GÓC DN LÚA GẠO

Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp

Cập nhật ngày: 21 | 02 | 2017

Tổng quan những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp

  + Hỗ trợ nông dân bảo vệ và phát triển đất lúa

Chính sách hỗ trợ nông dân bảo vệ và phát triển đất lúa được thể hiện trong Nghị định 42/2012/NĐ-CP ngày 5/11/2012 về quản lý, sử dụng đất trồng lúa tại các vùng trồng lúa trên cả nước và Thông tư 205/2012/TT-BTC ngày 23/11/2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định 42/2012/NĐ-CP. Theo đó các hình thức hỗ trợ như sau: (i) hỗ trợ sản xuất lúa hàng năm là 500.000đồng/ha/năm đối với lúa trên đất chuyên trồng lúa nước và 100.000 đồng/ha/năm với lúa trồng trên đất khác trừ đát lúa nương tự phát. (ii) Hỗ trợ vật tư nông nghiệp (từ 50%-70% chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật) theo mức độ thiệt hại của lúa do thiên tai dịch bệnh; (iii) Hỗ trợ 70% chi phí khai hoang; hỗ trợ giống lúa (100% giống lúa trên đất khai hoang và 70% giống lúa sản xuất trên đất chuyển từ đất khác sang đất trồng lúa).

Qua quá trình triển khai thực nghị định số 42/2012/NĐ-CP gặp rất nhiều khó khăn và không phát huy được hiệu quả của chính sách như: việc chi hỗ trợ đến người dân, trong khi diện tích canh tác của hộ gia đình ít, số tiền hỗ trợ không đủ để phục vụ tái sản xuất, đồng thời chính sách cũng chưa thể hiện được sử chặt chẽ trong các quy định liên quan đến việc chuyển đổi mục đích sử dụng..., ngày 13/4/2015, Chính phủ ban hành Nghị định số 35/2015/NĐ-CP về quản lý, sử dụng đất trồng lúa, thay thế nghị định trên và có hiệu lực từ ngày 01/7/2015. Đối với Nghị định 42 tiếp tục thực hiện đến hết ngày 31/12/2015.

Một số điểm mới của Nghị định 35/2015/NĐ-CP về quản lý, sử dụng đất trồng lúa đó là khi chuyển đất trồng lúa sang mục đích phi nông nghiệp thì người được nhà nước giao đất, cho thuê đất để sử dụng phải thực hiện các quy định của pháp luật về đất đai và phải nộp một khoản tiền để bảo vệ, phát triển đất trồng lúa; trong đó mức nộp cụ thể tùy thuộc vào điều kiện từng địa phương nhưng không thấp hơn 50% số tiền được xác định theo diện tích đất chuyên trồng lúa nước phải chuyển sang đất phi nông nghiệp; chính sách hỗ trợ cho các địa phương tăng lên về mức hỗ trợ và phạm vi hưởng như ngoài hỗ trợ cho địa phương (gồm chi đầu tư và chi thường xuyên), thì địa phương còn được hỗ trợ 1.000.000 đồng/ha/năm (mức cũ 500.000 đồng/ha/năm) đối với đất chuyên trồng lúa nước, 500.000 đồng/ha/năm (mức cũ 100.000 đồng/ha/năm) đối với đất trồng lúa khác trừ đất lúa nương được mở rộng tự phát không theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; quy định mức hỗ trợ cụ thể cho việc khai hoang, cải tạo đất trồng lúa như 10.000.000 đồng/ha/năm đất trồng lúa, trừ đất trồng lúa nương được khai hoang từ đất chưa sử dụng hoặc phục hóa từ đất bị bỏ hóa, 5.000.000 đồng/ha/năm đất chuyên trồng lúa nước được cải tạo từ đất trồng lúa một vụ hoặc đất trồng cây khác theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trồng lúa; việc sử dụng kinh phí được mở rộng để phù hợp với điều kiện địa phương như: phục vụ lập quy hoạch, bản đồ các vùng chuyên trồng lúa nước có năng suất, chất lượng cao; dùng để phân tích lượng hóa, lý tính của vùng đất chuyên trồng lúa có năng suất, chất lượng cao; cải tạo chất lượng đất trồng lúa, đầu tư xây dựng, duy tu bảo dưỡng các công trình hạ tầng nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn xã, trong đó ưu tiên hệ thống giao thông, thủy lợi...

