CÀ PHÊ

Từ đồn điền đến tiệm đồ uống, ngành cà phê châu Á đang đối mặt với mối đe dọa nguy hiểm nhất: Biến đổi khí hậu

Cập nhật ngày: 04 | 03 | 2020

Việc canh tác cà phê tại Đông Timor cũng như trên khắp khu vực châu Á đang ngày càng bất lợi vì biến đổi khí hậu. Theo một số dự đoán, nông dân là đối tượng bị thiệt hại đầu tiên, sau cùng sẽ là người tiêu dùng.

Theo Channelnewsasia (CNA), đi lang thang qua khắp các đồn điền cà phê ở Đông Timor như đang bị lạc trong rừng. Trên khắp đất nước này, cà phê mọc dại và không được chăm bón, một phần bị che khuất dưới tán cây.

Đứng quan sát con trai nhỏ chạy qua những rặng cà phê xanh, người nông dân 30 Jorge Lopes không chắc liệu đồn điền cà phê này có thể mang đến tương lai tươi đẹp cho gia đình anh hay không.

Tại thị trấn miền núi Maubisse của Đông Timor, điều kiện thời tiết thuận lợi và đất đai màu mỡ đã giúp duy trì chất lượng cà phê qua nhiều thế hệ, tuy nhiên lúc này mọi thứ đang chìm dần vào kí ức.

Nhiệt độ tăng lên khiến độ ẩm giảm xuống. Mùa mưa vốn thường bắt đầu vào cuối tháng 11 hàng năm hiện nay không đến đều đặn và lượng mưa giảm nhiều.

"Trên các đồn điền cà phê, cuộc sống rất khó nhọc", anh Lopes chia sẻ. "Tôi cảm thấy rất buồn về tình hình khí hậu hiện nay bởi nó ảnh hưởng đến chất lượng hạt cà phê của chúng tôi.

Chúng tôi có thể thấy cà phê ở Đông Timor rất tự nhiên, hữu cơ và không có dư lượng hóa chất. Biến đội khí hậu thực sự quá khắc nghiệt với chúng tôi".

Biến đổi khí hậu đang dần khiến việc trồng cà phê ở Đông Timor bất ổn hơn. Theo CNA, hoạt động canh tác cà phê đang bị đe dọa trên toàn cầu và đây là một vấn đề chung cho toàn thế giới.

Biến đổi khí hậu không chừa một ai trong chuỗi cung ứng cà phê

Nhiều chuyên gia nhận định nông dân trồng cà phê hiện đang là nhóm đối tượng bị tổn hại và sau cùng, tác hại của biến đổi khí hậu sẽ lan đến người tiêu dùng.

Trên khắp khu vực châu Á, nông dân trồng cà phê đang phải đối mặt với điều kiện canh tác khắc nghiệt nhất từ trước đến nay. Dù vậy, kịch bản tồi tệ hơn sắp xảy ra.

Tại Việt Nam - nước sản xuất cà phê lớn nhất châu Á, ngày càng có ít khu vực phù hợp cho hoạt động canh tác cà phê và tình trạng thiếu nước sẽ trở nên phổ biến hơn.

Tại Indonesia, sản lượng cà phê đã giảm sút và chất lượng được dự báo cũng sẽ đi xuống trong vài năm tới.

Từ đồn điền đến tiệm đồ uống, ngành cà phê châu Á đang đối mặt với mối đe dọa nguy hiểm nhất: Biến đổi khí hậu - Ảnh 2.

Nông dân trồng cà phê điêu đứng vì diễn biến khí hậu thất thường. (Ảnh: CNA)

Mặc dù Đông Timor chiếm chưa đầy 1% sản lượng cà phê toàn cầu, nhưng không có nhiều nước phụ thuộc vào loại cây trồng này như Đông Timor. 80% kim ngạch xuất khẩu của Đông Timor là từ cà phê; đồng thời, ngoài dầu mỏ, cà phê là nguồn đóng góp lớn nhất cho kinh tế quốc gia.

Chất lượng chính là yếu tố khiến cà phê của Đông Timor trở nên nổi bật. Theo CNA, cà phê Đông Timor là sản phẩm duy nhất hoàn toàn hữu cơ.

Đông Timor có điều kiện thời tiết khô hạn và mùa mưa ngắn hơn so với các khu vực còn lại của Đông Nam Á. Biến đổi khí hậu hiện đang làm trầm trọng hóa thêm các yếu tố trên.

Cuối năm 2019, khi mùa mưa đáng lẽ đã đến để giúp giải cứu nông dân và tạo điều kiện thuận lợi cho vụ mùa mới gieo trồng, hạn hán nghiêm trọng lại xuất hiện trên khắp nước này, theo Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hợp Quốc.

Năm ngoái, thủ đô Dili của Đông Timor đã ghi nhận lượng mưa thấp nhất kể từ năm 2006.

