Cái khó ló cái hay
Năm 2008, anh Đinh Văn Việt rời quê hương Nam Định vào xã Đắk Nia, thành phố Gia Nghĩa lập nghiệp. Đến với vùng đất mới, anh Việt đã mua được gần 3ha đất có sẵn cây cà phê để phát triển kinh tế. Lần đầu tiên bắt tay vào trồng cây công nghiệp anh Việt còn nhiều bỡ ngỡ, chủ yếu chăm sóc theo kiểu truyền thống của bà con trong vùng.
Sau 10 năm làm quen với cây cà phê, anh Việt nhận thấy đất đai ở đây cằn cỗi. Nếu gia đình chăm sóc theo cách truyền thống thì không mấy hiệu quả, năng suất cao lắm chỉ đạt 3 tấn/ha, trừ chi phí thì hiệu quả kinh tế còn lại không nhiều. Do đó, anh Việt đã quyết chí tìm hướng đi mới.
Sau một thời gian trăn trở, nghiên cứu, năm 2018, anh Việt đã bắt tay chăm sóc vườn cà phê theo hình thức thả ngọn, thay vì cắt ngọn, chỉ chừa cành cây cà phê như cách canh tác truyền thống ở Tây Nguyên. Thế nhưng, lúc này, một số bà con trong vùng biết được lại nói cách làm của anh việt là "ngược đời" bởi từ xưa đến nay chưa có ai làm như vậy.
Với cách làm cây cà phê mới này, anh Việt trồng với mật độ rất dày, hơn 2.000 cây/ha (gấp đôi so với cách trồng thông thường). Sau gần 4 năm chuyển đổi cách chăm sóc, vườn cà phê của anh Việt phát triển rất nhanh, mạnh, mỗi cây cao hơn 2m. Đặc biệt nhất là việc một gốc cây nhưng đẻ ra rất nhiều thân chủ, từ các thân này cây cũng đẻ nhiều nhánh cà phê khỏe mạnh.
Năng suất vượt trội
Đến nay, sau 3 năm chuyển đổi cách thức chăm sóc cà phê theo phương thức mới anh Việt đã thành công mỹ mãn. Anh Việt cho biết, trung bình 1ha cà phê áp dụng theo phương thức thả ngọn mang lại năng suất cho gia đình hơn 7 tấn cà phê nhân.
"Cách thức này không chỉ giảm chi phí chăm sóc so với truyền thống hơn 50% mà năng suất cũng vượt trội so với bà con quanh vùng khoảng 30%" - anh Việt khẳng định.
Theo anh Việt, khi chăm sóc cây cà phê theo hình thức thả ngọn, mỗi năm anh chỉ cần cắt cỏ 1 - 2 đợt, thậm chí không cần hoặc tưới rất ít nước vào mùa khô vì cây tạo bóng tốt. Với mật độ cà phê dày đặc nên độ che phủ lớn, vườn cà phê hầu như không phải làm cỏ.
Cũng theo anh Việt, để cà phê thả ngọn mang lại hiệu quả kinh tế cao, người trồng cần lưu ý mật độ và số lượng thân của mỗi gốc. Người trồng phải tính toán để gốc có thể nuôi thân mới và cắt bỏ những thân quá cao một cách hợp lý để bảo đảm năng suất, hiệu quả cao nhất.
Với cách làm này, thay vì cần nhiều người tuốt trái trên cành anh Việt chỉ cần một vài người cắt luôn cả cành có trái chín. Sau đó, cũng chỉ cần một người đưa cành cà phê vào máy tuốt là đã hoàn thành việc thu hoạch, tiết kiệm nhân công rất nhiều. Hơn nữa, cách thu hoạch này cũng giúp vườn cà phê của anh Việt hạn chế được cành tăm, tốn sức cây trồng.
Anh Việt chia sẻ, trước khi cắt cành có trái, một năm trước tôi đã trừ cành khác để thay thế. Hiện nay, việc trồng cà phê thả ngọn chưa phổ biến ở Việt Nam. Thế nhưng, ở một số nước như Brazil thì cách sản xuất này đã được nhiều người áp dụng. Ngoài ra, việc sản xuất cà phê thả ngọn không những dễ áp dụng mà còn dễ đưa máy móc, cơ giới hóa từ khâu chăm sóc đến khâu thu hoạch.
Để nâng cao chất lượng sản phẩm, trong quá trình sản xuất, anh Việt đã tự ủ phân vi sinh từ phụ phẩm nông nghiệp để chăm sóc theo hướng hữu cơ, thân thiện với môi trường. Đến thời kỳ thu hoạch, anh Việt cũng thu hái khi trái trên cành đỏ rực trên 90%.
Theo ông Nguyễn Thái Ban, Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Nia, cách chăm sóc cà phê của anh Việt là hoàn toàn mới, ở địa phương chưa có ai áp dụng. Qua khảo sát xã cũng thấy có sự đột phá về sức khỏe của cây trồng và cho năng suất cao hơn những vườn cà phê khác trong vùng.
"Địa phương đang cử cán bộ, phối hợp với cơ quan chức năng theo dõi mô hình để đánh giá tính ổn định, hiệu quả, nhằm nhân rộng mô hình cho bà con nâng cao hiệu quả kinh tế" - ông Ban cho biết.