CÀ PHÊ

Cây cà-phê “đắng” ở Tuần Giáo

Cập nhật ngày: 30 | 07 | 2019

Đã hơn 5 năm kể từ ngày Công ty cổ phần cà-phê Thái Hòa Mường Ảng rời đi, vậy mà hàng trăm gia đình nông dân nghèo ở huyện Tuần Giáo (tỉnh Điện Biên) vẫn khắc khoải ngóng trông. Tiền công chưa nhận đủ, lợi nhuận chưa được chia, nông dân Tuần Giáo lại phải bước vào hành trình mới: Kiện đòi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) của mình nhưng chưa một lần nhìn thấy…

Chuyện chẳng thể… quên

Năm 2009, lãnh đạo xã Quài Cang, Huyện ủy, UBND huyện Tuần Giáo giới thiệu về doanh nghiệp có tiếng làm cà-phê ở Mường Ảng muốn hợp tác trồng cà-phê ở các xã Quài Cang, Quài Nưa… Người dân Quài Cang ai nấy đều háo hức bởi như thông tin cung cấp thì nông dân góp đất trồng cà-phê sẽ được Công ty cổ phần cà-phê Thái Hòa Mường Ảng (sau đây gọi tắt là Công ty Thái Hòa) cấp 100% cây giống, phân bón. Ngoài ra, còn hỗ trợ tiền mặt ba triệu đồng/ha trong ba năm. Công ty thu mua toàn bộ quả cà-phê tương đương giá trên thị trường và phân chia 20% lợi nhuận từ kinh doanh cà-phê cho người góp đất. Sẵn sàng góp đất, chuẩn bị dụng cụ cần thiết, nhiều gia đình còn bảo nhau dọn đất sạch sẽ để tạo thiện cảm với công ty…

Dự án của Công ty Thái Hòa cứ thế chạy “băng băng”. Từ năm 2010, công ty bắt đầu ký hợp đồng với 401 hộ dân ở 16 bản thuộc xã Quài Nưa trồng 136,59 ha. Năm 2011, công ty ký hợp đồng với 419 hộ dân ở 12 bản thuộc xã Quài Cang trồng 139 ha cà-phê. Hợp đồng do phía công ty làm, người dân chỉ việc ký tên rồi sau đó nhận cây giống để trồng trên diện tích cam kết góp vốn.

Hợp đồng là thế nhưng khi đi vào thực tiễn lại hoàn toàn khác. Ông Lò Văn Tươi, Trưởng bản Bản Phủ buồn rầu cho biết: Tiền hỗ trợ thì người được nhận người không, thậm chí công ty còn nợ tiền công người dân chăm sóc cà-phê suốt mấy năm liền. Năm 2013, cây cà-phê ở một số bản được thu hoạch, công ty cho người đến thu mua 2.000 đồng/kg quả tươi, trong khi giá thị trường là 7.000 đồng/kg khiến người nông dân đau như đứt từng khúc ruột. Tiền thu về ít, niềm tin với công ty rơi rụng từng ngày.

Ông Tòng Văn Duân, một người dân địa phương cho biết: Góp 1,2 ha đất với công ty vậy mà bốn năm trời nhà tôi chỉ được hỗ trợ 3,6 triệu đồng tiền đất cộng với tiền bán cà-phê cho công ty 2,5 triệu đồng (1,2 tấn quả). Với thu nhập như thế thử hỏi tám người trong gia đình tôi sống thế nào? Đấy là chưa kể từ ngày góp đất trồng cà-phê đến nay, dân bản không còn bãi chăn thả. Nghề phụ không có, 116 gia đình trong bản chỉ trông vào mấy ha ruộng, bảo sao tỷ lệ đói nghèo không cao!

Khi công ty bỏ đi…

Lứa quả đầu tiên năm 2013 không thuận về giá, doanh nghiệp và nông dân quay sang “dè chừng” nhau. Để bảo đảm nông dân không bán quả tươi cho tư thương bên ngoài, công ty cử người về từng bản giám sát suốt cả ngày. Đổi lại phía công ty, người dân lại luân phiên đi hái quả ban đêm rồi đem về bán cho tư thương lúc trời tờ mờ sáng.

Cứ như thế mạnh ai người ấy làm, tiếng là hợp tác mà “hai nhà” chẳng mong đợi… gặp nhau. Chỉ đến khi lo lắng quá, đích thân ông Nguyễn Hữu Duyên, Giám đốc Công ty Thái Hòa, mới về gặp dân từng bản để giải thích vì sao giá thu mua của công ty lại thấp hơn giá thị trường nhưng gặp phải sự phản ứng dữ dội từ người dân. Bí thư Chi bộ Bản Phủ Lò Hoài Văn bức xúc nói: “Ông ấy bảo, công ty đầu tư 66 tỷ đồng cho cà-phê ở đây nên phải chờ khi công ty hoàn vốn đầu tư mới bắt đầu phân chia lợi nhuận và thu mua bằng giá thị trường. Vậy ai mà nghe được khi chỉ công ty tự tính, tự công bố? Hơn nữa, hợp đồng không có như thế”!

