Theo Bnews
Động thái này đe dọa vụ thu hoạch lúa - loại lương thực nuôi sống một nửa nhân loại và có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng lương thực toàn diện.
Từ Ấn Độ, Việt Nam đến Philippines, giá phân bón đã tăng gấp đôi thậm chí gấp ba lần trong năm qua. Việc giảm sử dụng phân bón có thể khiến cây trồng phát triển kém hơn.
Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế (IRRI) dự đoán sản lượng lúa có thể giảm 10% trong vụ tới, tương đương 36 triệu tấn gạo – nguồn lương thực có thể cung cấp cho 500 triệu người.
Humnath Bhandari, nhà kinh tế tại IRRI, lưu ý tác động có thể nghiêm trọng hơn nếu xung đột tại Ukraine tiếp diễn.
Giá phân bón tăng trên toàn cầu do những trở ngại về nguồn cung lẫn sản xuất. Bên cạnh đó, xung đột giữa Ukraine và Nga cũng làm gián đoạn hoạt động thương mại với Nga, nhà cung cấp chính các thành phần quan trọng để sản xuất phân bón.
Chi phí phân bón tăng cao đang đe dọa gây ra lạm phát giá lương thực nếu nông dân tiếp tục cắt giảm lượng sử dụng và năng suất cây trồng bị ảnh hưởng.
Tại châu Á, vựa lúa gạo của thế giới, nhiều quốc gia đưa ra trợ cấp phân bón để tăng năng suất của các giống cây trồng.
Ấn Độ, quốc gia phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu phân bón, dự kiến chi khoảng 20 tỷ USD để bảo vệ nông dân trước đà tăng của giá phân bón. Con số này cao hơn mức chi khoảng 14 tỷ USD vào tháng Hai.
Hiện Ấn Độ là nhà sản xuất gạo lớn thứ hai trên thế giới và xuất khẩu sang các nước như Saudi Arabia, Iran, Nepal và Bangladesh.
Somashekhar Rao, 57 tuổi, một nông dân trồng lúa tại bang Telangana, miền Nam Ấn Độ, cho biết ông đang gặp khó khăn trước đà tăng của giá phân bón.
Ông dự đoán sản lượng lúa gạo sẽ giảm 5-10% đối với vụ Đông, do sự chậm trễ trong việc đảm bảo nguồn cung phân bón. Việc bón phân đạt hiệu quả cao nhất khi được sử dụng ở chu kỳ sinh trưởng cao nhất của cây trồng.
Hiện IRRI đang phối hợp với nông dân để giải quyết vấn đề với các giải pháp gồm sử dụng kết hợp phân bón hóa học và hữu cơ để duy trì sản lượng đồng thời cải thiện chất lượng đất. Tuy nhiên, giải pháp này sẽ mất thời gian để thực hiện./.