Ngồi trên đống lửa
Thống kê của Sở Nông nghiệp Phát triển Nông thôn tỉnh Gia Lai, địa phương đang có trên 97.000ha cà phê. Trong đó, diện tích đang cho thu hoạch khoảng hơn 80.000ha. Thường vào vụ thu hoạch, nhân công các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Quảng Ngãi... đổ về hái khoán cà phê. Nhưng nay do dịch COVID-19, phong tỏa nhiều nơi sẽ khiến việc đi lại khó khăn hơn, nhiều chủ vườn lo ngại thiếu nhân công. Mọi năm Gia Lai thu hút từ 7.000 đến 8.000 lao động ngoại tỉnh vào thời vụ này.
Chị Trần Thị Tình, xã Sơn Lang, huyện Kbang nói: “Trung bình mỗi hecta cà phê, nông dân thu được từ 18 đến 20 tấn cà phê tươi. Hiện, với mức giá từ 38.000 đến 40.000 đồng/kg cà phê nhân, sau khi trừ chi phí đầu vào, người trồng không còn lãi bao nhiêu vì giá phân bón cũng tăng cao. Năm nay lại khó tìm ra nhân công thu hoạch. Năm 2020, tôi trả tiền công thu hái khoán từ 90.000-100.000 đồng/tạ cà phê nhưng nhiều nhân công còn chê ít".
Ông Thái Như Hiệp - Giám đốc Công ty TNHH cà phê Vĩnh Hiệp - cho biết: "Hiện, do dịch COVID-19 ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng cà phê sang thị trường các nước Châu Âu theo Hiệp định EVFTA. Nguyên nhân là do cảng nước sâu ở TPHCM hiện đang thiếu cả tàu và container để chuyển hàng xuất bán. Đồng thời, các loại giấy đi đường và cách kiểm soát chặt của nhiều địa phương cũng khiến việc lưu thông, vận chuyển khó khăn, chậm trễ. Các tài xế phải cách ly y tế, có giấy xét nghiệm, cấp phép luồng xanh làm gia tăng chi phí vận chuyển, hạn chế số lượng tài xế.
Đơn vị hiện tồn đọng khoảng 150.000 tấn cà phê, đang được bảo quản trong các kho. Chi phí bảo quản, tiền thuê nhân công, phương án "3 tại chỗ" đang là gánh nặng".
Đại diện Sở Công Thương Gia Lai thông tin, từ đầu tháng 7 đến nay, khi tình hình dịch bệnh của các tỉnh phía nam như TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai diễn biến phức tạp nên việc xuất khẩu cà phê sang thị trường Châu Âu theo Hiệp định EVFTA gặp khó khăn. Các tỉnh thành này là nơi có các cảng nước sâu, khả năng vận tải lớn. Việc tài xế lưu thông từ các vùng đang áp dụng biện pháp giãn cách theo Chỉ thị số 16 buộc phải cách ly.
Tương tự, Sở Công Thương tỉnh Đắk Nông cũng cho biết, trong 8 tháng đầu năm, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh chịu nhiều tác động từ thị trường. Trong đó, sản lượng cà phê đạt 98,1 triệu USD, giảm 0,1% so với cùng kỳ 2020.
Chưa thích ứng
Thông tin Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, Quý II/2021, giá cà phê thế giới biến động theo xu hướng tăng so với quý I/2021. Cuối tháng 7.2021, giá cà phê thế giới liên tục ghi nhận ở mức cao lịch sử. Nguyên nhân do diễn biến phức tạp của làn sóng COVID-19, tình trạng thiếu container rỗng kéo dài, giá cước phí tăng cao; nguồn cung cà phê thiếu hụt do Việt Nam và một số nước sản xuất lớn chịu ảnh hưởng tiêu cực từ đại dịch; nhu cầu nhập khẩu của Hoa Kỳ, Châu Âu tăng.
Tây Nguyên là vựa cà phê lớn nhất cả nước với gần 600.000ha. Tập trung chủ yếu ở khu vực các tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Đắk Nông và Lâm Đồng. Những năm qua, giá cà phê liên tục lên xuống thất thường, không ổn định.
Như Lao Động từng thông tin, thời gian qua không ít doanh nghiệp làm cà phê ở Đắk Lắk nói riêng và vùng Tây Nguyên nói chung lâm vào cảnh khó khăn, không có thị trường tiêu thụ, nợ nần chồng chất, đứng trước nguy cơ phá sản.
Ông Trịnh Đức Minh - Chủ tịch Hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) - nhận định: "Trong nhiều tháng qua, những doanh nghiệp xuất khẩu cà phê lớn ở địa phương như Simexco Đắk Lắk, Tập đoàn An Thái vốn có tiềm lực kinh tế đã linh động, thích ứng được với những khó khăn do dịch bệnh, duy trì tốt hoạt động kinh doanh, xuất khẩu. Tuy nhiên, một số doanh nghiệp vừa và nhỏ ở địa phương lại không làm được như vậy.
Tổng sản lượng cà phê năm 2021 của Đắk Lắk đang ở mức 280.000 đến 300.000 tấn (trung bình 450.000 tấn/năm). Các năm, doanh nghiệp ở Bình Dường, TPHCM thường về Tây Nguyên thu mua cà phê, nhưng nay thiếu vắng, nên xuất khẩu có phần sụt giảm".
Thực tế, những doanh nghiệp làm cà phê quy mô nhỏ, vừa cũng thường chỉ đi gom hàng về bán lại cho các "ông lớn" chứ vai trò của họ còn hạn chế. Khi có biến động thị trường, dịch bệnh thì họ lâm cảnh bị động, phụ thuộc. Bởi, một doanh nghiệp làm cà phê muốn trụ vững trong giai đoạn này ngoài uy tín lâu năm còn phải gắn bó với hai phía đó là vùng nguyên liệu lẫn kết nối chặt chẽ với thị trường các quốc gia ở Châu Âu, Hoa Kỳ...
Nhà nước đang có chính sách giãn nợ ngân hàng, ưu đãi về lãi suất, kéo dài việc đóng thuế, BHXH cho người lao động với riêng các doanh nghiệp làm cà phê nhưng hiệu quả đến đâu vẫn chưa đánh giá cụ thể được - ông Minh nhấn mạnh.
Theo Bộ NNPTNT: Cà phê là một trong 13 nông sản chủ lực quốc gia, với lợi thế cạnh tranh cao, đặc biệt là khu vực Tây Nguyên - nơi tập trung nhiều đồng bào dân tộc thiểu số và người nghèo. Ngành cà phê đóng góp 3% GDP cả nước, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho trên 600.000 hộ nông dân, góp phần phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo ở vùng Tây Nguyên.