Tuy vậy, chỉ dẫn địa địa lý cà phê Buôn Ma Thuột chưa mang lại giá trị gia tăng đáng kể vì chưa có nhiều sản phẩm thương mại trên thị trường thế giới. Hiện nay tỉnh Đắk Lắk đã được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ chấp thuận bảo hộ "chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột" cho 4 dạng sản phẩm cà phê Robusta, bao gồm cà phê nhân, cà phê hạt rang, cà phê bột, cà phê hòa tan nguyên chất.
Tại hội nghị, các tỉnh là "thủ phủ" cà phê của vùng Tây Nguyên nêu khó khăn hiện nay với sự suy giảm đất canh tác, suy thoái chất lượng đất, đất đai bị thoái hóa đang diễn ra với tốc độ nhanh. Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và giá vật tư đầu vào các loại, đã ảnh hưởng trực tiếp người sản xuất. Tình trạng thiếu sân phơi, nhà kho, thiết bị chế biến, nhất là tình trạng thiếu nhân công lao động thu hái, chế biến cà phê khi vào vụ thu hoạch. Hình thức tổ sản sản xuất cà phê chưa phù hợp, chủ yếu là sản xuất cá thể, quy mô nhỏ lẻ, manh mún.
Liên kết sản xuất vẫn còn một số bất cập, phần lớn các mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản được hình thành tự phát, trách nhiệm, sự ràng buộc giữa các thành phần khi tham gia liên kết chưa thực sự chặt chẽ cả trên phương diện kinh tế lẫn phương diện pháp lý nên chưa thực sự bền vững. Năng lực thực sự của các hộ nông dân, các chủ trang trại, Tổ hợp tác, Hợp tác xã còn nhiều hạn chế, chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu trong cơ chếthị trường. Cơ sở vật chất, vốn hoạt động và năng lực quản lý của cán bộ Hợp tác xã nhìn chung thiếu, yếu, hạn chế.
Chính quyền các tỉnh Tây Nguyên kiến nghị Bộ NN&PTNT, Chính phủ có chính sách ưu đãi thuế đất, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu thiết bị... để hỗ trợ Gia Lai, Đắk Lắk trở thành trung tâm chế biến cà phê của thế giới.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng, cần xác định rõ ý nghĩa và vai trò các tổ chức của nông dân (hợp tác xã, tổ hợp tác) trong xây dựng vùng nguyên liệu cà phê Tây Nguyên, những vấn đề cần tư duy lại để phù hợp tình hình hiện nay và sắp tới, với cách nhìn kinh tế nông nghiệp, hình thành chuỗi liên kết ngành hàng.
Cần tiếp cận các mô hình nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, tích hợp đa giá trị (nông nghiệp gắn với công nghiệp chế biến, nông nghiệp gắn với dịch vụ, chuyển đổi số); các mô hình phát triển theo chuỗi liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp nào phù hợp đối với cà phê Tây Nguyên.
Bên cạnh đó, cần có các giải pháp, hành động ưu tiên thực hiện để giúp phát triển tổ chức sản xuất ngành hàng cà phê được bền vững và hiệu quả.