diện tích cà phê trên toàn tỉnh khoảng 203.000ha, dự kiến sản lượng niên vụ 2019-2020 đạt 465.000 tấn. Tuy nhiên, do diện tích cà phê già cỗi trên toàn tỉnh còn nhiều, diễn biến của thời tiết không thuận lợi, nắng hạn kéo dài nên sản lượng giảm hơn so với dự kiến. “Hiện nay, sản phẩm từ cà phê được sản xuất theo hướng hữu cơ đang được thị trường ưa chuộng. Trên địa bàn đã có nhiều doanh nghiệp chế biến sâu, hợp tác thu mua cà phê sản xuất theo hướng này với giá cao hơn giá thị trường. Hướng đi này cũng giúp bà con giảm được chi phí nhân công…”, bà Bình cho biết thêm.

Lâm Đồng những năm qua là điểm sáng trong việc thực hiện tái canh cây cà phê, phần nào bù đắp được sức ép về giá xuống thấp. Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Văn Châu cho biết: “Nhờ tiến hành ghép cải tạo, tái canh tốt với diện tích hơn 73.180ha, đưa năng suất bình quân toàn tỉnh từ 26,1 tạ/ha (năm 2012) hiện tại lên 32,5 tạ/ha, phần nào bù vào khoảng hụt về giá. Toàn tỉnh hiện đang trồng 174.142ha, sản lượng 516.602 tấn (năm 2018 đạt 507.782 tấn). “Những năm gần đây, địa phương khuyến khích người dân tại các vùng có nguồn nước ít, đất dốc, chuyển đổi sang cây trồng khác nhưng vẫn đảm bảo được diện tích cà phê theo kế hoạch trồng hàng năm. Về lâu dài, tỉnh tiếp tục hỗ trợ người dân thực hiện trồng xen cây ăn quả như bơ, sầu riêng, mắc ca, măng cụt vừa tăng thu nhập trên đơn vị diện tích, đồng thời cũng phát triển cây tạo tán bổ trợ cho cà phê phát triển”, ông Châu phân tích.

Ngành nông nghiệp tỉnh Đắk Lắk khuyến cáo bà con nên tái canh, thay đổi diện tích cà phê cũ bằng các giống cà phê mới có năng suất cao hơn, khả năng chống chịu hạn, sâu bệnh hại tốt hơn. Bên cạnh đó, bà con nên thay đổi tư duy trồng cà phê theo kiểu truyền thống bằng cách sản xuất theo hướng hữu cơ để đạt tiêu chuẩn chất lượng.