+ Miễn giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp:

Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XII đã thống nhất ra Nghị quyết số 55/2010/QH12 miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp (SDĐNN). Thời hạn miễn, giảm thuế SDĐNN quy định tại Nghị quyết này được thực hiện từ ngày 01/01/2011 đến hết ngày 31/12/2020. Căn cứ trên Nghị quyết này Chính phủ đã ban hành Nghị định số 20/2011/NĐ-CP ngày 23/3/2011 Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Nghị quyết số 55/2010/QH12.

+ Các hỗ trợ về thủy lợi phí và mặt bằng:

Nhằm hỗ trợ cho người nông dân sản xuất nông nghiệp về thủy lợi, ngày 14 /11/2008, Chính phủ ban hành nghị định số 115/2008/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 143/2003/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ công trình thuỷ lợi

Ngày 10 tháng 9 năm 2009, Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành Quyết định 1580/QĐ-TTg về việc hỗ trợ kinh phí bơm, tát nước chống ngập úng cho một số địa phương đồng bằng sông Cửu Long.

Ngày 11 tháng 4 năm 2013, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 41/2013/TT-BTC hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 67/2012/NĐ-CP ngày 10/9/2012 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 143/2003/NĐ-CP.

+ Hỗ trợ khắc phục thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh

Nhằm hỗ trợ cho người sản xuất nông nghiệp về cây trồng, vật nuôi, trong đó có sản xuất lúa để khôi phục sản xuất sau thiên tai, dịch bệnh, ngày 31 tháng 12 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 142/2009/QĐ-TTg về cơ chế, chính sách hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thuỷ sản để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh.

Ngày 22/12/2010, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 187/2010/TT-BTC ngày 22/12/2010 quy định về cơ chế, chính sách hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thuỷ sản để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh. Các mức hỗ trợ được đối với cây trồng được tính theo diện tích thiệt hại (từ 1.000.000đ đồng đến 2.000.000đ nếu thiệt hại trên 70% và từ 500.000đ đến 1.000.000 đ nếu hiệt hại từ 30%-70%.

+ Ưu đãi tín dụng cho trồng trọt, trong đó có lúa gạo:

Chính sách hỗ trợ tín dụng cho trồng trọt chủ yếu được quy định trong Quyết định số 131/QĐ-TTg ngày  23  tháng  01  năm 2009 về việc hỗ trợ lãi suất cho các tổ chức, cá nhân vay vốn ngân hàng để sản xuất - kinh doanh

Đối với các khoản vay ngắn hạn, Quyết định số 131/QĐ-TTg quy định các tổ chức, cá nhân vay vốn để làm vốn lưu động sản xuất - kinh doanh với thời hạn vay được hỗ trợ lãi suất tối đa là 08 tháng, mức lãi suất hỗ trợ cho khách hàng vay là 4%/năm.

+ Đảm bảo chất lượng, sự an toàn của giống, phân bón phục vụ sản xuất

Nghị định số 69/2010/NĐ-CP  về an toàn sinh học đối với sinh vật biến đổi gen đảm bảo công tác giống cho hoạt động nuôi trồng, chăn nuôi.

Quyết định số 2194/QĐ-TTg  Phê duyệt Đề án phát triển giống cây nông, lâm nghiệp, giống vật nuôi và giống thuỷ sản đến năm 2020 Nghị định 202/2013/NĐ-CP ngày 27/11/2013  về quản lý phân bón

+ Hỗ trợ áp dụng VietGap trong sản xuất lúa:

Quyết định số 01/2012/QD-TTg về chính sách hỗ trợ việc áp dụng VietGap trong sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản (thay thế Quyết định số 107/2008/QĐ-TTg ngày 30/7/2008)

Thông tư số 42/2013/TTLT-BNNPTNT-BTC-BKHDT Hướng dẫn thực hiện Quyết định số 01/2012/của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ việc áp dụng Qu

Thông tư số 53/2012/TT-BNNPTNT Ban hành Danh mục sản phẩm nông nghiệp, thủy sản được hỗ trợ theo Quyết định số 01/2012/QĐ-TTg ngày 9/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ việc áp dụng.

