Các nhà khoa học đã phát hiện ra tiếp xúc với lượng khí CO2, dự kiến có trong khí quyển trước khi kết thúc thế kỷ này, làm hàm lượng protein, sắt và kẽm trong hạt gạo thấp hơn, cũng như làm giảm một số lượng vitamin B.
Trên tạp chí Science Advances, các nhà nghiên cứu đã báo cáo cách họ khám phá tác động của việc lượng CO2 tăng đối với lúa bằng cách tiến hành thí nghiệm trên 18 giống lúa khác nhau tại nhiều vùng ở Trung Quốc và Nhật Bản trong giai đoạn 2010 - 2014.
Lúa được trồng trong những cánh đồng, với những vòng cấu trúc hình bát giác lớn được lắp đặt phía trên cây trồng. Theo đó, có vòng hoặc được cung cấp với CO2, hoặc không. Nồng độ CO2 mà thực vật tiếp xúc được theo dõi tại trung tâm của mỗi vòng, và gạo được sản xuất bởi mỗi loại cây trồng được thu thập và phân tích.
Kết quả cho thấy, cây trồng tiếp xúc với lượng CO2 cao hơn trung bình ít dinh dưỡng hơn, bất kể quốc gia mà chúng được trồng, chứa ít hơn 10% protein, ít hơn 8% sắt và ít hơn 5% kẽm so với lúa được trồng trong những vòng có nồng độ CO2 tương đương mức hiện tại. Ngoài ra, hàm lượng vitamin B1, B2, B5 và B9 cũng giảm, với mức giảm trung bình hơn 30%. Ngược lại, hàm lượng vitamin E tăng lên.
Theo ông Ziska, những khác biệt này có thể liên quan đến việc các loại vitamin và chất dinh dưỡng khác nhau có chứa nitơ hay không, với những loại chứa nito thì mức dinh dưỡng và vitamin giảm khi CO2 tăng, và loại chứa nito thì ngược lại.
Tuy nhiên, với một số giống lúa dường như cho thấy ít thay đổi về mức độ chất dinh dưỡng nhất định, các nhà nghiên cứu cho biết có thể tìm thấy hoặc phát triển các loại gạo sẽ vẫn bổ dưỡng khi khí hậu thay đổi.
Sự suy giảm dinh dưỡng của gạo do hậu quả của biến đổi khí hậu có thể có ảnh hưởng sâu sắc tới sức khỏe, đặc biệt là đối với những người phụ thuộc nhiều nhất vào vụ mùa. Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu cũng cảnh báo, nó có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ nhỏ và làm trầm trọng thêm tác động của dịch bệnh, gồm cả bệnh sốt rét.
“Khoảng hai tỷ người dựa vào gạo như một nguồn thực phẩm chính và những người nghèo nhất, thường tiêu thụ gạo trong thực đơn hàng này là trên 50%”, Tiến sĩ Lewis Ziska, đồng tác giả của nghiên cứu đến từ bộ Nông nghiệp Mỹ, cho biết.
Các quốc gia dự kiến sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi hàm lượng dinh dưỡng trong gạo giảm là Bangladesh và Madagascar.
Chất lượng gạo giảm sẽ ảnh hưởng lớn tới hoạt động xuất khẩu, khi phân khúc gạo chất lượng cao tiếp tục chiếm ưu thế.
Chưa kể, theo ông David Dawe, chuyên gia kinh tế cấp của FAO tại Bangkok, gạo sẽ không còn chiếm lĩnh thị trường trong những năm tới khi các loại thực phẩm mới "nhảy vào", dù đây vẫn là loại lương thực quan trong nhất tại châu Á.
Khoảng 90% sản lượng và tiêu thụ gạo toàn cầu tại châu Á, ngôi nhà của khoảng 60% dân số thế giới, nhưng xu hướng tại Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc và Hồng Kông chỉ ra tiêu thụ gạo đang thay đổi đáng kể vì chế độ ăn uống thay đổi.
Cụ thể, tiêu thụ gạo trên đầu người đã giảm 60% tại Hồng Kông kể từ năm 1961, giảm gần một nửa tại Nhật Bản, 41% tại Hàn Quốc kể từ năm 1978.
Xu hướng thay thế gạo bằng những thực phẩm khác thể hiện rõ ràng hơn ở Trung Quốc đại lục và một số quốc gia Đông Nam Á, nơi người dân tiêu thụ ngày càng nhiều thức ăn giàu protein với nhiều thịt và cá hơn.
Tại Philippines, một trong những nhà nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới, chính phủ đã xem xét các loại thực phẩm thay thế như ngô, chuối, khoai lang, sắn, khoai môn và adlai, một loại ngũ cốc truyền thống.
Nguồn: Vietnambiz, Kinh tế & Tiêu dùng