Cuối tháng 3/2018, nhà kinh doanh bán lẻ siêu thị Seiyu bắt đầu bán gạo Úc lần đầu tiên trong vòng 5 năm, chào bán với mức giá thấp. Một bao gạo 4kg có giá 1.180 Yen, tương đương 10,79 USD, rẻ hơn 20% so với loại gạo Nanatsuboshi phổ biến tại Nhật Bản. Seiyu đang chào bán gạo Úc trên tất cả 144 cửa hàng tại vùng Kanto và các khu vực khác của nước này.
Nhật Bản từ lâu đã bảo vệ nông dân trồng lúa bằng cách hạn chế nhập khẩu. Nhưng sau khi các chính sách làm giảm diện tích trồng lúa trong suốt 50 năm tới tận năm 2017 và khuyến khích trồng loại lúa gạo sử dụng làm TACN, sản xuất gạo nội địa dùng phục vụ thị trường tiêu dùng trực tiếp giảm 11% trong 5 năm qua xuống còn 7,3 triệu tấn. Điều này đẩy giá gạo nội địa Nhật Bản tăng năm thứ 3 liên tiếp, với giá bán lẻ hiện nay cao hơn khoảng 10% so với cùng kỳ năm 2017.
Seiyu hợp tác với doanh nghiệp thương mại Sumitomo Corp và nhà bán buôn gạo Yamatane về hoạt động nhập khẩu gạo Úc. “Hiện không có thương hiệu gạo Nhật Bản nào có giá ít hơn 300 Yên/kg, và gạo Úc thỏa mãn nhu cầu của Seiyu”, theo chủ tịch Yamatane Motohiro Yamazaki cho hay.
Các nhà sản xuất gạo nước ngoài nhìn nhận tình hình giá gạo nội địa Nhật tăng là một cơ hội để vận động nước này nới rộng cửa cho nhập khẩu gạo. Đầu tháng 4/2018, đại sứ ÚC tại Nhật Bản Richard Court đã thảo luận với các nhà phân phối gạo Nhật Bản, tóm lược lịch sử gạo Úc và cho biết một số đặc điểm tương đồng về hương vị với một số chủng loại gạo Nhật Bản.
Hiệp định xuyên Thái Bình Dương được ký kết hồi tháng 3 cho phép Úc xuất khẩu 8.400 tấn gạo sang Nhật Bản hàng năm, Gạo nhập khẩu dự kiến sẽ được phân phối trực tiếp trên thị trường Nhật Bản. Đồng thời, quyết định của Mỹ rút ra khỏi TPP dưới thời tổng thống Trump gây thất vọng cho nông dân sản xuất lúa gạo Mỹ. Hiệp định thương mại này đáng lẽ có thể cho phép họ xuất khẩu tới 70.000 tấn gạo sang Nhật Bản hàng năm. Năm 2016, đại diện thương mại Mỹ cho rằng lợi ích mà TPP mang lại cho thị trường ngũ cốc Mỹ chủ yếu đến từ Nhật Bản.
Năm 1993, Nhật Bản bị buộc phải mở cửa thị trường gạo và hiện nhập khẩu 770.000 tấn gạo hàng năm theo hệ thống hạn ngạch tiếp cận tối thiểu, với gạo dùng cho tiêu dùng trực tiếp chỉ hạn chế ở mức 100.000 tấn. Phần còn lại sử dụng cho thực phẩm chế biến hoặc TACN. Nhìn chung, 60% gạo nhập khẩu cho tiêu dùng trực tiếp đến từ Mỹ, 30% từ Úc và phần còn lại đến từ các nước khác. Gạo nhập khẩu cho tiêu dùng trực tiếp chỉ chiếm khoảng 1% tổng tiêu dùng gạo tại Nhật Bản. Nhưng những đợt tăng giá gần đây khiến nhu cầu đối với gạo nhập khẩu chạm mức trần 100.000 tấn lần đầu tiên trong 5 năm trong năm tài khóa 2017.
Nhà kinh doanh thức ăn nhanh Yoshinoya Holdings bắt đầu mua gạo Mỹ cho chuỗi cửa hàng cơm thịt bò khoảng 1 năm trước. Các chuỗi nhà hàng Kourakuen Holdings và Saint Marc Holdings cũng bắt đầu phục vụ cơm gạo Mỹ và Liên đoàn gạo Mỹ đang nỗ lực thuyết phục các chuõi nhà hàng sushi tiếp bước. “Nhật Bản không nên chỉ bằng lòng với thương hiệu gạo”, theo Makoto Hirayama, chủ tịch nhà bán buôn gạo Kitoku Shinryo. Một số loại gạo chất lượng cao có giá tới khoảng 3.000 Yên/5kg và giữ giá trong nhiều năm, nhưng lương thực tế tại Nhật Bản lại giảm lần đầu tiên trong vòng 2 năm trong năm 2017, người tiêu dùng trở nên nhạy cảm hơn về giá. Nhiều hộ gia đình rõ ràng có nhu cầu với loại gạo dưới 2.000 Yên/5kg.
Giá gạo nội địa Nhật Bản cũng đang tăng do sản xuất lúa gạo chuyển sang phục vụ các thị trường TACN, và nguồn cung gạo cho tiêu dùng trực tiếp đang giảm. Sản xuất gạo làm TACN hiện chiếm gần 10% gạo tiêu dùng trực tiếp. Với lượng gạo nội địa phục vụ cho phân khúc cao cấp và ngành TACN ngày càng tăng, phân khúc giá thấp đang mở ra cơ hội cho các nhà sản xuất gạo quốc tế.
Theo Nikkei Asia (gappingworld.com)