b. Chính sách sau thu hoạch

+ Hỗ trợ giảm tổn thất sau thu hoạch:

Nhằm hạn chế tối đa tổn thất sau thu hoạch, nâng cao hiệu quả của sản xuất, ổn định đời sống, thu nhập của nông dân và chủ động ứng phó với những diễn biến của thị trường đối với nông sản, Chính phủ ban hanh Nghị quyết số 48/2009/NQ-về cơ chế, chính sách giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản. Thực hiện nghị quyết này, ngày 14 tháng 11 năm 2013, Thủ tướng chính phủ đã ban hành Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp (thay thế cho các quyết định trước đó là Quyết định số 63/2010/QĐ-TTg, Quyết định số 65/2011/QĐ-TTg).

+ Miễn tiền thuê đất cho các DN đầu tư xây dựng kho lưu trữ nông, thủy sản:

Quyết định số 57/2010/QD-TTg về miễn tiền thuê đất cho các dự án xây dựng kho lưu trữ 4 triệu tấn gạo hoặc ngô, kho lạnh bảo quản sản phẩm thủy sản, rau quả và kho tạm trữ cà phê theo quy hoạch. Nội dung: miễn tiền thuê đất cho 5 năm.

+ Thuế VAT đối với các dịch vụ sơ chế, bảo quản

Nghị định số 209/2013/NĐ-CP ngày 18/12/2013 hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế GTGT và Thông tư số 219/2013/TT- BTC hướng dẫn thi hành Nghị định 209. Dịch vụ sơ chế, bảo quản sản phẩm gồm: Phơi, sấy khô, bóc vỏ, tách hạt, cắt lát, xay sát, bảo quản lạnh, ướp muối và các hình thức bảo quản thông thường khác chịu mức thuế VAT 5%.

c. Chính sách phát triển chế biến gạo và tiêu thụ phụ phẩm

+ Hỗ trợ tạo công nghệ mới, sản xuất thử nghiệm, xây dựng cơ sở chế biến:

Nghị định số 210/2013/NĐ-CP (ngày 19/12/2013) thay thế Nghị định 61/2010: Hỗ trợ 70% kinh phí cho thực hiện đề tài nghiên cứu để tạo ra công nghệ mới, 30% kinh phí đầu tư mới để thực hiện sản xuất thử nghiệm ứng dụng công nghệ mới. So với NĐ 61, hỗ trợ thực hiện đề tài nghiên cứu đã tăng từ 50% kinh phí lên 70% kinh phí.

Nghị định 210/2013/NĐ-CP cũng quy định hỗ trợ đầu tư cơ sở chế biến nông sản như sau: (1) Nhà đầu tư có dự án đầu tư cơ sở sấy lúa, ngô, khoai, sắn, sấy phụ phẩm thủy sản, chế biến cà phê theo phương pháp ướt được ngân sách nhà nước hỗ trợ như sau: Hỗ trợ 2 tỷ đồng/dự án đối với sấy lúa, ngô, khoai, sắn; sấy phụ phẩm thủy sản để xây dựng cơ sở hạ tầng về giao thông, điện, nước, nhà xưởng và mua thiết bị; Hỗ trợ 3 tỷ đồng/dự án chế biến cà phê theo phương pháp ướt để xây dựng cơ sở hạ tầng về giao thông, điện, nước, nhà xưởng, xử lý chất thải và mua thiết bị; (2) Nhà đầu tư có dự án đầu tư nhà máy hoặc cơ sở bảo quản, chế biến nông, lâm, thủy sản; cơ sở sản xuất sản phẩm phụ trợ; chế tạo thiết bị cơ khí để bảo quản, chế biến nông, lâm, thủy sản được ngân sách nhà nước hỗ trợ như sau: Hỗ trợ không quá 60% chi phí và tổng mức hỗ trợ không quá 5 tỷ đồng/dự án để xây dựng cơ sở hạ tầng về xử lý chất thải, giao thông, điện, nước, nhà xưởng và mua thiết bị trong hàng rào dự án; Hỗ trợ không quá 70% chi phí xử lý chất thải cho các nhà máy chế biến nông, lâm, thủy sản quy mô lớn, đã đầu tư, sử dụng nhiều lao động, có tác động lớn đến kinh tế, xã hội địa phương.

