Theo VNBusiness
Theo bản tin thị trường nông sản tháng 4/2022 của Bộ NN&PTNT, tại Thái Lan, gạo tiêu chuẩn 5% tấm ở mức 410 - 412 USD/tấn, giảm 5 USD/tấn so với tháng trước. Giao dịch chủ yếu với khối lượng thấp, không khí trầm lắng. Theo dữ liệu từ Bộ Thương mại, Thái Lan đã xuất khẩu 1,1 triệu tấn gạo trong hai tháng đầu năm nay, tăng 29% so với cùng kỳ năm ngoái.
Diễn biến giá gạo Việt Nam trong tháng 4/2022.
Tại Ấn Độ, gạo đồ 5% tấm ở mức 361-365 USD/tấn, giảm 10 USD/tấn so với tháng trước. Giá gạo Ấn Độ giảm do đồng rupee yếu, song lại giúp làm tăng lợi nhuận của thương nhân từ việc bán hàng ra nước ngoài.
Tại Việt Nam, gạo 5% tấm của Việt Nam sau khi tăng lên mức 425 USD/tấn vào giữa tháng 4/2022, thì giảm trở lại mức 415 USD/tấn, tương đương mức trung bình tháng 3/2022. Nguồn cung trong nước dồi dào với nông dân ở Đồng bằng Sông Cửu Long đã thu hoạch được khoảng 90% vụ Đông Xuân.
Bộ NN&PTNT cho biết so với tháng trước, giá lúa tại các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long diễn biến tăng trong tháng 4 trong bối cảnh giao dịch trầm lắng. Hiện toàn vùng Đồng bằng Sông Cửu Long đã thu hoạch được 80 – 90% diện tích lúa Đông Xuân 2022, nhiều địa phương đã thu hoạch xong và xuống giống vụ Hè Thu. Tuy nhiên vụ Hè Thu năm nay người dân canh tác ít do chi phí sản xuất tăng cao.
Cụ thể, tại An Giang, lúa IR50404 ở mức 5.500 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg so với trung bình tháng 3; lúa chất lượng cao OM 5451 ở mức 5.500 đồng/kg, giảm 100 đồng/kg; gạo thường ở mức 11.000 đồng/kg; gạo thơm đặc sản jasmine ở mức 15.000 đồng/kg, ổn định so với tháng trước.
Tại Kiên Giang, giá lúa IR50404 ở mức 6.500 – 6.600 đồng/kg, tăng 650 đồng/kg so với tháng 3; lúa chất lượng cao OM 5451 ở mức 6.600 – 6.800 đồng/kg, tăng 300 đồng/kg.
Tại Bạc Liêu, lúa tươi OM 5451 dao động ở mức 5.600 - 5.900 đồng/kg; lúa Đài thơm 8 ở mức 5.900 – 6.000 đồng/kg; lúa ST24, ST25 ở mức 7.000 – 7.200 đồng/kg.
Theo số liệu thống kê từ Bộ NN&PTNT, khối lượng gạo xuất khẩu tháng 4/2022 ước đạt 550 nghìn tấn với giá trị đạt 273 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị xuất khẩu gạo 4 tháng đầu năm 2022 đạt 2,05 triệu tấn và 1 tỷ USD, tăng 4,4% về khối lượng nhưng giảm 6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021. Giá gạo xuất khẩu bình quân 3 tháng đầu năm 2022 đạt 486,2 USD/tấn, giảm 10,6% so với cùng kỳ năm 2021.
Philippines là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2022 với 42,6% thị phần. Xuất khẩu gạo sang thị trường này trong 3 tháng đầu năm 2022 đạt 672,142 nghìn tấn và 311,08 triệu USD, tăng 63,8% về khối lượng và tăng 41,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2021. Trong 3 tháng đầu năm 2022, thị trường có giá trị xuất khẩu gạo tăng mạnh nhất là Bờ Biển Ngà (+76,1%). Ngược lại, thị trường có giá trị xuất khẩu gạo giảm mạnh nhất là Đài Loan (-45%).
Trong báo cáo tháng 4, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo sản lượng gạo toàn cầu đạt mức kỷ lục 513 triệu tấn (gạo xay xát), giảm 1 triệu tấn so với dự báo tháng trước. Thương mại gạo thế giới năm 2022 ước đạt kỷ lục 52,5 triệu tấn, tăng hơn 1,1 triệu tấn so với dự báo trước. Trong đó, Thái Lan, Pakistan, Ấn Độ là những quốc gia tăng xuất khẩu gạo trong năm nay.
Tuy nhiên, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết xuất khẩu gạo Việt Nam dự kiến sẽ tăng trong những tháng tới, với nhu cầu mạnh hơn từ các thị trường như Trung Quốc, Bangladesh, Iran và Sri Lanka.
Thời gian tới, để mở rộng thêm thị trường hơn, gạo Việt Nam phải nâng cao chất lượng. Trong phiên tham vấn xuất khẩu gạo sang thị trường ASEAN mới đây, ông Phạm Thế Cường, Tham tán thương mại Việt Nam tại Indonesia, cho biết gạo Việt đang được tiêu thụ mạnh ở hai kênh là chợ truyền thống và siêu thị của Indonesia nhưng người dân nước này ít biết tới thương hiệu gạo Việt so với gạo Thái Lan.
"Các loại gạo đặc sản như ST24, ST25 hoàn toàn có thể cạnh tranh trong thời gian tới. Tuy nhiên công tác quảng bá gạo mang thương hiệu Việt cần tăng cường, nhiều đơn vị nhập khẩu lớn của Indonesia chưa biết gạo ST24, ST25", ông Cường nói.
Tham tán thương mại Việt Nam tại Indonesia nhận xét, lợi thế cạnh tranh về giá sẽ không còn, thay vào đó phải là chất lượng khi gạo Thái Lan đang ngày một "lấn sân" ở thị trường Indonesia. Hơn nữa, việc Chính phủ Indonesia thay đổi chiến lược phát triển lúa gạo theo hướng tăng tự chủ nguồn cung gạo từ nội địa, chỉ cho nhập những loại gạo chất lượng cao 0-5% tấm và gạo 100% tấm phục vụ sản xuất công nghiệp. Điều này sẽ ảnh hưởng tới xuất khẩu gạo của Việt Nam.