Một hàng dài khách hàng xếp hàng dọc một ô cửa kính phân chia học với một quầy bán cơm tại một nhà hàng tại Lagos, thủ phủ thương mại của Nigeria. Các thực khách có thể lựa chọn giữa cơm trắng, cơm rang và “jollof” tại một nhà hàng rất được ưa chuộng tại nơi này, được biết đến với cái tên “The White House”. Một luồng khách hàng được phục vụ tại sảnh chính, và 2 phòng ăn khác đầy người, đang thưởng thức các món ăn truyên thống Nigeria. Cơm là món nền được ưa chuộng nhất nước này và là thực phẩm thiết yếu của Nigeria.
Vấn đề đối với Nigeria không phải là thiếu đất, hay là không đủ lao động trồng lúa tại quốc gia đông dân nhất châu Phi này. Trong cuộc khủng hoảng thị trường ngũ cốc 8 năm trước, Nigeria trải qua một đợt thiếu gạo nghiêm trọng, buộc nước này phải tư duy lại về an ninh lương thực và khả năng cung ứng lương thực cho thị trường nội địa. Kết quả là Tổng thống Muhammadu Buhari đã đưa hoạt động sản xuất lúa gạo trở thành ưu tiên quốc gia.
Nigeria nhập khẩu đến gần 17 triệu tấn gạo chỉ trong hơn 5 năm qua. Thuế nhập khẩu gạo hiện ở mức 60% và người tiêu dùng đã chứng kiến giá một bao gạo tăng gấp đôi chỉ trong 12 tháng qua. Nhiều doanh nghiệp địa phương đã tham gia thị trường gạo. Olam, một công ty kinh doanh nông nghiệp đa quốc gia, đã thành lập một trang trại gạo trong năm 2012 để hưởng ứng những lời kêu gọi của chính phủ nước này nhằm sản xuất đủ nguồn cung đáp ứng nhu cầu của 170 triệu dân.
-
Nigeria đã nhập khẩu gần 17 triệu tấn gạo trong hơn 5 năm qua;
-
Nhập khẩu 2,3 triệu tấn gạo trong năm 2016;
-
Nhu cầu tiêu dùng gạo của Nigeria năm 2016 là 5,2 triệu tấn;
-
Chi 5 triệu USD/ngày cho nhập khẩu gạo;
-
Gạo chiếm 1,26% trong tổng ngân sách chi tiêu năm 2017.
Đường đến trang trại của Olam tại làng Rukubi, gần sông Benue tại bang Nasarawa rất khó khăn. Những cánh đồng lúa xanh rời của trang trại này là một ốc đảo sau hàng dặm đường đất đỏ bụi bặm, khó đi.
Các silo kim loại lớn chứa 228.000 tấn gạo ánh lên dưới ánh nắng trời chiều. Quản lý của trang trại là Anil Nair đã đưa đoàn khảo sát của BBC đi quanh 4.500ha bao gồm các cánh đồng và nhà máy chế biến. Đây là một trong những trang trại lớn nhất tại Nigeria và mặc dù sản xuất tới 50.000 tấn lúa hàng năm thì vẫn chỉ đáp ứng một phần nhỏ trong tổng nhu cầu nội địa.
Phần lớn các hoạt động tại trang trại sử dụng lao động chân tay. Người lao động thường bắt đầu làm việc trên những cánh đồng từ 7h, trước khi trời trở nên quá nóng. Chỉ còn một vài phụ nữ còn làm việc trên cánh đồng, chân ngập trong các ruộng lúa để cấy.
Theo UN FAO, Nigeria đã nhập khẩu 2,6 triệu tấn gạo trong năm 2016, chiếm khoảng 50% tổng nhu cầu tiêu dùng gạo nội địa. Bộ trưởng Nông nghiệp Nigeria cho rằng việc nhập khẩu gạo phải ngừng lại. “Chúng tôi không thể chịu đựng được việc chi đến 5 triệu USD/ngày để nhập khẩu gạo”.
Tuy nhiên, phần lớn nông dân tại Nigeria có quy mô sản xuất nhỏ và gặp nhiều khó khăng trong tiếp cận vốn để cải thiện phương pháp canh tác và tăng năng suất. Các thành viên của Hiệp hội trồng lúa gạo Nigeria cho rằng họ chỉ có thể tiếp cận các khoản vay lãi suất cao từ các ngân hàng thương mại.
Ông Joseph Jatau Kudu canh tác lúa gần làng Doma tại bang Nasarawa từ năm 1982 và cho biết các ngân hàng áp mức lãi suất lên tới 30% cho các khoản vay. “Mức lãi suất này quá cao nên chúng tôi chẳng có lợi nhuận sản xuất”. Thiếu vốn để cơ giới hóa hoạt động sản xuất, người lao động trồng lúa phải làm mọi thứ bằng tay trên trang trại rộng 15ha của ông. “Thỉnh thoảng không có máy cày thì tôi phải thuê lao động chân tay, nhưng lao động chân tay không hiệu quả bằng sử dụng máy và đây là một trong những nguyên nhân khiến tôi không thể mở rộng sản xuất”.
Bộ trưởng Nông nghiệp Nigeria tuyên bố rằng nước này có thể tự cung tự cấp lúa gạo trong năm 2017. Tuy nhiên, các chỉ trích chính sách của chính phủ không chỉ cho thấy sự thiếu đầu tư vào ngành nông nghiệp, mà còn đầu tư không đủ cho toàn chuỗi giá trị gạo, từ động ruộng tới bếp ăn. Năm 2017, 302 triệu USD đã được phân bổ cho ngành lúa gạo trong tổng ngân sách chi tiêu chính phủ – chỉ chiếm 1,26% tổng ngân sách chi tiêu cho cả năm.
Theo giám đốc điều hành Richard Mbaram của Agro Nigeria, việc đạt mục tiêu tự cung tự cấp lúa gạo trong vài năm tới chỉ là một giấc mơ. “Sản xuất lúa gạo hàng hóa không thực sự hiện hữu: thiếu phương pháp canh tác có hệ thống, thiếu nghiên cứu và cơ giới hóa, thiếu hệ thóng kho bãi, thiếu tiếp cận thị trường. Ngành gạo không thể thúc đẩy công nghiệp hóa khi không kết nối với khâu sản xuất”.
Trong khi đó, tăng trưởng nhu cầu tiêu dùng gạo tại Nigeria không có dấu hiệu suy yếu.
Theo BBC
Theo Gappingworld