+ Hỗ trợ tín dụng mua Sản phẩm máy móc, thiết bị cơ khí, phương tiện phục vụ sản xuất và chế biến nông nghiệp

QĐ số 497/QĐ-TTg ngày 17/4/2009: Áp dụng với cả 3 đối tượng: Hỗ trợ tín dụng mua sản phẩm máy móc, thiết bị cơ khí, phương tiện phục vụ sản xuất và chế biến nông nghiệp (trừ các khoản vay đã được hỗ trợ lãi suất theo Quyết định số 131/QĐ-TTg ngày 23 tháng 01 năm 2009 và Quyết định số 443/QĐ-TTg)

+ Hỗ trợ xây dựng vùng nguyên liệu, thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ thóc gạo

Ngày 21/01/2015, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 606/QĐ-BCT về việc ban hành Lộ trình xây dựng vùng nguyên liệu hoặc thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ thóc, gạo của thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo giai đoạn 2015-2020.

Mục tiêu, nguyên tắc xây dựng và thực hiện của Lộ trình nhằm tăng cường liên kết sản xuất và tiêu thụ thóc, gạo; góp phần thực hiện định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp, gắn hoạt động chế biến, kinh doanh, tiêu thụ, xuất khẩu gạo của thương nhân với hoạt động sản xuất lúa của nông dân; góp phần nâng cao chất lượng, giá trị thóc, gạo hàng hóa, nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh và sức cạnh tranh của đội ngũ thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo.

Theo Quyết định số 606/QĐ-BCT (Quyết định 606), Nhà nước có nhiệm vụ định hướng, khuyến khích xây dựng vùng nguyên liệu đồng thời có chính sách ưu đãi để tạo động lực thúc đẩy mở rộng quy mô vùng nguyên liệu; Chia sẻ rủi ro và hài hòa lợi ích giữa thương nhân và nông dân; gắn kết lợi ích với trách nhiệm của các bên trong quan hệ liên kết.

Bên cạnh đó, thương nhân phải có trách nhiệm tích cực, chủ động và ưu tiên các nguồn lực để thực hiện Lộ trình này.

Quyết định 606 cũng nêu cụ thể các phương thức xây dựng vùng nguyên liệu như: Xây dựng Dự án hoặc Phương án Cánh đồng lớn theo Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg ngày 25/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn liền với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn và Thông tư số 15/2014/TT-BNNPTNT ngày 29/4/2014 của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn hướng dẫn thực hiện một số điều tại Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg.

Đặc biệt, Quyết định 606 yêu cầu rõ không xây dựng Dự án hoặc Phương án Cánh đồng lớn mà chỉ ký hợp đồng liên kết sản xuất và tiêu thụ thóc, gạo với hộ nông dân trồng lúa hoặc đại diện của nông dân theo quy định tại Lộ trình; Xây dựng vùng nguyên liệu thuộc quyền quản lý, sử dụng của thương nhân trên diên tích đất sản xuất lúa được Nhà nước giao, cho thuê, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất hoặc thuê đất của các hộ gia đình, tổ chức, cá nhân để sản xuất lúa theo quy định của pháp luật về đất đai.

Cũng theo Quyết định 606, diện tích sản xuất lúa theo kế hoạch, phương án hoặc dự án xây dựng vùng nguyên liệu đã được phê duyệt nhưng thương nhân không tổ chức mua thóc, gạo được sản xuất ra sẽ không được tính khi cơ quan có thẩm quyền xác nhận kết quả xây dựng vùng nguyên liệu, trừ các trường hợp do các sự kiện bất khả kháng như thiên tai, bão lụt, dịch bệnh, v.v...; thóc, gạo hàng hóa không bảo đảm chất lượng theo hợp đồng đã ký; hộ nông dân trồng lúa, đại diện của nông dân tự phá vỡ hợp đồng, không bán cho thương nhân theo hợp đồng đã ký, v.v...

