Nguồn: Vietnambiz.vn
Tình trạng ùn ứ tại các cửa khẩu phía Bắc vẫn đang diễn ra. Tính đến chiều 26/12, tổng số phương tiện đang chờ tại các cửa khẩu biên giới Việt Nam - Trung Quốc là gần 5.800 xe, theo VTV.
Hiện, năng lực thông quan của các cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn chỉ được 80 xe hàng/ngày, hàng hóa vẫn nằm bất động.
Sau khi chờ đợi mòn mỏi, các mặt hàng nông sản đã bắt đầu hư hỏng nên nhiều doanh nghiệp, chủ hàng lựa chọn giải pháp quay đầu xe, tiêu thụ tại thị trường nội địa, nhằm gỡ lại tiền xăng dầu. Mỗi ngày có khoảng 50-60 xe quay đầu.
Các xe tranh thủ xả hàng ở những chợ tự phát đã mọc lên bên đường quốc lộ lên cửa khẩu Hữu Nghị.
Giá mít xuất khẩu mua từ vườn 40.000 đồng/kg, nay bán chỉ còn 5.000 – 8.000 đồng/kg, dao động 50.000 – 80.000 đồng/quả loại 1.
Còn với những xe nằm lâu, mít đã chín quá, có dấu hiệu thối hỏng được rao bán đồng giá 10.000 – 20.000 đồng/quả.
Chia sẻ với Tiền Phong, anh Tuấn lái xe chạy từ Tiền Giang cho biết: "Mít để lâu đã chín tới, để thêm sẽ phải đổ bỏ cả xe, bán được chừng nào hay chừng đó, gỡ gạc lại một phần chi phí".
Các lái xe ước tính một xe container khoảng 25 tấn mít được chủ hàng bán vội được từ 60-80 triệu đồng, không đủ bù đắp chi phí.
Như vậy, các chủ hàng có thể mất cả vốn lẫn lãi khoảng 300 triệu đồng/xe. Con số thiệt hại có thể lên tới hàng tỷ đồng với các chủ hàng có nhiều xe bị ùn ứ tại cửa khẩu.
"Mua cả container khoảng 15 - 60 triệu tùy theo chất lượng, càng nhiều ngày thì càng rẻ. Những xe nóng 26 tấn, chúng tôi chỉ mua vào 50 triệu một xe, thậm chí có xe chỉ 15 - 20 triệu vì thối nhiều lắm", chị Hoàng Thị Sang, một thương lái chia sẻ.
Những quả mít được vận chuyển từ miền Nam ra đều được dán tem truy xuất nguồn gốc, vốn dĩ thuộc dòng "xuất ngoại" nhưng giờ nằm lăn lóc góc đường quốc lộ, nhiều quả bị hỏng được bán tháo với giá rẻ như cho.
Trước sự cố ùn ứ ở cửa khẩu, Bộ Công Thương cho biết sẽ đẩy mạnh tiêu thụ nội địa ở thị trường 100 triệu dân qua các kênh truyền thông như chợ, siêu thị và bằng cả thương mại điện tử.
Đồng thời, khuyến cáo các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp, nông dân chuyển đổi sản xuất theo quy hoạch, kế hoạch và bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng.
"Sản xuất cái gì phải tính bán cho ai, ở đâu, tuân thủ tín hiệu thị trường", Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nói.