Thế rồi, sau mùa thu hái năm 2014, Công ty Thái Hòa “lặng lẽ” rút đi, để lại cho người dân hai xã Quài Cang, Quài Nưa hơn 275 ha “cây xóa đói, giảm nghèo”. Trước thực trạng đó, chính quyền hai xã Quài Cang, Quài Nưa và cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tuần Giáo lại vào cuộc tuyên truyền, động viên người dân cố gắng khắc phục khó khăn bằng việc trông nom, chăm sóc vườn cà-phê với hy vọng cuộc sống sẽ bớt khó khăn. Nhờ đó hai xã mới duy trì được 150 ha. Song phần vì nông dân thiếu vốn, thiếu kỹ thuật, phần vì không “mặn mà” nên năng suất cà-phê không cao. Lại thêm thực trạng giá cả bấp bênh, càng khiến người nông dân thờ ơ, nhiều gia đình bỏ đất không, để cỏ dại mọc um tùm như bãi hoang.

Và khi nhà đầu tư khác đến đề nghị hợp tác trồng cây mắc ca thì người dân ở Quài Cang, Quài Nưa lại thấy nhen lên niềm hy vọng. Rút kinh nghiệm từ việc với Công ty Thái Hòa, lần này bà con đề nghị nhà đầu tư phải thảo hợp đồng hợp tác để dân nghiên cứu rồi mới thống nhất ký. Nhưng lần này lại vướng ở phía người dân. Bởi căn cứ để ký hợp đồng góp vốn là GCNQSDĐ thì người dân lại không biết giấy chứng nhận ở đâu? Được cấp hay chưa và cấp từ khi nào? Ra xã hỏi, xã nói không biết, phải chờ xã ra huyện hỏi mới tỏ tường.

Mãi khi họp HĐND huyện, lãnh đạo hai xã Quài Cang, Quài Nưa mới rõ thông tin, GCNQSDĐ của người dân đã được UBND huyện Tuần Giáo hoàn thiện, ký ngày 19-10-2012; hiện vẫn… trong kho của Văn phòng Đăng ký Quyền sử dụng đất (thuộc Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tuần Giáo). Hỏi thêm vì sao để rõ ngọn ngành về còn trả lời trước nhân dân thì lãnh đạo hai xã chỉ nhận được câu trả lời, đấy là việc giữa Công ty Thái Hòa với Sở Tài nguyên và Môi trường Điện Biên…

… hậu quả ở lại!

Cứ như thế đằng đẵng mấy năm trời người dân xã Quài Cang, Quài Nưa chờ GCNQSDĐ mà không thấy. Người muốn có giấy thế chấp vay vốn không được, người muốn hoàn thiện thủ tục góp vốn không xong, nhiều người gieo trồng trên đất nhà mình mà phấp phỏng không yên bởi nỗi lo lắng đè nặng. Như lời ông Lò Văn Thiện, ở bản Cắm, xã Quài Cang thì nông dân cứ băn khoăn giữa phá hay để cà-phê trong khi đất sản xuất ít, hợp đồng lại không rõ ràng…

Đem nỗi băn khoăn của người dân hai xã hỏi Phó phòng Tài nguyên và Môi trường Tuần Giáo Lò Văn Quân, chúng tôi nhận được thông tin khá chi tiết và đầy đủ. Ông Quân xác nhận: đúng là Văn phòng Đăng ký Quyền sử dụng đất đang giữ 1.471 GCNQSDĐ của 820 hộ dân ở 28 bản thuộc hai xã. Ông Quân cũng lý giải, việc giữ GCNQSDĐ này là… “giữ hộ” theo đề nghị của Sở Tài nguyên và Môi trường Điện Biên, bởi nghe đâu Công ty Thái Hòa hợp đồng thuê Sở Tài nguyên và Môi trường làm thủ tục đo đạc, quy chủ để cấp GCNQSDĐ, nhưng công ty không trả kinh phí nên Sở yêu cầu giữ lại. Thời gian Sở gửi nhờ từ khi hoàn thiện cấp giấy đến nay đã hơn sáu năm rồi và cũng không biết còn kéo dài bao lâu nữa!

Trao đổi với lãnh đạo UBND huyện Tuần Giáo qua điện thoại, chúng tôi cũng nhận được câu trả lời “khá bàng quan”, rằng: Đấy là hợp đồng dân sự giữa nông dân và Công ty Thái Hòa. Để giải quyết phải đưa ra tòa án chứ huyện không thể can thiệp được.

