|
Các hoạt động quản lý chỉ dẫn địa lý thanh long Bình Thuận sau bảo hộ sẽ là một thách thức lớn cho các cấp, các ngành của tỉnh Bình Thuận. Nguồn: Internet |
Chỉ dẫn địa lý thanh long Bình Thuận là chỉ dẫn địa lý thứ hai của Việt Nam chính thức được bảo hộ tại Nhật Bản. Đăng ký chỉ dẫn địa lý có thể coi như "giấy thông hành" để vào thị trường Nhật Bản nói riêng, thế giới nói chung.
Việc được cấp đăng ký chỉ dẫn địa lý có ý nghĩa khẳng định uy tín thanh long Bình Thuận vào thị trường Nhật Bản, mở ra nhiều cơ hội mới cho việc xuất khẩu, tiêu thụ thanh long Bình Thuận ở nhiều thị trường khác nhau, nhất là tại các thị trường khó tính (châu Âu, Hàn Quốc, New Zealand,…). Từ đây cũng cho thấy, vai trò của sở hữu trí tuệ, vốn được coi là công cụ hỗ trợ cho các sản phẩm Việt Nam có thêm lợi thế cạnh tranh và xuất khẩu.
Dù là thông tin đáng mừng, song ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) nhận định, việc thanh long Bình Thuận được đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý thành công tại Nhật Bản mới chỉ là bước đầu tạo lợi thế cạnh tranh cho thanh long Bình Thuận đến với thị trường này.
Các hoạt động quản lý chỉ dẫn địa lý thanh long Bình Thuận sau bảo hộ sẽ tiếp tục là một thách thức lớn cho các cấp, các ngành của tỉnh Bình Thuận.
Khó khăn lớn nhất là việc nhanh chóng kiện toàn năng lực của tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý, Hội sản xuất và tiêu thụ thanh long Bình Thuận. Bên cạnh đó, nhận thức của người nông dân nhằm tuân thủ một cách chặt chẽ quy trình trồng và sản xuất thanh long, đảm bảo tính chất/chất lượng đặc thù của sản phẩm và tiêu chuẩn chất lượng xuất khẩu thanh long sang Nhật cũng cần được nâng cao và liên tục giám sát…
“Thời gian tới, cần nỗ lực từ nhiều phía, nhiều cấp bộ, ngành để thanh long Bình Thuận tiếp tục giữ vững được thị trường “khó tính” này”, ông Phí nhấn mạnh.