Theo công bố báo chí hồi đầu tháng này, Saba Industries sẽ mua lại những nhà máy xay xát gạo bỏ hoang và lạc hậu tại Việt Nam, Campuchia, Lào và Thái Lan để chuyển đổi các nhà máy này thành các cơ sở hạ tầng bảo quản được trang bị các máy sấy lúa gạo sử dụng nhiên liệu sinh học, giúp chống lại tác động của biến đổi khí hậu. Saba tuyên bố mục tiêu giúp hiện đại hóa ngành nông nghiệp tại Đông Nam Á, thúc đẩy canh tác lúa gạo hữu cơ và cải thiện chất lượng sống của nông dân. Khoản đầu tư 100 triệu USD dự kiến cho các hoạt động đầu tư trong vòng 2 năm tới.
Công ty Ấn Độ cũng sẽ bao tiêu lúa của nông dân và cung ứng cho nông dân trang thiết bị, giống và phân bón miễn phí. “Đây là một sự thay đổi cần thiết sau hàng thế kỷ canh tác theo phương pháp lạc hậu của nông dân, buộc phải mua mọi thứ cần thiết cho hoạt động sản xuất, khiến họ luôn ngập trong nợ nần và luẩn quẩn trong vòng xoáy đói nghèo”, Saba cho biết thêm họ sẽ tập huấn cho nông dân các kỹ thuật canh các hữu cơ.
Theo phát biểu trước Khmer Times, một tờ báo của Campuchia, Malini Saba cho biết Campuchia hiện đang không có đủ máy sấy để xử lý toàn bộ sản lượng lúa mỗi mùa tại nước này. Bà cho biết hàng năm Campuchia thu hoạch 7,5 triệu tấn gạo nhưng chỉ khoảng 2 triệu tấn được sấy và chế biến trong nước, phần còn lại được xuất sang Thái Lan và Việt Nam để chế biến. “Phần lớn lượng gạo của Campuchia có thể được chế biến nội địa. Tai Campuchia, kế hoạch của chúng tôi là mua lại các nhà máy xay xát cũ, biến chúng thành các cơ sở hạ tầng bảo quản với các máy sấy sử dụng nhiên liệu sinh học, đồng thời giúp chống lại các tác động của biến đổi khí hậu. Chúng tôi hiện đang trong quá trình xác định các nhà máy nào có thể phù hợp cho dự án”.
Golden Grain Rice, công ty con của Saba Industries, sẽ chế biến và phân phối gạo cho các nhà bán buôn trên khắp Đông Nam Á, một số khu vực của châu Phi và Trung Đông.
Song Saran, chủ tịch của Amru Rice, hoan nghênh các kế hoạch của Saba cho ngành nông nghiệp Campuchia. “Chúng tôi ủng hộ kế hoạch đầu tư và các kế hoạch giúp đỡ nông dân và các nhà chế biến nghèo tại Campuchia. Tôi nghĩ ý tưởng của họ rất có tiềm năng và chúng tôi mong họ đạt kết quả tốt nhất”. Amru, hiện đang có các hợp đồng sản xuất với nông dân cũng sử dụng các kỹ thuật canh tác hữu cơ, đã xuất khẩu 40.000 tấn gạo trong năm 2017, và dự kiến đạt 60.000 tấn gạo trong năm 2018. Đến năm 2020, xuất khẩu gạo của công ty kỳ vọng đạt 100.000 tấn.
Tổ chức từ thiện của Saba có tên Saba Family Foundations, cũng có kế hoạch xây dựng và vận hành các trường học và phòng khám trong các cộng đồng canh tác nông nghiệp trên khắp Đông Nam Á, hiện đang không được tiếp cận các dịch vụ giáo dục và y tế cơ bản.
Năm 2017, Campuchia sản xuất khoảng 10 triệu tấn lúa và thặng dư 4 triệu tấn. Xuất khẩu gạo Campuchia năm 2017 đạt 635.679 tấn, tăng 17,3% so với năm 2016.
Theo Khmer Times (gappingworld.com)