Theo báo Nhân Dân

TIN TỨC KHÁC

Cây cà phê chè Việt Nam và ba vùng canh tác trọng điểm

14-8-2019

Cây cà phê chè (Arabcia) vốn không có vị thế tương xứng trong ngành cà phê Việt Nam trong hơn 30 năm này. Từ những năm 1980 ngành cà phê vì chưa có biện pháp phòng trừ sâu bệnh cho cà phê chè nên đã có chủ trương mở rộng diện tích cà phê vối (Robusta) trên vùng đất đỏ bazan ở các tỉnh Tây Nguyên. Đến nay hàng năm Việt Nam đã sản xuất ra khoảng 1 triệu tấn cà phê các loại, trong đó chủ yếu là cà phê vối và là nước đứng đầu thế giới về sản lượng cà phê này, ngược lại cà phê chè chỉ chiếm tỷ trọng rất thấp trong ngành cà phê Việt Nam

Brazil và Việt Nam đang thắt chặt sợi dây kiểm soát ngành cà phê thế giới ra sao

7-9-2019

Một máy dạng tháp chạy ầm ầm khắp cánh đồng của vườn cà phê nhà ông Julio Rinco tại bang Sao Paulo, Brazil, kéo toàn bộ cây cà phê xuống và rụng quả xuống băng tải. Máy thu hoạch tự động này là một trong những sáng tạo giúp giảm chi phí sản xuất của ông Rinco xuống mức mà ít ai sử dụng các phương pháp truyền thống, thâm dụng lao động có thể bì được.

Giá cà phê lao dốc không phanh

5-9-2019

Giá cà phê trong nước giảm theo đà lao dốc của thị trường cà phê thế giới. Giá cà phê trên thị trường thế giới sáng nay (6.9) giảm sốc gần 3%.

Chuyện lạ Lâm Đồng: Trồng "lung tung" ở vườn cà phê đâu ai chê

3-9-2019

Trước thực tế giá cả các loại nông sản chủ lực như cà phê, hồ tiêu bấp bênh, nhiều nông dân ở huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng đã tích cực tìm hiểu và chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xen canh nhiều loại cây nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất và tăng thu nhập.

Đắk Lắk: Trồng xen mắc ca trong vườn cà phê, lãi cao

2-9-2019

Ông Ngô Quang Phương, xã Cư Bao, thị xã Buôn Hồ (Đắk Lắk), cho biết, gia đình ông có 1 ha trồng cà phê và tiêu từ năm 1994 đến nay. Năm 2013, khi cây già cỗi, thu hoạch kém, ông thường vào mạng, tìm xem có cây gì thu nhập cao, thích hợp vùng đất đỏ Tây Nguyên thì thay thế.

Tái canh giúp 'ghi điểm' về tiêu chuẩn cà phê đặc sản

13-9-2019

Tái canh cà phê ở Tây Nguyên là cơ hội để thay đổi giống cũ bằng giống mới với nhiều điểm ưu việt như năng suất cao, chất lượng tốt...

Cuối niên vụ cà phê 2018 - 2020, doanh nghiệp 'vật lộn' vì nông dân găm hàng không muốn bán

12-9-2019

Một số doanh nghiệp gặp khó khăn thu mua cà phê để xuất khẩu do người dân không muốn bán trong bối cảnh giá vẫn ở thấp.

Việt Nam và Brazil vẫn củng cố vị thế hàng đầu trên thị trường thế giới

9-10-2019

Tại bang Sao Paulo (Brazil), một cỗ máy thu hoạch khổng lồ đang băng qua vườn cà phê ông Julio Rinco, che lấp toàn bộ thân cây và lắc mạnh để hạt cà phê rơi xuống băng tải của cỗ máy. Máy thu hoạch cà phê tự động này là một trong những sáng kiến giúp giảm chi phí sản xuất của ông Rinco xuống mức mà ít người chủ đồn điền nào đang sử dụng các phương pháp thu hoạch thâm dụng lao động truyền thống có thể sánh được.

Cà phê Châu Á: Giá tại Việt Nam ổn định trong tuần, vụ mùa cà phê không bị lũ lụt tác động xấu

7-10-2019

Tại Việt Nam, giá cà phê nội địa của Việt Nam không thay đổi so với tuần trước trong bối cảnh hoạt động buôn bán trầm lắng, trong khi những trận mưa lớn gần đây tại khu vực trồng cà phê lớn nhất nước này không gây thiệt hại cho mùa màng.

Sản lượng cà phê Tanzania tăng gấp đôi trong niên vụ 2018 - 2019

4-10-2019

Sản lượng cà phê Tanzania đã tăng gần gấp đôi nhờ thời tiết thuận lợi và bùng nổ sản xuất trong niên vụ 2018 - 2019.

Công ty CCL muốn giành thị phần ngành cà phê hòa tan Ấn Độ

3-10-2019

Nhà sản xuất cà phê hòa tan lớn nhất thế giới, CCL Products, có kế hoạch tăng cường tập trung vào thị trường Ấn Độ, nhắm tới một thị phần lớn của thị trường nội địa nhưng mới chỉ đóng góp 7% vào tổng doanh thu. Công ty đã báo cáo doanh thu 1.100 crore rupee vào năm 2018 và có 2 cơ sở sản xuất ở Ấn Độ cùng với 2 cơ sở lần lượt tại Việt Nam và Thụy Sĩ.

Nông dân mong đạo luật cà phê mới sẽ được sửa đổi

1-10-2019

Dự luật cà phê quốc gia của Uganda được đề xuất 2018 tuy nhiên đến thời diểm hiện tại vẫn gây ra nhiều tranh cãi từ các bên liên quan trong ngành cà phê.