Cập nhật ngày:
23 | 03 | 2017
Giá cà phê Robusta tại Việt Nam tiếp tục đà tăng giá trong tuần này và đã chạm mức giá cao nhất trong 5 năm, nhờ thiếu hụt nguồn cà phê chất lượng tốt cho xuất khẩu do mưa tác động tiêu cực tới hoạt động thu hoạch.
Sản lượng cà phê của Việt Nam được cho là sẽ giảm khoảng 20% trong năm 2017 do hạn hán và các vườn cà phê già cỗi cho năng suất thấp, nhưng hiện sản lượng cà phê khả dụng cho thấy mức hao hụt mạnh hơn dự báo sau đợt mưa trái mùa kéo dài làm chậm thu hoạch, dẫn tới nhiều hạt đen và hạt vỡ. Mùa mưa tại khu vực sản xuất cà phê chính của Việt Nam thường kết thúc vào đầu tháng 10 nhưng trong niên vụ vừa qua, mùa mưa kéo dài tới tận tháng 12.
Theo ông Đỗ Hà Nam, tổng giám đốc của Intimex, doanh nghiệp xuất khẩu cà phê lớn nhất Việt Nam, thị trường có thể thiếu cà phê vào tháng 5 hoặc tháng 6 do tăng xuất khẩu và dự trữ cà phê nội địa cạn kiệt. Dự báo thiếu cà phê đang hỗ trợ mạnh cho giá và có thể sẽ bù đắp lại lệnh cấm nhập khẩu cà phê Việt Nam của Ấn Độ. Trước đó, giá cà phê Việt Nam trên thị trường cũng được hỗ trợ bởi khả năng Brazil có thể phải nhập khẩu cà phê Robusta Việt Nam, nhưng sau đó Brazil đã quyết định không nhập khẩu.
Trên thị trường toàn cầu, giá cà phê robusta đang được hỗ trợ nhờ dự báo nguồn cung giảm. Tại Brazil, thời tiết khô nóng tại khu vực sản xuất cà phê chính đã tác động dây chuyền lên nhiều vụ sản xuất liên tiếp. Theo Financial Times, số lượng người trồng cà phê tại bang Espirito Santo, khu vực sản xuất cà phê robusta chính của Brazil, chuyển sang trồng hạt tiêu ngày càng nhiều, sau vài năm hạn hán nghiêm trọng, đã tác động tiêu cực lên sản lượng cà phê tại khu vực này cũng như thu nhập của nông dân.
Nông dân tại Brazil cũng đang thay thế các cây cà phê bị thiệt hại do hạn hán bằng cây hồ tiêu. Nếu số lượng nông dân quyết định chuyển đổi sản xuất tăng lên và gắn bó với cây hồ tiêu, điều này sẽ tiếp tục tác động lên nguồn cung cà phê Robusta và hỗ trợ giá trong thời gian tới.
Theo Economic Calendar/ Nghề nông