Nguồn: Nongnghiep.vn
Ngày 3/6, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) phối hợp cùng các chuyên gia kiểm dịch thực vật của Bộ Nông lâm ngư nghiệp Nhật Bản thực hiện kiểm tra, đánh giá hệ thống xử lý quả vải tươi xuất khẩu sang Nhật Bản bằng Methyl Bromide của Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Rồng Đỏ, Công ty Cổ phần Ameii Việt Nam đặt tại huyện Thanh Hà (Hải Dương) và Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu thực phẩm Toàn Cầu tại xã Phượng Sơn (Lục Ngạn, Bắc Giang) theo quy định kiểm dịch thực vật nhập khẩu của Nhật Bản đối với quả vải thiều Việt Nam.
Tại buổi kiểm tra, các chuyên gia Nhật Bản đã cùng cán bộ kiểm dịch thực vật của Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) kiểm tra, đánh giá hệ thống buồng xử lý cũng như các trang thiết bị phục vụ cho việc xử lý quả vải. Tất cả các chỉ số đều được chuyên gia Nhật Bản so sánh, đối chiếu tỉ mỉ với quy định kiểm dịch chi tiết mà Nhật Bản đã chính thức công bố vào năm 2019.
Kết thúc buổi kiểm tra, các chuyên gia từ phía Nhật Bản đánh giá cao sự vào cuộc của Cục BVTV và sự chuẩn bị chu đáo về mọi mặt của các đơn vị xuất khẩu quả vải tươi của Việt Nam khi tất cả các chỉ số kiểm tra đều đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn theo quy định của phía Nhật Bản.
Cả 3 cơ sở xử lý đều được phía Nhật Bản công nhận và có thể tiến hành ngay việc xử lý quả vải tươi xuất khẩu đi Nhật Bản theo kế hoạch.
Ông Lê Sơn Hà, Trưởng phòng Kiểm dịch thực vật (Cục BVTV) cho biết, sau 2 năm gián đoạn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, năm nay các chuyên gia từ phía Nhật Bản sẽ trực tiếp sang Việt Nam kiểm tra, đánh giá, giám sát việc xử lý đối với từng lô vải tươi xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.
Chỉ những lô vải được chuyên gia Nhật Bản phối hợp với cán bộ kiểm dịch thực vật của Việt Nam giám sát xử lý và đảm bảo yêu cầu kiểm dịch thực vật của Nhật Bản mới được phép xuất khẩu sang thị trường này.
Theo ông Hà, việc các chuyên gia từ phía Nhật Bản sang kiểm tra, giám sát trực tiếp không khiến các doanh nghiệp Việt Nam cảm thấy áp lực, vì trong nhiều năm trở lại đây dưới sự hướng dẫn của Cục BVTV thì các doanh nghiệp đã có kinh nghiệm và sự chuẩn bị kỹ lưỡng theo các tiêu chuẩn mà phía bạn đưa ra.
Ngược lại, với việc các chuyên gia Nhật Bản phối hợp cùng với cán bộ kiểm dịch thực vật của Cục BVTV kiểm tra quá trình xử lý, đóng gói, niêm phong và cơ quan kiểm dịch thực vật Việt Nam cấp giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật xuất khẩu ngay tại cơ sở xử lý sẽ giúp các lô hàng quả vải tươi rút ngắn được thời gian vận chuyển, kiểm tra và thông quan tại cửa khẩu trước khi vào thị trường Nhật Bản.
Đồng thời, khi các chuyên gia Nhật Bản và cán bộ kiểm dịch của Cục BVTV cùng tiến hành kiểm tra trực tiếp các lô hàng, trường hợp chuyên gia phía bạn có những băn khoăn hoặc yêu cầu làm rõ thêm những nội dung liên quan, cán bộ của Cục BVTV sẽ kịp thời giải thích, trao đổi, thống nhất để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu.
Ngoài ra, việc chuyên gia Nhật Bản kiểm tra trực tiếp tại vùng sản xuất và cơ sở xử lý quả vải tươi sẽ tạo “cú huých” để người dân, doanh nghiệp Việt Nam nâng cao hơn ý thức trong việc đẩy mạnh sản xuất vải theo hướng an toàn để tạo ra những quả vải chất lượng cao, không chỉ xuất khẩu đi thị trường Nhật Bản mà còn vươn tới các thị trường khác như Úc, Mỹ… Từ đó, giúp nâng cao giá trị, sức cạnh tranh cho quả vải Việt Nam, gia tăng thu nhập cho người dân.
Ông Hà cho biết thêm, theo thông tin từ các doanh nghiệp, năm nay do có sự chuẩn bị ngay từ đầu vụ và có thể rút ngắn được thời gian kiểm dịch tại cửa khẩu nên dự kiến sản lượng vải của các đơn vị đưa sang thị trường Nhật Bản sẽ cao hơn so với năm trước.
Hiện tại, tất cả các doanh nghiệp đã nhận được rất nhiều đơn đặt hàng từ phía Nhật Bản. Đây là một tín hiệu đáng mừng cho quả vải tươi của Việt Nam.
Tuy nhiên, ông Hà cũng khuyến cáo, Nhật Bản là thị trường có yêu cầu rất cao về kiểm dịch thực vật, chất lượng và an toàn thực phẩm. Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam cần có sự chuẩn bị thật tốt nguồn hàng theo các tiêu chuẩn mà phía Nhật Bản đưa ra. Từ đó, tạo thuận lợi cho hoạt động kiểm dịch thực vật, từng bước khẳng định thương hiệu quả vải Việt Nam tại thị trường khó tính này.