Cụ thể, lượng cà phê xuất khẩu trong tháng 5/2017 là 122.000 tấn, trị giá đạt 274 triệu USD, giảm 9,4% về lượng và giảm 10,3% về trị giá so với tháng trước. Trong 5 tháng đầu năm 2017, lượng cà phê xuất khẩu của cả nước đạt gần 709.000 tấn, trị giá đạt 1,6 tỷ USD, giảm 13,9% về lượng nhưng tăng 13,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2016.
Các thị trường nhập khẩu cà phê từ Việt Nam trong 5 tháng qua chủ yếu gồm: EU với 332.000 tấn, trị giá 734 triệu USD, giảm 10,2% về lượng, tuy nhiên tăng 16,8% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Hoa Kỳ đạt 105.000 tấn, trị giá 238 triệu USD, giảm 1,6% về lượng, tăng 30,6% về trị giá. Nhật Bản đạt 41 triệu USD, trị giá 95 triệu USD, giảm 6,8% về lượng, tăng 19,4% về trị giá.
Giá cà phê trong nước cũng biến động tăng trong tháng 5/2017 theo xu hướng tăng của thị trường cà phê thế giới. So với cuối tháng 4/2017, giá cà phê vối nhân xô các tỉnh Tây Nguyên tăng 900 đồng/kg lên mức 43.200 – 43.700 đồng/kg. Giao dịch cà phê tại thị trường Việt Nam trong tháng qua vẫn tiếp tục trầm lắng.
Trong công bố ngày 16/6, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) nhận định: Nhu cầu cà phê thế giới sẽ cao kỷ lục trong năm 2017 - 2018, trong khi sản lượng không thay đổi nên dự trữ sẽ xuống mức thấp nhất trong vòng 6 năm. Điều này đồng nghĩa với việc giá cà phê sẽ tiếp tục leo thang trong thời gian tới.
Theo USDA, tiêu thụ cà phê toàn cầu sẽ lập kỷ lục mới là 158 triệu bao (1 bao = 60 kg) trong năm marketing 2017/18 (tháng 10/tháng 9) trong khi sản lượng dự báo vẫn ở mức 159 triệu bao, trong bối cảnh sản lượng của Brazil giảm theo chu kỳ, được bù lại bởi tăng ở Việt Nam, Mexico.
Ngân hàng Rabobank (Hà Lan) cũng đưa ra nhận định, giá cà phê đang rất “nhạy cảm” do chịu tác động mạnh trước với những thay đổi về thời tiết tại Brazil – nước sản xuất cà phê lớn nhất thế giới. Trong tuần qua, giá cà phê Robusta tăng đột biến, theo đó giá kỳ hạn đã vượt khỏi mức tâm lý quan trọng 2.002 USD/tấn ngày 9/6. Nhờ đó, giá cà phê nội địa loại 2, 5% đen vỡ, giao tại cảng TP. Hồ Chí Minh, đạt 46 triệu đồng/tấn vào ngày cuối tuần vừa qua.
Tình hình này phản ánh rõ ràng trong thực tế khi so sánh giữa dữ liệu nhập khẩu và tồn kho tại các nước tiêu thụ cà phê chính. Nhu cầu tiêu dùng cao, hấp thụ nguồn cung lớn, trong khi Brazil hiện đang trong niên vụ thấp theo chu kỳ tự nhiên của hoạt động sản xuất cà phê tại nước này.
Do đó, các nhà phân tích đều cho rằng, cả về mặt tâm lý lẫn kỹ thuật, đà tăng của cà phê Robusta sẽ còn tiếp tục và có thể góp phần đẩy giá cà phê nguyên liệu trong nước lên mức 47.000 đồng/kg.
Theo KTNT