Tăng trưởng mạnh trong 6 tháng đầu năm
Trong 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu đạt 315 triệu USD, tăng 25,84% so với cùng kỳ năm 2020. Kim ngạch xuất khẩu tăng do giá nông sản và khối lượng mặt hàng xuất khẩu tăng, chủ yếu là các sản phẩm hồ tiêu, cao su, cà phê và trái cây. Ngoài ra còn có nguyên nhân nguồn cung tại một số quốc gia tương đồng về sản phẩm với Việt Nam bị hạn chế do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, trong khi thời điểm này, Việt Nam đang kiểm soát tốt dịch bệnh, sản xuất và hoạt động xuất khẩu không bị đình trệ. Bên cạnh đó, việc tham gia Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) tạo điều kiện duy trì và phát triển thị trường xuất khẩu tương đối thuận lợi.
|
Chế biến chanh dây tại Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao-Chi nhánh Gia Lai. Ảnh: Đức Thụy |
Ông Đinh Gia Nghĩa-Giám đốc Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao-Chi nhánh Gia Lai-cho biết: 6 tháng đầu năm 2021, lượng hàng Công ty xuất khẩu bằng 125% so với cùng kỳ năm 2020. Đạt được con số ấn tượng trên là nhờ sản phẩm đảm bảo các yêu cầu khắt khe của nhà nhập khẩu và gặp nhiều thuận lợi trong việc ký kết các hợp đồng với đối tác. Đồng thời, doanh nghiệp cũng đã chủ động tháo gỡ những khó khăn về tàu vận chuyển, về container…
Trong khi đó, với Công ty TNHH Vĩnh Hiệp-đơn vị được phép xuất khẩu mặt hàng nông sản khô (cà phê và hồ tiêu) sang châu Âu theo Hiệp định EVFTA, con số xuất khẩu 6 tháng đầu năm cũng hết sức ấn tượng. Ông Thái Như Hiệp-Giám đốc Công ty-thông tin: 6 tháng đầu năm 2021, Công ty xuất khẩu được 80 ngàn tấn cà phê, tăng 130% so với cùng kỳ năm 2020.
Đánh giá về hoạt động xuất khẩu nông sản 6 tháng đầu năm, ông Đoàn Ngọc Có-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-cho biết: “Xuất khẩu nông sản 6 tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh rất tốt. Thời điểm trên, dịch Covid-19 đang được kiểm soát tốt nên việc tổ chức thu hoạch, thu mua và chế biến hết sức thuận lợi. Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao-Chi nhánh Gia Lai đang có vùng nguyên liệu chanh dây khoảng 6.500 ha. Đơn vị đã tổ chức tốt việc thu mua sản phẩm chanh dây cho nông dân về chế biến tại nhà máy. Vấn đề xuất khẩu cũng gặp thuận lợi bởi xuất hàng qua 2 cảng là Quy Nhơn và Đà Nẵng-nơi đều đang khống chế tốt dịch Covid-19”.
|
Công nhân làm việc tại Trung tâm Chế biến rau quả DOVECO Gia Lai. Ảnh: Đức Thụy |
Cuối năm gặp khó
Hoạt động xuất khẩu hàng nông sản của Gia Lai gặp khó ngay từ đầu tháng 7, khi mà dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Ông Thái Như Hiệp thông tin: “Lượng hàng xuất khẩu của đơn vị chủ yếu thông qua các cảng lớn ở phía Nam như Đồng Nai, Bình Dương và TP. Hồ Chí Minh, trong khi dịch bệnh xảy ra đã làm cho các hãng tàu và container vốn đã khó gặp nhau, giờ càng khó hơn. Bên cạnh đó, nhân viên giao nhận, làm chứng từ và đội ngũ lái xe cũng gặp khó khi đi từ vùng dịch về, buộc phải cách ly theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ”.
Cũng theo ông Hiệp, Công ty đang tồn khoảng 20 ngàn tấn sản phẩm gồm cà phê và hồ tiêu chưa xuất khẩu được. Nguyên nhân do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên nhiều nước phải thực hiện các biện pháp chống dịch. Ngoài ra, còn do thiếu tàu, container, xe vận chuyển, nhân công… “Hiện các khu công nghiệp lớn có chi nhánh của Công ty như Bình Dương, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh gần như bị tê liệt do dịch bệnh. Do vậy, việc xuất khẩu hàng của Công ty đang phải đối mặt với muôn vàn khó khăn. Theo đó, chi phí đầu vào tăng cao do hàng tồn kho không xuất được, phải thuê kho bãi để chứa hàng, rồi chi phí nhân công…”-ông Hiệp chia sẻ.
|
Kho cà phê xuất khẩu của Công ty TNHH Vĩnh Hiệp (TP. Pleiku). Ảnh: Trần Bình Định |
Còn ông Đinh Gia Nghĩa thì cho hay: “Hiện tại, nguyên liệu của Công ty rất nhiều nhưng công nhân thì lại thiếu. Bình thường cần đến khoảng 600 công nhân làm việc tại nhà máy mới hoạt động hết công suất. Còn hiện tại chỉ khoảng 300 công nhân đang làm việc, do phải thực hiện nghiêm quyđđịnh giãn cách”.
Nhằm tháo gỡ những khó khăn trên, ông Nghĩa nêu giải pháp: Đơn vị cũng đã chủ động xây dựng kịch bản đảm bảo an toàn cho người lao động bằng cách thực hiện giãn cách, chia ca để công nhân làm việc, đồng thời có biện pháp hỗ trợ họ trong khi dịch đang diễn biến phức tạp. Còn ông Thái Như Hiệp thì cho hay: Mục tiêu của đơn vị là phải duy trì sản xuất, nhưng đảm bảo tuyệt đối an toàn phòng dịch. Lúc này, doanh nghiệp và người lao động phải gắn bó với nhau hơn, cùng chia sẻ khó khăn vượt qua cơn đại dịch.
Tỉnh cũng đã kịp thời nắm bắt và chỉ đạo các sở, ngành, địa phương chủ động đưa ra phương án thích hợp, nhằm giúp doanh nghiệp, bà con nông dân vượt qua khó khăn, đảm bảo hoạt động sản xuất và xuất khẩu. Ông Đoàn Ngọc Có khẳng định: Bằng mọi giá phải tìm ra biện pháp hiệu quả nhất, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất và xuất khẩu của các doanh nghiệp, cũng là tạo điều kiện cho bà con nông dân trong việc thu hoạch và tiêu thụ nông sản, tránh tổn thất lớn cho người dân. “Hiện tại, hệ thống kho bãi của các đơn vị đang đảm bảo để dự trữ hàng tồn. Tuy nhiên, hệ thống chế biến trên địa bàn tỉnh phải khắc phục khó khăn, tăng cường hoạt động một cách an toàn để đảm bảo thu mua và chế biến hết nông sản cho nông dân”-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT thông tin.