RAU QUẢ

Đưa mắc ca thành ngành hàng sản xuất hiệu quả, bền vững

Cập nhật ngày: 29 | 09 | 2021

Mục tiêu Đề án "Phát triển bền vững mắc ca giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050" đặt ra là đưa mắc ca thành ngành hàng sản xuất hiệu quả, bền vững.

Nguồn: Nongnghiep.vn

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh làm việc về xây dựng Đề án 'Phát triển bền vững mắc ca giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050'. Ảnh: Tùng Đinh.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh làm việc về xây dựng Đề án "Phát triển bền vững mắc ca giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050". Ảnh: Tùng Đinh.

Chiều 27/9, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh làm việc với Tổng cục Lâm nghiệp, Hiệp hội Mắc ca Việt Nam và các đơn vị liên quan về việc xây dựng Đề án “Phát triển bền vững mắc ca giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050”.

Theo Tổng cục Lâm nghiệp, ngành chế biến hạt mắc ca trên thế giới đang phát triển mạnh trong vòng 10 năm trở lại đây, sản lượng chế biến và quy mô giao dịch thương mại tăng từ 27.894 tấn nhân năm 2010 lên 62.875 tấn nhân vào năm 2020.

Dự báo, nhu cầu tiêu thụ nhân mắc ca trên thế giới vẫn duy trì ở mức tăng trưởng cao trong thời gian tới, do lượng tiêu thụ các sản phẩm từ hạt mắc ca hiện nay mới chiếm khoảng 1% tổng sản lượng tiêu thụ các loại hạt khô trên thế giới.

Ở Việt Nam, mắc ca là cây nhập nội và thuộc nhóm cây lâm sản ngoài gỗ trong danh mục loài cây trồng lâm nghiệp chính. Đến nay, cả nước có 28 tỉnh trồng mắc ca, với tổng diện tích là 18.840 ha, tập trung chủ yếu tại hai vùng Tây Bắc và Tây Nguyên; diện tích cho thu hoạch là 6.853 ha, sản lượng năm 2021 ước đạt 8.840 tấn hạt.

Hiện nay, thị trường tiêu thụ sản phẩm mắc ca chủ yếu là trong nước và một số nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Trung Quốc.

Có thể nói, phát triển mắc ca ở nước ta trong thời gian qua đã thu được những kết quả tích cực, tăng nhanh về diện tích và sản lượng, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người sản xuất, nhiều mô hình trồng mắc ca cho thu nhập khá và ổn định, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường, đặc biệt là địa bàn miền núi thuộc các tỉnh vùng Tây Bắc và Tây Nguyên.

Tuy nhiên, do tình trạng phát triển trồng mắc ca tự phát ở một số nơi, trồng theo phong trào và không đúng quy trình kỹ thuật, trồng ở nơi có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng không phù hợp, sử dụng những giống không rõ nguồn gốc, xuất xứ, trồng giống cây thực sinh, nên nhiều diện tích cây sinh trưởng kém, sản lượng quả thấp hoặc không có quả.

Mặt khác, công tác chế biến mắc ca còn đơn giản, sản phẩm chưa tinh và chất lượng chưa cao; thị trường tiêu thụ sản phẩm chưa được mở rộng, thiếu sự đồng bộ về cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích, thu hút sự tham gia của người dân, doanh nghiệp đầu tư phát triển mắc ca.

Do đó, cần xây dựng “Đề án phát triển bền vững mắc ca giai đoạn 2011-2030, tầm nhìn đến năm 2050” để giải quyết những tồn tại này. Dự kiến, sau khi hoàn chỉnh, đề án sẽ được trình Thủ tướng xem xét và phê duyệt.

Sau khi nghe dự thảo do Tổng cục Lâm nghiệp trình bày, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nhấn mạnh, đề án cần đánh giá sâu về thực trạng cây mắc ca trong những năm gần đây về mặt kinh tế, kỹ thuật, diện tích trồng xen kẽ…

Bên cạnh đó, ông Lê Quốc Doanh đề nghị các đơn vị liên quan cần làm rõ vấn đề thích nghi, hiệu quả, quỹ đất phát triển cây mắc ca tại các địa phương.

TIN TỨC KHÁC