CÀ PHÊ

Các nhà nhập khẩu cà phê không muốn ký hợp đồng theo điều kiện giao hàng FOB

Cập nhật ngày: 28 | 06 | 2021

(Vietnambiz.vn)_Trong bối cảnh giá cước vận tải biển tăng cao, cả người bán và người mua đều không muốn chi trả cước phí vận chuyển trong các hợp đồng giao dịch cà phê.
 

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong tháng 5 đạt xấp xỉ cùng kỳ năm ngoái nhưng giảm 1,4% so với tháng trước đó, đạt 130,3 nghìn tấn.

Tính chung 5 tháng đầu năm, xuất khẩu cà phê đạt 715,3 nghìn tấn, trị giá 1,3 tỷ USD, so với cùng kỳ năm ngoái giảm 12% về lượng và giảm 5,3% về trị giá. Đáng chú ý, đây là khối lượng xuất khẩu thấp nhất kể từ năm 2016 đến nay.

Mặc dù khối lượng giảm nhưng giá xuất khẩu cà phê trong 5 tháng đầu năm đã tăng 7,6% so với cùng kỳ năm 2020, đạt trung bình 1.816 USD/tấn. Tính riêng tháng 5 giá xuất khẩu trung bình đạt 1.869 USD/tấn, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm trước.

Xuất khẩu cà phê của Việt Nam giảm trong 5 tháng đầu năm nay chủ yếu là do ảnh hưởng của dịch COVID-19 đến sức tiêu thụ cà phê toàn cầu, trong khi tình trạng thiếu container rỗng và giá cước vận tải biển tăng cao cũng ảnh hưởng không nhỏ đến xuất khẩu cà phê, đặc biệt là các chuyến hàng đi Mỹ và châu Âu – 2 thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam.

Theo phản ánh của các doanh nghiệp trong ngành cà phê, việc cước vận tải biển đi Mỹ và châu Âu tăng 4-5 lần lên mức kỷ lục hơn 10.000 USD trong thời gian qua đã ảnh hưởng rất lớn đến các giao dịch mặt hàng này.

Từ đầu năm đến nay, lượng cà phê xuất khẩu theo điều kiện giao hàng FOB đã giảm hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Trước đây, điều kiện giao hàng FOB chiếm khoảng 90% tổng khối lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam nhưng nay con số này giảm xuống còn khoảng 80%.

Thay vào đó, nhiều đối tác yêu cầu ký kết các đơn hàng theo điều kiện giao hàng CPT và DAP, với điểm chung là bên bán phải chịu toàn bộ cước phí vận chuyển và bảo hiểm. Đây là bài toán khó cho các doanh nghiệp xuất khẩu bởi nếu chấp nhận bán theo hình thức này phải chịu thêm giá cước vận chuyển cao ngất ngưởng.

Ước tính mỗi tấn cà phê từ các cảng biển Việt Nam đi châu Âu phải cõng chi phí từ 350-370 USD/tấn, so với trước đây chừng 50-80 USD/tấn. Chi phí vận tải, lưu kho, tài chính, hao hụt tự nhiên… mỗi lúc một cao, đẩy giá đầu vào lên không ngừng. Cả nhà nhập khẩu và xuất khẩu đều trong tình trạng lưỡng lự đưa hàng vào lưu thông.

Đại diện Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam cho rằng, để hạn chế rủi ro vì giá cước vận tải tăng, các doanh nghiệp xuất khẩu nên xem xét chuyển sang hình thức xuất khẩu FOB (giá giao tại cảng xuất), thay vì chọn hình thức chịu chi phí giao hàng tận nơi. Cơ quan chức năng cũng cần làm việc với các hãng tàu để thúc đẩy giá cước phù hợp, hạ hoặc cắt giảm các khoản phí tại cảng lớn TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng…

Các nhà nhập khẩu cà phê không muốn ký hợp đồng theo  điều kiện giao hàng FOB - Ảnh 1.

Số liệu từ Tổng cục Hải quan Việt Nam. (Biểu đồ Hoàng Hiệp)

Trong 5 tháng đầu năm nay, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang EU - thị trường xuất khẩu cà phê lớn nhất của Việt Nam đã giảm 28,9% (tương ứng gần 100 nghìn tấn) so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 244,8 nghìn tấn.

