Cập nhật ngày:
11 | 12 | 2017
Ý, cùng với 6 nước châu Âu khác, gần đây đã đệ trình yêu cầu lên Ủy ban châu Âu về hạn chế lượng nhập khẩu gạo từ Campuchia thông qua kích hoạt “điều khoản bảo vệ”, cho phép các nước thành viên EU áp đặt các rào cản để chống lại mất cân bằng thương mại.
Chính phủ Ý đã đệ trình yêu cầu chính thức lên Ủy ban châu Âu ngày 20/11 vừa qua, kêu gọi áp dụng các hạn chế đối với lượng gạo nhập khẩu vào thị trường châu Âu từ Campuchia, theo một báo cáo của Euractiv đưa tin. Báo cáo này gọi yêu cầu này là một nỗ lực có tính toán hơn so với đề xuất tương tự đệ trình lên Ủy ban hồi năm ngoái, các nguồn tin tại châu Âu cho hay, đồng thời cho biết thêm các yêu cầu cùa Ý thường bị lờ đi và bị gán cho chủ nghĩa bảo hộ.
Xuất khẩu gạo của Campuchia sang châu Âu đã tăng hơn 2 lần trong 5 năm qua, tạo nên thâm hụt thương mại trị giá 4,6 tỷ USD tính đến cuối năm ngoái trong quan hệ thượng mại EU – Campuchia.
Bộ Nông nghiệp Ý đã khẩn thiết đệ trình yêu cầu mà cơ quan này cho là rất hợp lý bởi nguồn cung gạo hạt dài từ Campuchia vào châu Âu làm giảm mạnh giá gạo và dư cung. Theo chương trình Tất cả trừ Vũ khí (EBA), Campuchia không phải trả bất cứ khoản thuế nào đối với gạo xuất khẩu sang các nước thành viên EU.
Ông Hun Lak, phó chủ tịch Liên đoàn gạo Campuchia (CRF), cho biết đây không phải là lần đầu tiên Ý nỗ lực tăng rào cản đối với gạo nhập khẩu từ Campuchia. “Các nước thành viên EU, đặc biệt là Ý, luôn đưa ra các đệ trình kiểu như vậy về hàng hóa nhập khẩu từ Campuchia hàng năm, nhưng động thái này không tác động tới chúng tôi bởi chúng tôi cung cấp loại gạo khác với bất cứ loại gạo nào khác trồng tại châu Âu. Chúng tôi chỉ xuất khẩu gạo thơm hạt dài sang châu Âu, khác với loại gạo hạt ngắn trồng tại Ý”. Ông cho biết thêm gạo thơm hạt dài Campuchia chủ yếu đươc ưa chuộng bởi người tiêu dùng châu Á sống tại châu Âu. “Các bên liên quan tại châu Âu nên quan tâm hơn tới duy trì chất lượng gạo của họ trong dài hạn, khi chúng ta đang ở trong một thị trường tự do”.
Ông Hun Lak đã gặp một phái đoàn EU trong thời gian gần đây nhưng được đảm bảo rằng lượng gạo xuất khẩu cao tại EU sẽ không bị ngăn trở, bất chấp những đệ trình như trên. “Các vấn đề chính trị là riêng rẽ và không tác động tới ngành gạo của chúng tôi”, ông khẳng định.
Chan Sokheang, giám đốc điều hành HCC group Co Ltd, cũng tỏ ra lạc quan trước tình hình trên và cho rằng tình hình chính trị tại Campuchia không nên là nguyên nhân để Ủy ban châu Âu xem xét yêu cầu từ phía Ý. “Đấy là quyền của Ủy ban châu Âu quyết định hạn chế xuất khẩu gạo sang thị trường châu Âu trước yêu cầu của Ý. Ngay cả trong trường hợp này, hạn chế nhập khẩu gạo từ Campuchia cũng sẽ không tác động mạnh lên ngành gạo Campuchia do chúng tôi có rất nhiều hơp đồng với Trung Quốc”.
Long Kemvichet, người phát ngôn của Bộ Thương mại cho biết ông không lo ngại trước động thái của Ý kêu gọi hạn chế nhập khẩu gạo Campuchia bởi từ trước đến nay, Ủy ban châu Âu không bao giờ phản hồi trước các yêu cầu như trên. “Vấn đề này đã được đề câp vài lân nhưng Ủy ban chưa bao giờ phản hồi tích cực trước những yêu cầu như vậy. Nhưng chúng tôi vẫn còn các thị trường xuất khẩu khác. Và đây là vấn đề của EU chứ không phải của Campuchia”.
Theo Phnom Penh Post (gappingworld.com)