CÀ PHÊ

Chuỗi cà phê có gì hấp dẫn mà từ đại gia bán lẻ đến bất động sản cũng muốn nhảy vào?

Cập nhật ngày: 14 | 07 | 2021

(danviet.vn)_Dù Covid-19 tác động mạnh các ngành nghề nhưng nhiều doanh nghiệp lớn về bán lẻ, hàng tiêu dùng, đến bất động sản cũng muốn nhảy vào kinh doanh chuỗi cà phê. Chuỗi cà phê có gì hấp dẫn?

Chuỗi cà phê Gloria Jean's Coffees đã quay lại Việt Nam sau 4 năm vắng bóng. Cửa hàng đầu tiên của thương hiệu này nằm tại góc đường Pasteur - Lê Lợi (quận 1, TP.HCM). Cửa hàng đang chờ tình hình dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, TP.HCM dỡ giãn cách xã hội sẽ chính thức hoạt động.

Nhiều đại gia muốn nhảy vào chuỗi cà phê

Trở lại Việt Nam, thương hiệu cà phê của Australia Gloria Jean's Coffees vận hành theo hình thức nhượng quyền như trước đây và doanh nghiệp đứng đằng sau chính là tập đoàn Nova của ông Bùi Thành Nhơn. Đại diện doanh nghiệp cũng xác nhận với Dân Việt về việc quản lý thương hiệu Gloria Jean's Coffees tại Việt Nam và chỉ chờ tình hình dịch bệnh được kiểm soát là mở cửa.

Chuỗi cà phê có gì hấp dẫn mà đại gia bán lẻ đến bất động sản cũng muốn nhảy vào? - Ảnh 1.

Cửa hàng Gloria Jean's Coffees do Tập đoàn Nova quản lý chờ ngày khai trương tại TP.HCM. Ảnh: Hồng Phúc.

Từ năm ngoái, Nova đã đưa thương hiệu Nova F&B chuyên cung cấp dịch vụ ẩm thực, dịch vụ quản lý và vận hành các thương hiệu đẳng cấp quốc tế trong lĩnh vực F&B vào các dự án do tập đoàn phát triển.

Vừa tuyên bố ra mắt, Nova đã cho thấy doanh nghiệp rất kỳ vọng với chuỗi cà phê, khi đưa ra một loạt danh mục các thương hiệu chuỗi cà phê đang được Nova F&B quản lý, gồm: Saigon Casa, cà phê Phin Deli, Mojo Coffee, Cà phê Cô Ba… và trong đó có cả Gloria Jean's Coffees.

CEO Nova Consumer Tôn Thất Đề khẳng định: "Mấy năm qua, nhiều thương vụ M&A đã được ký kết, Nova đã đầu tư hơn 200 triệu USD, và sẽ còn tiếp tục đầu tư nhiều hơn thế nữa để quy tụ nhiều thương hiệu".Mới đây, Nova cũng chính thức tuyên bố tham gia vào ngành hàng tiêu dùng: Nova Consumer Group, sẽ trở thành một thành viên mới của tập đoàn, hoạt động trong mảng thực phẩm, thức uống, dinh dưỡng.

Đầu tháng 6, doanh nhân Trần Lệ Nguyên - Chủ tịch HĐQT Kido cũng tuyên bố tham gia vào chuỗi cà phê với thương hiệu Chuk Chuk. 

Ngoài bán cà phê, chuỗi này còn kinh doanh thêm kem, trà sữa vốn là thế mạnh của Kido và được nhiều người trẻ yêu thích. Trước mắt, năm 2021, Kido đặt mục tiêu phát triển hệ thống cửa hàng, ki-ốt và xe đẩy bán cà phê bao phủ khắp TP.HCM. Mục tiêu, đến cuối năm 2025, Chuk Chuk có 1.000 điểm bán.

Song song phát triển thị trường trong nước, ông Trần Lệ Nguyên còn có ý định đưa thương hiệu này ra nước ngoài. Cụ thể, giai đoạn 2021-2023, Chuk Chuk sẽ kết hợp với một số đối tác nước ngoài để mở rộng sang các nước châu Á.