+ Quyết định 706/QĐ-TTg năm 2015 phê duyệt Đề án phát triển thương hiệu gạo Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Mục tiêu chung của Đề án là xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam nhằm định vị giá trị, hình ảnh sản phẩm gạo Việt Nam, nâng cao sự nhận biết của các nhà sản xuất, nhập khẩu, phân phối và người tiêu dùng trong nước và ngoài nước đối với các sản phẩm gạo của Việt Nam, tạo cơ sở để củng cố và phát triển thị trường, nâng cao giá trị gia tăng, thị phần và sức cạnh tranh của sản phẩm gạo Việt Nam trên thị trường thế giới.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2020: a) Xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam gắn với lịch sử, văn hóa, truyền thống, chất lượng sản phẩm và lợi thế của Việt Nam. Hình ảnh gạo Việt Nam được quảng bá, giới thiệu rộng rãi trong nước và đến ít nhất 20 thị trường xuất khẩu thông qua một chương trình dài hạn, đồng bộ, kết hợp với quảng bá du lịch, ẩm thực, văn hóa nông nghiệp, đất nước và con người Việt Nam; b) Thương hiệu gạo quốc gia được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ dưới hình thức nhãn hiệu chứng nhận tại Việt Nam và ít nhất 50 quốc gia; c) Xây dựng và phát triển thương hiệu gạo vùng, địa phương tại những vùng, địa phương có năng lực sản xuất gạo quy mô lớn, có chất lượng phù hợp yêu cầu của thị trường tiêu thụ và được đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ theo quy định; d) Các doanh nghiệp xây dựng, phát triển thương hiệu doanh nghiệp, sản phẩm gạo được đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ theo quy định; e) Tổ chức sản xuất, chế biến và phân phối các sản phẩm gạo trắng, gạo thơm và đặc sản, đến năm 2020 đạt 20% sản lượng gạo xuất khẩu mang thương hiệu gạo Việt Nam và tham gia trực tiếp vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Tầm nhìn đến năm 2030: Xây dựng được các vùng sản xuất lúa gạo xuất khẩu ổn định, hiệu quả và bền vững, đưa gạo Việt Nam trở thành thương hiệu hàng đầu thế giới về chất lượng, an toàn thực phẩm. Phấn đấu đến năm 2030, đạt 50% sản lượng gạo xuất khẩu mang thương hiệu gạo Việt Nam, trong đó 30% tổng sản lượng gạo xuất khẩu là nhóm gạo thơm và gạo đặc sản.

·        Quyết định số 62/QĐ-BNN-TCCB ngày 11/01/2016 về việc thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng và phát triển thương hiệu gạo Việt Nam do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo được xây dựng trên cơ sở Quyết định số 3340/QĐ-BNN-CB ngày 20/8/2015 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Quyết định số 706/QĐ-TTg ngày 20/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển thương hiệu gạo Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ tổ chức phối hợp liên ngành, giúp Bộ trưởng chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, điều phối, phối hợp hoạt động giữa các cơ quan, đơn vị, bộ, ngành, địa phương và các tổ chức có liên quan trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao theo đúng mục tiêu, nội dung, giải pháp được quy định tại Quyết định số 706/QĐ-TTg ngày 20/5/2015 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 3340/QĐ-BNN-CB ngày 20/8/2015 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đồng thời nghiên cứu, đề xuất với Bộ trưởng cơ chế, chính sách, kế hoạch, giải pháp về xây dựng và phát triển thương hiệu gạo Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. 

Ban Chỉ đạo xây dựng và phát triển thương hiệu gạo Việt Nam do Ông Trần Thanh Nam, thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm Trưởng ban, các Phó Trưởng ban gồm Cục trưởng Cục Chế biến nông lâm thủy sản và Nghề muối, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại và Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, cùng 21 ủy viên thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ, ngành, đơn vị có liên quan cùng tham gia Ban Chỉ đạo. 

