Cập nhật ngày:
25 | 06 | 2018
Nông dân tại ĐBSCL đã xuống giống vụ hè thu quá sớm và đang phải đối diện với nguy cơ năng suất giảm và chi phí tăng do bùng phát dịch bệnh. Tại tỉnh An Giang, nông dân đã xuống giống tổng cộng 228.000ha, và hoạt động thu hoạch đã bắt đầu tại một số khu vực.
Ông Nguyễn Văn Hiền, giám đốc chi cục BVTV, cho biết: “Chúng tôi hy vọng giá lúa ổn định cho tới cuối vụ để nông dân có thể thu lợi nhuận cao”. Nhưng thời tiết bất lợi đang gây ra dịch bệnh, có thể gây thiệt hại về năng suất, ông cho biết thêm. Dịch bệnh thường xảy ra khi lúa được gieo quá sớm hoặc quá muộn do rầy nâu còn sót lại từ vụ thu hoạch trước. Tại các huyện Tháp Mười, Tân Hồng và Lấp Vò của tỉnh Đồng Tháp, khoảng 560ha diện tích lúa xuống giống quá sớm bị tác động bởi dịch rầy nâu. Nông dân tại ĐBSCL đã có lợi nhuận cao trong vụ đông xuân 2017-18 và rất nhiều người đã quyết định xuống giống vụ hè thu sớm hơn thông lệ.
Ông Nguyễn Thanh Hòa, hiện có 2ha đất lúa tại huyện Vị Thủy (Hậu Giang), cho biết ông có lợi nhuận 45 – 50 triệu đồng (1.980 – 2.200 USD) từ vụ đông xuân vừa qua và ngay lập tức xuống giống cho vụ hè thu. Ông Nguyễn Văn Mách tại huyện Châu Thành A, cũng đã xuống giống vụ hè thu vào hồi giữa tháng 3 như ông Hòa, cho biết các cán bộ khuyến nông địa phương đã cản báo nông dân phải để ruộng nghỉ ít nhất 3 tuần giữa hai vụ lúa để diệt trừ mầm bệnh. “Nhưng do giá lúa sau vụ đông xuân vẫn cao nên nông dân quyết định xuống giống sớm vụ hè thu”. Năm 2018, lịch xuống giống vụ hè thu theo thông báo của Cục BVTV là từ tháng 4 đến giữa tháng 6.
Tại tỉnh Kiên Giang, hơn 252.140ha đã được xuống giống, với 15.500ha bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh mặc dù các cơ quan chức năng đã chỉ đạo các địa phương thường xuyên báo cáo về dịch bệnh và cảnh báo nông dân xử lý triệt để các diện tích lúa bị dịch bệnh gây thiệt hại nặng nề. Diện tích trồng lúa vụ hè thu năm 2018 tại ĐBSCL đạt hơn 1,65 triệu ha, cao hơn 247.000ha so với cùng kỳ năm 2017, theo báo cáo Bộ NNPTNT.
Theo VNS (gappingworld.com)