Trong góc nhà anh Hoàng Mạnh Cường, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Kiên Cường (khối 8, P.Tân Tiến, TP Buôn Ma Thuột) là 1,5 tạ cà phê chồnđược đóng bao, chờ khách đến lấy. Mân mê từng lọn phân chồn có màu trái me khô dính đặc nhân cà phê, anh Cường nói: “Tôi đã bán được 50 kg rồi, hiện có doanh nghiệp hứa mua số hàng còn lại này. Hạt cà phê chồn mà phơi khô thật kỹ, cất giữ vài năm vẫn không mất đi hương vị độc đáo của nó”.
Đây là năm thứ hai anh Cường “thu hoạch” loại cà phê này từ 50 con chồn hương. Anh nuôi chồn vào năm 2004, bắt đầu từ con chồn bé tí mua ngoài chợ phải đút sữa cho ăn hằng ngày. Mày mò mãi mới biết loài này ăn tạp, cả các loại trái cây, lẫn đạm động vật. Cuối năm 2007, khi bầy chồn sinh sôi khá đông, anh thử “làm” cà phê chồn được vài chục ký. Sang vụ cà phê 2008, sản lượng tăng lên 2 tạ. Anh Cường kể: “Mình tìm mua cà phê quả chín đỏ hái ngay ở các vườn cây với giá gấp hai, ba lần giá bình thường, đem về rửa sạch để đề phòng thuốc bảo vệ thực vật còn sót trên quả. Phải lựa lúc chồn khỏe, tiêu hóa tốt mới cho ăn quả cà phê, như vậy hạt cà phê chồn thải ra mới có chất lượng tốt”.
Cà phê chồn chỉ là sản phẩm làm thêm của anh Cường, người nổi danh là “trùm” nuôi động vật hoang dã ở Đắk Lắk. Trang trại của anh chưa đầy 1 ha có hơn 10 loài thú, bò sát, trong đó nhiều nhất là rắn, kỳ đà. Hiện anh nuôi hơn 1.000 con rắn hổ mang, hổ trâu, hổ chúa, rắn ráo, gần 100 con kỳ đà. Mỗi tháng anh xuất bán vài tạ rắn hổ, với giá từ 300 ngàn đến 1 triệu đồng/kg, tùy loại rắn. Tuy vậy, sản xuất cà phê chồn vẫn được anh Cường xem là công việc lý thú, dù sản phẩm này đang phải chật vật tìm nơi tiêu thụ.
Anh Cường cho biết, giá cà phê chồn thô khá hấp dẫn, từ 1 triệu đồng/kg trở lên, trong khi cà phê nhân thông thường hiện chỉ 25.000 đồng/kg, nhưng bán được “tặng phẩm” của chồn không phải dễ vì người mua còn hiếm. Hiện 1,5 tạ cà phê chồn của anh vẫn đang chờ một công ty ở TP.HCM đưa đi giới thiệu cho khách hàng nước ngoài
Đang tìm thêm đầu ra
Chồn hương, còn gọi là cầy vòi đốm, thuộc họ Cầy (Viverridae), phân bố rải rác ở các nước vùng Đông Nam Á. Một trong những thức ăn ưa thích của chúng là quả cà phê. Người ta cho rằng, dưới tác dụng lên men của các enzym trong dạ dày của chồn hương, hạt cà phê được hấp thụ bớt protein nên khi rang xay, cà phê ít đắng hơn, mùi vị cũng đặc trưng và rất lạ so với các loại cà phê thông thường. Đó chính là lý do khiến loại cà phê này trở thành loại đặc sản có giá cao.
Những người làm ra cà phê chồn nhiều nhất ở Đắk Lắk không phải anh Cường mà là hai anh em Nguyễn Quốc Khánh và Nguyễn Giang Nam, tuổi ngoài 30, ở xã Krông Búk, H.Krông Pắk. Gặp chúng tôi, anh Khánh cho biết anh cũng mới làm cà phê chồn chỉ hai năm gần đây, dù đã nuôi chồn trước đó khá lâu. Với hơn 40 con chồn hương, anh thu được tổng cộng gần 1 tấn cà phê chồn. Hiện anh mới bán hơn 2 tạ, còn khoảng 7 tạ đóng bao hút chân không chờ khách hàng.
Tại sao đặc sản cà phê chồn được thế giới rất ưa chuộng nhưng lại khó bán? Anh Khánh lý giải: “Lâu nay, thế giới mới chỉ biết đến thương hiệu cà phê chồn nổi tiếng Kopi Luwak của Indonesia mà chưa biết đến cà phê chồn của Việt Nam. Mặc dù mình đã có công nghệ nuôi chồn hương để cho ra sản phẩm không thua kém cà phê chồn nhặt ngoài tự nhiên, nhưng khâu tiếp thị đang còn yếu nên chưa mấy ai biết đến. Trong nước thì cà phê chồn chưa phù hợp thói quen, giá cả lại khá đắt so với mức tiêu dùng”.
Tuy nhiên, anh Khánh vẫn tỏ ra lạc quan với việc theo đuổi sản phẩm cà phê chồn. Hiện bầy chồn hương vẫn được duy trì nuôi dưỡng để chờ vụ cà phê chín cuối năm. Anh cho biết, đang có ý định tìm đối tác đầu tư mở quán tại TP.HCM để bán cà phê chồn, qua đó dần dần giới thiệu rộng rãi đến người tiêu dùng loại sản phẩm độc đáo này.
AGROINFO