·        Quyết định 878/QĐ-BNN-CB năm 2016 quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo xây dựng và phát triển thương hiệu gạo Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Quy chế này quy định về nguyên tắc và chế độ làm việc; trách nhiệm và quyền hạn của các thành viên Ban chỉ đạo; chế độ họp, thông tin, báo cáo và kinh phí hoạt động của Ban Chỉ đạo xây dựng và phát triển thương hiệu gạo Việt Nam

·        Quyết định 445/QĐ-TTg năm 2016 phê duyệt Đề án “Thí điểm hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới tại vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2016 - 2020” do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Mục tiêu Đề án nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững, đúng bản chất các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã tại vùng đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là hợp tác xã nông nghiệp; giúp hộ nông dân khắc phục cơ bản thua thiệt của nông dân trên thị trường, gia tăng lợi ích cho số đông nông dân thông qua liên kết hữu cơ trong chuỗi giá trị nông sản nhằm tăng cường sức mạnh tập thể của các thành viên, từ đó cải thiện đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội, nâng cao tinh thần hợp tác của cộng đồng lớn thành viên nông dân và dân cư địa phương.

d. Chính sách phát triển thương mại, quản lý xuất nhập khẩu:

+  Chính sách thu mua tạm trữ gạo và giá “định hướng”

Chính sách giá sàn được ban hành nhằm xác lập mức giá có lợi cho người nông dân và mức giá sàn này thay đổi theo thời gian. Theo Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 23/9/2012 về an ninh lương thực, để khuyến khích người nông dân giữ đất trồng lúa, Chính phủ phải đảm bảo giá cổng trại sẽ mang lại mức lợi nhuận ít nhất là 30% cho người trồng lúa. Tuy nhiên, văn bản này lại không chỉ rõ cơ chế cụ thể để xác định chi phí sản xuất.

Theo nghị định số 109/2010/NĐ-CP về điều hành xuất khẩu gạo, giá sàn được sửa đổi và có tên gọi là giá lúa định hướng. Giá lúa định hướng do Bộ Tài chính ấn định dựa trên chi phí sản xuất do UBND các tỉnh cung cấp, có tham vấn Bộ NN&PTNT. Nghị định này cũng quy định khi giá thị trường bằng hoặc cao hơn giá lúa định hướng thì Chính phủ sẽ không can thiệp. Ngược lại, khi giá lúa thấp hơn giá định hướng, Bộ NN&PTNT sẽ chịu trách nhiệm chính, cùng phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Công thương, Ngân hàng Nhà nước và VFA đề xuất Thủ tướng xem xét và đưa ra các giải pháp cụ thể để giữ giá thị trường mặt hàng gạo không thấp hơn giá lúa định hướng đồng thời đảm bảo xuất khẩu gạo đạt hiệu quả cao.

+ Quản lý kinh doanh, xuất nhập khẩu gạo

Theo Nghị định 109/2010/NĐ-CP, doanh nghiệp xuất khẩu gạo phải đáp ứng các điều kiện: Có ít nhất 01 (một) kho chuyên dùng với sức chứa tối thiểu 5.000 (năm nghìn) tấn thóc, phù hợp quy chuẩn chung do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành. Có ít nhất 01 (một) cơ sở xay, xát thóc, gạo với công suất tối thiểu 10 tấn thóc/giờ, phù hợp quy chuẩn chung do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành. Kho chứa, cơ sở xay, xát quy định tại Điều này phải thuộc sở hữu của thương nhân và phải nằm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có thóc, gạo hàng hóa xuất khẩu hoặc có cảng biển quốc tế có hoạt động xuất khẩu thóc, gạo tại thời điểm thương nhân đề nghị cấp Giấy chứng nhận.

+ Chính sách điều hành xuất khẩu khi có biến động thị trường

Khi giá tăng lên đến mức cao kỷ lục, Chính phủ đã ban hành một loạt các chính sách nhằm duy trì sự ổn định của sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu gạo. Một số chính sách quan trọng là:

-         Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 23 tháng 9 năm 2009 nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch;

-         Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 23/9 năm 2009 nhằm bảo đảm an ninh lương thực quốc gia;

-         Nghị định số 109/2010/NĐ-CP ngày 4/11/2010 về quản lý xuất khẩu gạo

-         Các quyết định về việc thu mua tạm trữ lúa gạo.