"Sản lượng cà phê đang giảm do nhiệt độ tăng và lượng mua thay đổi", ông Adao Soares Barbosa - Đặc phái viên Quốc gia của Đông Timor tại Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về Biến đổi Khí hậu (UNFCC), cho hay.

"Chúng tôi bị mất đất đai và độ màu mỡ của đất. Chúng tôi cũng gặp các vấn đề về sản xuất nông nghiệp do lũ lụt, lượng mưa giảm và hạn hán", ông Barbosa chia sẻ.

"Cuộc sống và sinh kế của người dân bị ảnh hưởng rất nhiều. Không có năng lực tài chính hay công nghệ nào có thể thích nghi kịp", vị quan chức giãi bày.

Trong bối cảnh sản lượng cà phê giảm dần, yếu tố kinh tế không còn ý nghĩa gì nữa ở Đông Timor. Lao động chân tay và quá trình canh tác vất vả của người nông dân không tạo ra nhiều thu nhập: Với mỗi kí hạt cà phê, họ thường chỉ nhận được khoảng 0,35 USD.

"Trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, nông dân và chuỗi cung ứng của chúng tôi gặp khó. Ở thời điểm thời tiết thuận lợi hơn, họ sẽ trụ được. Tuy nhiên, hiện tại không ai có thể kiếm được nhiều tiền từ ngành cà phê Đông Timor", anh Bobby Lay - CEO của một trong các công ty xuất khẩu cà phê lớn nhất Đông Timor, cho hay.

Anh Lay nói thêm: "Chúng tôi dự đoán sản lượng từ vụ mùa năm nay sẽ thấp hơn năm ngoái. Ở trường hợp của Đông Timor, cà phê chưa được canh tác chuyên nghiệp mà còn mọc hoang dã nhiều. Vì vậy, chúng tôi phụ thuộc rất nhiều vào thiên nhiên và mùa mưa".

"Chúng tôi hiện chỉ đạt khoảng 15% sản lượng so với dự báo. Vào thời của cha tôi, sản lượng cà phê hàng năm của Đông Timor thường là 50.000 - 70.000 tấn. Còn giờ nếu chỉ được khoảng 10.000 - 12.000 tấn, mọi người đã hân hoan vui mừng vì một năm bội thu rồi", CEO Bobby Lay cho biết thêm.

Anh Jorge Lopes đang lo cho tương lai của mình. "Cà phê chỉ có thể thu hoạch một lần trong năm và với mức giá hiện tại, chúng tôi đáng lí ra nên tìm việc khác thì hơn, chẳng hạn như làm công nhân xây dựng đường xá hoặc dự án nào đó", anh nói.

Một số dự báo về tương lai của 25 triệu nông dân trồng cà phê trên khắp thế giới khá đáng báo động. Một báo cáo của viện chính sách Climate Institute (có trụ sở tại Australia) năm 2016 dự đoán biến đổi khí hậu có thể làm giảm một nửa diện tích đất canh tác thích hợp cho cà phê trên toàn thế giới.

Theo CNA, các nước đang phát triển sẽ chịu phần lớn thiệt hại. Tuy nhiên cũng không tránh khỏi tác động đến ly latte của người tiêu dùng ở các nước phát triển, ông Michael Hoffman - giáo sư tại Đại học Cornell (Mỹ), nhận định.

"Có nhiều dự báo chỉ ra giá cà phê sẽ tăng...Giá cà phê sẽ tăng trong vài thập kỉ tới. Tôi không thấy khả năng nào khác", ông Hoffman chia sẻ với tờ CNA.

Khi mà hoạt động canh tác cà phê gặp khó khăn, một số doanh nghiệp đã nảy ra ý tưởng mới: tạo ra cà phê bằng phân tử, tức không cần hạt cà phê như truyền thống. Đây chính là ý tưởng của startup Atomo do nhà khoa học thực phẩm Jarret Stopforth và người bạn Andy Kleitsch lập nên.

Theo Atomo, có hàng nghìn hợp chất dùng để tạo ra cà phê, trong đó một số chất đóng vai trò quan trọng hơn vì ảnh hưởng đến hương vị và mùi thơm của sản phẩm cuối cùng.

Sau nhiều thử nghiệm, Atomo đã tạo ra một số loại cà phê nhân tạo như arabica và robusta. Hiện tại, công ty này đang bắt đầu kinh doanh ba loại cà phê uống lạnh với mức độ rang xay khác nhau: mịn, ít đắng; rang vừa; và đậm đặc, rang cháy hơn.

 
Theo Vietnambiz

TIN TỨC KHÁC

Thông quan xuất khẩu hàng nông sản tại cửa khẩu Cốc Nam

6-3-2020

Từ 10h30 ngày 6/3, tỉnh Lạng Sơn (Việt Nam) và phía Trung Quốc đã chính thức thông quan hàng hoá trở lại tại cửa khẩu Cốc Nam- Lạng Sơn.