Hiện thị trường EU đang chiếm 34,2% thị phần trong tổng xuất khẩu cà phê của Việt Nam. Trong đó, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang nhiều thị trường lớn trong khối này như Đức, Italia, Tây Ban Nha, Bỉ, Pháp, Ba Lan đều giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.

Tương tự, xuất khẩu cà phê sang thị trường lớn thứ hai là Mỹ cũng giảm 24,7% (17 nghìn tấn) so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 52 nghìn tấn.

Ngoài ra, lượng cà phê xuất khẩu sang một số thị trường khác cũng giảm trong 5 tháng đầu năm nay như: Nhật Bản giảm 24,7%, Nga giảm 9,9%, Philippines giảm 21,2%...

Trong khi đó, Brazil với lợi thế về mặt địa lý và không gặp nhiều vấn đề về cước vận chuyển đã trở thành nguồn cung thay thế cà phê Việt Nam tại châu Âu và Mỹ.

Theo Hiệp hội Xuất khẩu cà phê Brazil (Cecafe), xuất khẩu cà phê Brazil trong 5 tháng đầu năm 2021 đạt hơn 17,7 triệu bao (60 kg/bao), tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, xuất khẩu sang châu Âu tăng 2,1% với sự gia tăng của thị trường Đức (+6,7%), Bỉ (+11,1%), Pháp (+13,3%), đồng thời xuất khẩu cà phê của Brazil sang thị trường Mỹ và Nhật Bản cũng tăng 2,2% và 15,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Xuất khẩu cà phê của nhà cung cấp lớn khác tại Nam Mỹ là Colombia cũng tăng 7% trong 5 tháng đầu năm, đạt 4,9 triệu bao. Đáng chú ý, lượng cà phê xuất khẩu của Colombia sang Mỹ, Đức, Nhật Bản, Canada… đều tăng trong cùng kỳ.

Tiêu thụ cà phê toàn cầu đang tăng trở lại song xuất khẩu vẫn còn nhiều hạn chế.

Tiêu thụ cà phê toàn cầu đang có triển vọng khả quan hơn sau khi Mỹ và nhiều nước châu Âu nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch COVID-19, qua đó hỗ trợ giá cà phê tăng lên. 

Tuy vậy, tình trạng thiếu container rỗng trên các chuyến tàu từ châu Á sang châu Âu và Mỹ vẫn rất nghiêm trọng. Các hãng vận tải đang trong tình trạng quá tải đặt chỗ và hàng hóa vận chuyển đang bị chậm trễ do hạn chế về năng lực vận chuyển trước nhu cầu tăng cao. Tình trạng này dự báo sẽ tiếp tục kéo dài trong những tháng tới.

Theo Cục xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương, niên vụ cà phê 202/21 chỉ còn 4 tháng xuất khẩu, nhưng ách tắc trong lưu thông đã làm trì trệ hoạt động thông quan mặt hàng. Trong khi đó, mùa mưa đã bắt đầu, người dân cần tiền mặt để trang trải chi phí cho vụ mùa mới.

Giá cà phê tại thị trường nội địa từ cuối tháng 5 đến nay có nhiều biến động. Cụ thể, từ ngày 20/5 đến ngày 5/6, giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên đã tăng 2.000 – 2.200 đồng/kg lên mức 34.500 – 35.000 đồng/kg.

Tuy nhiên, sau đó có sự điều chỉnh giảm nhẹ và tính đến ngày 21/6 giá cà phê tại thị trường nội địa đã giảm 200 – 300 đồng/kg so với ngày 5/6, xuống còn 33.500 - 34.700 đồng/kg.

Các nhà nhập khẩu cà phê không muốn ký hợp đồng theo  điều kiện giao hàng FOB - Ảnh 2.

Nguồn: tintaynguyen. (Biểu đồ: Hoàng Hiệp)

Các doanh nghiệp đã làm gì để vượt qua khó khăn?

Do gặp khó khăn trong xuất khẩu cà phê sang Mỹ và châu Âu, các doanh nghiệp đã chuyển hướng sang một số thị trường tiềm năng tại khu vực châu Á và kết quả mang lại hết sức tích cực.