Trước Kido chỉ khoảng nửa tháng, một công ty con của tập đoàn Masan đã chi 15 triệu USD mua 20% cổ phần doanh nghiệp sở hữu chuỗi trà và cà phê Phúc Long. Ngay lập tức, Masan đưa Phúc Long vào các cửa hàng VinMart+ để thử nghiệm và cho biết sẽ nhanh chóng mở độ phủ cho thương hiệu này.

Chuỗi cà phê có gì hấp dẫn mà đại gia nào cũng muốn vào?

Quy mô thị trường F&B (thực phẩm và đồ uống) tại Việt Nam được đánh giá rất tiềm năng. Theo đánh giá của Euromonitor, thị trường chuỗi cà phê và trà tại Việt Nam có quy mô khoảng 1 tỷ USD mỗi năm, nhưng vẫn chưa có đơn vị nào giành thị phần áp đảo, các thương hiệu hàng đầu hiện nay cũng chỉ chưa chiếm đến 20%. 

Đáng chú ý, dường như chuỗi F&B thời gian qua "miễn nhiễm" với Covid-19. Báo cáo của Euromonitor, BMI Research cho biết doanh thu toàn thị trường F&B đạt khoảng 30 tỷ USD trong năm 2020. Đáng chú ý, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 ảnh hưởng sức mua toàn thị trường, các ngành hàng khác tăng trưởng âm, thì ngành F&B đã có tốc độ phục hồi khả quan, tăng đến 9% trong những tháng đầu năm 2021.

Chuỗi cà phê có gì hấp dẫn mà đại gia bán lẻ đến bất động sản cũng muốn nhảy vào? - Ảnh 3.

Masan muốn có 1.000 ki-ốt bán trà và cà phê Phúc Long sau một năm gia nhập thị trường. Ảnh: V.M.

Còn thống kê quý IV/2020 của CBRE Việt Nam nhận thấy số lượng chuỗi cà phê vẫn đạt mức tăng trưởng hơn 10% trong năm 2020. Giai đoạn 2019-2020, chuỗi cà phê cũng là ngành duy nhất trong lĩnh vực F&B có mức tăng trưởng dương.

Theo Euromonitor, thu nhập bình quân đầu người (GDP) của người Việt đã gia tăng một cách đáng kể, tốc độ đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ dẫn đến thị hiếu và sở thích của người dân đối với đồ ăn và thức uống cũng có sự dịch chuyển theo hướng tích cực. 

Các chuyên gia cho rằng chuỗi cà phê còn rất hấp dẫn, đặc biệt, khoảng trống thị trường chuỗi còn khá lớn cho những tay chơi mới. Đó cũng là lý do nhiều "ông lớn" dù là tay chơi mới nhưng đặt rất nhiều tham vọng, thậm chí phát triển thần tốc để "lấn lướt" những tên tuổi cũ đang có trên thị trường.

Ông Trần Lệ Nguyên cho biết dù đi sau nhưng chuỗi cà phê, kem của doanh nghiệp sẽ khác biệt. Do đó, ông tự tin sẽ mở rộng được chuỗi một cách nhanh chóng. Doanh thu dự kiến năm 2023 hơn 1.200 tỷ đồng, đến năm 2025 sẽ mang về 7.800 tỷ đồng và trở thành thương hiệu dẫn đầu thị trường F&B về độ phủ lẫn độ yêu thích của khách hàng.

Với lợi thế có hàng nghìn điểm bán VinMart+, Tổng giám đốc Vincommerce Trương Công Thắng khẳng định Masan muốn có 1.000 ki-ốt bán trà và cà phê Phúc Long sau một năm gia nhập thị trường. Đến năm 2025, chuỗi thực phẩm và đồ uống sẽ đóng góp 500 triệu USD vào doanh thu The CrownX (doanh nghiệp đang quản lý Vincommerce và Masan Consumer).

Tuy nhiên, thực tế, "cuộc chiến" chuỗi cà phê dường như không dễ chinh phục bởi các thương hiệu nổi bật nhất thị trường hiện nay là Highlands Coffee, The Coffee House, Starbuck Việt Nam, Trung Nguyên… vẫn đang chật vật trong cuộc cạnh tranh khốc liệt. Số lượng điểm bán của mỗi chuỗi vẫn loay hoay ở con số từ vài chục đến vài trăm. Đó là chưa kể hàng loạt đại gia cà phê ngoại cũng phải tháo chạy chỉ sau vài năm đặt chân vào thị trường Việt Nam.