Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), 8 tháng đầu năm nay, lượng gạo xuất khẩu đạt gần 3,96 triệu tấn, thu về 1,75 tỉ đô la Mỹ, tăng gần 20% về lượng và 17,5% về giá trị so với cùng kỳ. Còn nếu tính trên hợp đồng xuất khẩu mà các doanh nghiệp đã đăng ký đối tác, số lượng xuất khẩu là 5,1 triệu tấn, tăng gần 19%so với cùng kỳ, tức là còn gần 1,2 triệu tấn đã ký nhưng chưa giao hàng còn chờ xuất khẩu.
Vì thế, đây là cơ sở để Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) điều chỉnh chỉ tiêu xuất khẩu gạo từ 5,2 triệu lên 6,5 triệu tấn của cả năm 2017. Đây là lần điều chỉnh thứ 2 của hiệp hội vì vào đầu tháng 7, VFA đã điều chỉnh dự báo lượng gạo xuất khẩu cho cả năm vào khoảng 5,7 triệu tấn.
Tuy nhiên, lượng gạo xuất khẩu ngày càng phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
Số liệu của Bộ NN&PTNT cho thấy, trong 7 tháng đầu năm nay, Trung Quốc đứng đầu về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam khi chiếm gần 41% thị phần, với 1,38 triệu tấn, đạt 623 triệu đô la Mỹ, tăng gần 33% về khối lượng và tăng hơn 31% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016. Nhìn vào đây có thể thấy, giá xuất khẩu gạo trong năm nay gần bằng năm trước nhưng lượng bán lại nhiều hơn cùng kỳ.
Sau Trung Quốc, Malaysia cũng là thị trường lớn với 7,3% thị phần (đạt 288.700 tấn, và gần 111 triệu đô la Mỹ, tăng hơn 2 lần về lượng và hơn 78% về giá trị).
Ngoài ra, Gana cũng là một trong những thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam. Tuy nhiên, thị trường này đang có xu hướng sụt giảm. Trong 7 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu gạo sang quốc gia châu Phi này giảm hơn 29%so với cùng kỳ. Năm 2016, Gana nhập gần 504.000 tấn, trị giá gần 249 triệu đô la Mỹ.
Theo nong nghiep.vn