Chỉ trong 5 tháng đầu năm nay, lượng cà phê xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc đã tăng mạnh 61,1% so với cùng kỳ năm 2020; sang thị trường Malaysia tăng 15%; Hàn Quốc tăng 2,8%; Indonesia tăng 85,6%; Nhật Bản tăng 1,5%...

Cùng với đó, xuất khẩu cà phê chế biến cũng đang được đẩy mạnh thay cho cà phê nhân.

Số liệu của Cục xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương cho thấy, trong 4 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu cà phê chế biến đã tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Ngược lại kim ngạch xuất khẩu cà phê nhân robusta, arabica, cà phê chồn giảm lần lượt 9,1%, 14,6% và 7,8%.

Không chỉ thay đổi trong chiến lược xuất khẩu, thị trường nội địa cũng được các nhà kinh doanh cà phê đặc biệt quan tâm.

Theo Hiệp hội Cà phê Việt Nam (VICOFA), lượng cà phê tiêu thụ trên thị trường nội địa đang tăng và hiện chiếm khoảng trên 10% sản lượng cà phê cả nước. Tiêu thụ nội địa tăng lên nhờ trên thị trường trong nước có sự xuất hiện của rất nhiều thương hiệu Việt và chuỗi cung ứng quốc tế đến từ các công ty trong ngành.

Còn theo Tạp chí Nhịp Cầu Đầu Tư, thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp đã tích cực tham gia hoạt động mua bán và mở rộng hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực cà phê.

Điều này đang tạo ra một cuộc cạnh tranh "khốc liệt" trong thị trường cà phê Việt Nam. Cụ thể, Masan vừa bỏ ra 15 triệu USD mua 20% cổ phần của Phúc Long, Novaland mua cà phê PhinDeli, hay gần đây Tập đoàn Kido cũng đánh tiếng đang nghiên cứu có thể tham gia thị trường cà phê… Vinamilk cũng ra mắt thị trường thương hiệu Hi-Café từ giữa năm ngoái. 

Những doanh nghiệp cà phê này sẽ tham gia thị trường cùng cạnh tranh với Starbucks, Highlands, Trung Nguyên...

Hiện Phúc Long có xấp xỉ 80 hệ thống trên toàn quốc, chủ yếu ở TP.HCM (59 tiệm), và Hà Nội (9 tiệm). Sau khi về tay Masan, Phúc Long dự tính mở rộng mô hình này ra hàng ngàn điểm bán ở TP.HCM và cả nước. 

Masan có khoảng 2.200 cửa hàng Vinmart+ trên toàn quốc, và đó sẽ một thế lực đáng gờm.

Năm ngoái, người Việt chi khoảng 53.000 tỉ đồng uống trà và cà phê, mỗi năm tốc độ tăng trưởng khoảng 10%, là một con số cực kỳ hấp dẫn.

"Hiện người Việt đã sẵn sàng chi trả 90.000 đồng/ly cà phê, tâm lý này thay đổi rõ so với vài năm trước, khi Starbucks vừa vào thị trường Việt Nam", bà Patricia Marques, CEO Stacrbuck Việt Nam, nói về thời gian sau hơn 7 năm có mặt ở thị trường Việt Nam. 

Trên một thị trường cà phê và trà trị giá khoảng 2,3 tỉ USD tại Việt Nam, Starbucks được coi là định vị ở phân khúc cao cấp bên cạnh The Coffee Bean and Tea Leaf…

Cuộc chiến cà phê có thể sẽ còn khốc liệt hơn trong thời gian tới, ở cả những thương hiệu lớn, phân khúc cao cấp đến những thương hiệu nhỏ, mới ra đời hay còn là cuộc cạnh tranh giữa trường phái truyền thống và hiện đại.

Cuộc chơi thị trường nội địa ngày một mở rộng, các doanh nghiệp sản xuất chế biến cà phê xuất khẩu tại Việt Nam cũng nhanh chóng nhận định được xu hướng thị trường. 

Những thay đổi trong phong cách tiêu dùng nhanh được hình thành rõ nét hơn, sự yêu thích cà phê cũng phổ biến góp phần thúc đẩy các ngành sản xuất, chế biến thực phẩm bánh kẹo, nước giải khát, công nghiệp mỹ phẩm, dược phẩm,… khác liên quan đến cà phê.