Giá cà phê Việt nam tăng nhẹ do lo ngại nguồn cung khan hiếm; thị trường Indonesia trầm lắng

3-3-2020

Giá cà phê nội địa tại Việt Nam tăng nhẹ trong tuần này do lo ngại nguồn cung khan hiếm trong khi các hoạt động giao dịch tại Indonesia vẫn trầm lắng.

Chiến lược thúc đẩy sản xuất cà phê Kenya

28-2-2020

Chính phủ Kenya đang thực hiện các can thiệp về thể chế, pháp lý và dịch vụ hỗ trợ nhằm xóa bỏ các xu hướng tiêu cực trong ngành cà phê, góp phần thúc đẩy sản xuất cũng như tăng cường tiêu thụ sản phẩm này.

Cuba khôi phục sản xuất cà phê

28-2-2020

Cuba đã sản xuất gần 10.000 tấn cà phê vào năm 2019, đánh dấu bước đầu phục hồi giá trị cho sản phẩm này, một quan chức của Cuba cho biết.

Cuộc chiến giữa các chuỗi cà phê tại Việt Nam tăng nhiệt

27-2-2020

Highlands Coffee đang mở rộng chuỗi cà phê với tốc độ ánh sáng, trong khi Trung Nguyên cũng đã đưa hệ thống E-Coffê vào hoạt động và Cộng đang xuất khẩu mô hình này ra nước ngoài. Các nhà phân tích bình luẩn ằng Việt Nam là một trong những thị trường cà phê hấp dẫn nhất thế giới do thói quen uống cà phê vào buổi sáng của người Việt Nam. Trước đây, Việt Nam ưa chuộng tiêu thụ cà phê giá rẻ, với giá chưa đến 25.000 đồng/tách. Nay khi tiêu chuẩn sống cải thiện, các yêu cầu đối với các sản phẩm cà phê cũng cao hơn.

Sản lượng cà phê xuất khẩu tăng 2 lần

21-2-2020

Thông tin từ Cục Thống kê Đồng Nai cho biết, xuất khẩu cà phê gần 2 tháng đầu năm nay ước đạt gần 52,7 ngàn tấn với tổng kim ngạch hơn 92,5 triệu USD, tăng gấp 2 lần về sản lượng, về giá tăng gần 28% so với cùng kỳ năm trước.

Sản xuất cà phê ở Kon Tum phải thích ứng được với biến đổi khí hậu

21-2-2020

Sau một niên vụ cà phê thất bát, những ngày này nông dân ở tỉnh Kon Tum đang vất vả với việc tưới nước cho cây cà phê khi hạn hán khô cạn.

Khi công nghệ đi vào cây cà phê

24-2-2020

Khủng hoảng cà phê già cỗi tại khu vực trồng Robusta lớn nhất thế giới dường như đã tìm ra lời giải khi mô hình giống cà phê nuôi cấy mô mới kết hợp biện pháp kỹ thuật và ứng dụng công nghệ đã cho những vụ cà phê năng suất lên đến 5, 7 tấn/ha.

Chiến lược tăng trưởng tiêu thụ cà phê của Uganda tại thị trường Trung Quốc

24-2-2020

Ngày 29/1, các nhà chế biến, xuất khẩu và quản lí cà phê của Uganda đã mở cuộc họp nhằm xây dựng chiến lược làm thế nào để đất nước Đông Phi có thể thu lợi từ việc tiêu thụ cà phê ngày càng tăng tại Trung Quốc một cách tốt nhất.

Đông Nam Á hướng tới phát triển cà phê bền vững

17-2-2020

Theo The ASEAN Post, cà phê đang nhanh chóng phát triển thành một mặt hàng có tính bền vững cao hơn do nhu cầu của người tiêu dùng và những cam kết của nông dân trên thế giới. Nhờ sự phổ biến mà cà phê trở thành một mặt hàng quan trọng đối với các nước Đông Nam Á, có giá trị xuất khẩu đạt 6,2 tỉ USD, tương đương 16% sản lượng xuất khẩu cà phê thế giới.

Xuất khẩu cà phê Brazil sang các nước Arab tăng 29%

18-2-2020

Khối lượng xuất khẩu cà phê từ Brazil sang các quốc gia Arab đã tăng 29,1% trong tháng 1 so với cùng kì năm ngoái lên 121.700 bao 60 kg, theo báo cáo của Hội đồng Các nhà xuất khẩu Cà phê Brazil (Cecafé) ngày 11/2.

Cà phê Châu Á: Nông dân Việt Nam giữ hàng trong bối cảnh giá thấp

17-2-2020

Lái thương và nhà xuất khẩu tại Việt Nam đã không mua được cà phê giá thấp từ nông dân, trong khi tồn kho bắt đầu giảm.