+ Tín dụng cho thương mại gạo

Nhằm ngăn ngừa và giảm thiểu rủi ro trong tín dụng xuất khẩu, góp phần bảo đảm an toàn tài chính và thúc đẩy xuất khẩu, ngày 05 tháng 11 năm 2010, Thủ tướng chính phủ ban hành Quyết định số 2011/2010/QĐ-TTg về việc thực hiện thí điểm bảo hiểm tín dụng xuất khẩu. Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 99/2011/TT-BTC ngày 7 tháng 7  năm 2011 hướng dẫn quản lý tài chính đối với việc thực hiện thí điểm bảo hiểm tín dụng xuất khẩu một số mặt hàng nông sản trong đó có lúa gạo. Theo Thông tư số 99/2011/TT-BTC, mức hỗ trợ bằng 20% phí bảo hiểm gốc của hợp đồng bảo hiểm tín dụng xuất khẩu.

e. Chính sách về khuyến khích, phát triển liên kết trong sản xuất lúa gạo

Nhằm khuyến khích liên kết giữa các tác nhân và đầu tư cho sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ngày 25 tháng 10 năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã kí quyết định số 62/2013-QĐ-TTg về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn. Theo quyết định này, các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư phát triển sản xuất quy mô lớn đối với doanh nghiệp gồm: ưu đãi về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, ưu tiên tham gia thực hiện hợp đồng xuất khẩu nông sản hoặc chương trình tạm trữ của Chính phủ; hỗ trợ một phần kinh phí cơ sở hạ tầng trong dự án, hỗ trợ kinh phí đào tạo nông dân sản xuất trong dự án), đối với tổ chức đại diện của nông dân (ngoài các ưu đãi như trên còn có hỗ trợ một phần chi phí thực tế về thuốc BVTV, công lao động, tiền thuê máy…); đối với nông dân, các hỗ trợ tập trung vào việc tập huấn và hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, chi phí cây giống, lưu kho tại doanh nghiệp.

Nội dung hỗ trợ nông dân:

-         Hỗ trợ một lần tối đa 30% chi phí mua giống cây trồng có phẩm cấp chất lượng giống xác nhận

-         Hỗ trợ 100% kinh phí lưu kho tại DN, thời hạn tối đa 03 tháng

Nội dung Hỗ trợ DN:

-         Miễn tiền sử dụng đất hoặc thuê đất để xây dựng nhà máy chế biến, kho chứa, nhà ở cho công nhân phục vụ cho dự án cánh đồng mẫu lớn.

-         Ưu tiên thực hiện các HĐ xuất khẩu, chương trình tạm trữ nông sản

-         Hỗ trợ một phần kinh phí cải tạo CSHT phục vụ cánh đồng mẫu lớn

-         Hỗ trợ 50% kinh phí đào tạo nông dân.

Nội dung hỗ trợ HTX:

-         Miễn tiền sử dụng đất và thuê đất cho cánh đồng mâu lớn

-         Ưu tiên thực hiện các HĐ xuất khẩu, chương trình tạm trữ nông sản

-         Hỗ trợ TBVTV, công lao động, thuê máy móc

-         Hỗ trợ tối đa 50% kinh phí tổ chức tập huấn cho cán bộ HTX, liên hợp tác xã về quản lý, hợp đồng kinh tế…

-         Hỗ trợ 100% kinh phí đào tạo cho nông dân

Chính sách tái cơ cấu ngành lúa gạo

·        Quyết định 1898/QĐ-BNN-TT năm 2016 phê duyệt Đề án “Tái cơ cấu ngành lúa gạo Việt Nam đến 2020 và tầm nhìn 2030” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Mục tiêu tổng quát của Đề án nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh lúa gạo làm cơ sở đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người trồng lúa, bảo vệ môi trường sinh thái, phát triển bền vững và tham gia hiệu quả vào thị trường toàn cầu. Mục tiêu cụ thể đến năm 2020: (1)  Đảm bảo lợi nhuận cho người trồng lúa ở vùng sản xuất lúa hàng hóa từ 30% tổng thu trở lên; (2) Tỷ lệ sử dụng giống xác nhận chiếm trên 75% diện tích tại các vùng chuyên canh của Đồng bằng sông Cửu Long; giảm lượng giống gieo sạ ở các tỉnh phía Nam xuống bình quân còn 80 kg/ha; (3) Diện tích áp dụng IPM đạt trên 75%; diện tích áp dụng quy trình canh tác bền vững (3G3T, 1P5G, nông lộ phơi, SRI, VietGAP, GAP khác, tiêu chuẩn hữu cơ) từ 50% diện gieo trồng trở lên; giảm từ 30% lượng phân bón, thuốc BVTV so với hiện nay; (4) Giảm tổn thất sau thu hoạch dưới 8%; (5) Giảm phát thải gây ra hiệu ứng nhà kính 10% so với hiện nay; (6) Tại các vùng chuyên canh sản xuất lúa hàng hóa, diện tích liên kết sản xuất, tiêu thụ, xây dựng cánh đồng lớn, vùng nguyên liệu chiếm từ 20% trở lên; (7) Đạt 20% lượng gạo xuất khẩu mang thương hiệu gạo Việt Nam. Mục tiêu cụ thể đến năm 2030: (1) Tỷ lệ sử dụng giống xác nhận chiếm 100% diện tích tại các vùng chuyên canh của Đồng bằng sông Cửu Long; (2) Diện tích áp dụng IPM đạt trên 90%; diện tích áp dụng quy trình canh tác bền vững (3G3T, 1P5G, nông lộ phơi, SRI, VietGAP, GAP khác, tiêu chuẩn hữu cơ) trên 75%; (3) Giảm tổn thất sau thu hoạch dưới 6%; (4) Giảm phát thải gây ra hiệu ứng nhà kính 20% so với hiện nay; (5) Tại các vùng chuyên canh sản xuất lúa hàng hóa, diện tích liên kết sản xuất, tiêu thụ, xây dựng cánh đồng lớn, vùng nguyên liệu chiếm từ 50% trở lên; (6) Đạt 50% lượng gạo xuất khẩu mang thương hiệu gạo Việt Nam trong đó 30% lượng gạo xuất khẩu thuộc nhóm gạo thơm và đặc sản.

Đề đạt được các mục tiêu trên, Đề án đưa ra các nhóm giải pháp thực hiện như sau:

-         Tái cơ cấu sản xuất lúa: Quản lý, sử dụng đất lúa và chuyển đổi diện tích gieo trồng lúa; Định hướng sản xuất lúa theo vùng: Đồng bằng sông Cửu Long là vùng sản xuất lúa trọng điểm của cả nước còn Đồng bằng sông Hồng là vựa lúa phía Bắc…; Cơ cấu giống; Áp dụng các gói kỹ thuật canh tác bền vững phù hợp cho từng vùng sản xuất; và ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất

-         Tổ chức sản xuất và đổi mới thể chế: Tổ chức lại sản xuất theo vùng; Phát triển kinh tế hợp tác; Nâng cao năng lực doanh nghiệp và hiệp hội

-         Cải tiến công nghệ sau thu hoạch và chế biến: Quản lý sau thu hoạch, tồn trữ; Chế biến sâu, chế biến phế, phụ phẩm; Phát triển dịch vụ hậu cần (logistics) phục vụ thương mại gạo.

-         Phát triển thị trường: Tăng cường năng lực nghiên cứu phân tích, dự báo và cung cấp minh bạch thông tin thị trường; Khuyến khích và tạo điều kiện để các khách hàng nhập khẩu gạo lớn và ổn định, tham gia đầu tư sản xuất- chế biến gạo Việt Nam; Xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam; Hỗ trợ doanh nghiệp lớn, có liên kết sản xuất với nông dân tại các vùng nguyên liệu chuyên canh chính, xác định thị trường mục tiêu, thu hút khách hàng lớn, xây dựng thương hiệu, kết nối trực tiếp với hệ thống bán lẻ; Hạn chế tối đa các biện pháp quản lý xuất khẩu làm méo mó, gián đoạn thị trường như tạm dừng xuất khẩu, hạn ngạch xuất khẩu, trợ giá,...; Phát triển thị trường trong nước; Phát triển thị trường xuất khẩu; Xây dựng các chương trình hỗ trợ cho các doanh nghiệp ngành gạo phát triển thị trường mới.

AGROINFO

TIN TỨC KHÁC

Hồ sơ thị trường

7-3-2017

Hệ thống hồ sơ các thị trường