Theo Nhịp sống doanh nghiệp
Trong 3 cường quốc xuất khẩu gạo gồm Thái Lan, Việt Nam và Ấn Độ thì giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đang cao nhất; cao hơn gạo Thái từ 15 - 20 USD/tấn và cao hơn gạo Ấn Độ đến cả 100 USD/tấn.
Trong lịch sử 30 năm xuất khẩu lần đầu tiên giá gạo Việt Nam cao hơn gạo Thái Lan từ 15 - 20 USD/tấn, và năm 2020 có nhiều khả năng lượng gạo xuất khẩu của ta cũng sẽ vượt Thái Lan. Đây là lần thứ 2 Việt Nam vươn lên vị trí số 1 thế giới về xuất khẩu gạo (lần 1 vào tháng 10/2012).
Theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, tháng 7/2020, xuất khẩu gạo ước đạt 376 ngàn tấn, kim ngạch đạt 182,34 triệu USD, cộng dồn 7 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu đạt 3,9 triệu tấn gạo, trị giá 1,9 tỷ USD, tăng 10,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.
LỰC HÚT TỪ CHÂU PHI VÀ PHILIPPINES, CẦU TIỀM NĂNG TỪ TRUNG QUỐC
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), loại gạo 5% tấm Việt Nam đang chào bán từ 478 – 482 USD/tấn, gạo loại 25% tấm giá từ 458 – 462 USD/tấn. Trong khi đó, gạo 5% tấm Thái Lan có giá từ 463 – 467 USD/tấn, loại 25% tấm giá 444 – 448 USD/tấn; gạo Ấn Độ loại 5% tấm giá từ 378 – 382 USD/tấn, loại gạo 25% tấm giá 348 – 352 USD/tấn. Như vậy, giá gạo Việt Nam đang cao nhất.
Thị trường gạo xuất khẩu đang rất sôi động do châu Phi và Philippines đang tăng cường nhập khẩu gạo từ Việt Nam, đã kéo giá lúa gạo ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tăng mạnh và đang ổn định ở mức tháng cao, trên 5.000 đồng/kg lúa thường và trên 6.000 đồng/kg lúa chất lượng cao, nhờ vậy, lợi nhuận của người nông dân đã được tăng thêm.
Ông Trần Tuấn Kiệt, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH TM - DV XNK Dung Nam cho biết, thương nhân Philippines được Chính phủ Philippines cấp quota nhập khẩu gạo và họ đang tăng cường mua gạo Việt Nam, thị trường châu Phi cũng đang tăng mua gạo Việt Nam, vì vậy, nhiều doanh nghiệp đang cung ứng cho các tập đoàn đa quốc gia kinh doanh gạo có mạng lưới toàn cầu như Louis Dreyfus, Olam International, Golden Grain...
“Từ khi Chính phủ cho phép xuất khẩu gạo bình thường trở lại thì thị trường rất trầm lắng, nhưng từ ngày 15/7 đến nay thị trường đã sôi động trở lại. Dự đoán, thị trường sẽ vẫn sôi động cho đến hết tháng 8, vì ngoài các thương nhân Philippines đang mua gạo thì rất nhiều tàu của các tập đoàn đa quốc gia đang cập cảng TP.HCM chờ lấy hàng đi châu Phi.
Bên cạnh đó, nhiều diện tích trồng lúa của Trung Quốc bị thiệt hại nặng nề do thiên tai lũ lụt. Nhiều nguồn tin cho biết, sắp tới đây rất có thể Trung Quốc sẽ đàm phán với Việt Nam để nhập khẩu gạo với khối lượng lớn.
Trước những nhu cầu cao của các nước dự báo giá lúa gạo của Việt Nam từ đây đến cuối năm 2020 sẽ vẫn còn duy trì ở mức cao”, ông Kiệt cho biết.
LỢI ÍCH ĐANG LAN TỎA
Nhu cầu thị trường tăng mạnh cũng đẩy giá gạo trong nước lên cao. Hiện gạo IR 50404 loại 5% tấm đang giao dịch ở mức 470 USD - 480 USD/tấn, có thể xem là mức giá cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây.
Cụ thể, vụ lúa Hè Thu năm 2015, gạo 5% tấm có giá 345 - 355 USD/tấn, 25% tấm giá 325 – 335 USD/tấn. Gạo 5% tấm của Thái Lan giá 380 – 390 USD/tấn, còn gạo 25% tấm có giá từ 350 – 360 USD/tấn. Gạo 5% tấm của Ấn Độ dao động từ 380 – 390 USD/tấn, gạo 25% tấm có giá từ 350 – 360 USD/tấn.
Ông Kiệt cho biết Công ty Dung Nam đang ký bán gạo OM 5451 loại 5% tấm giá 520 USD/tấn, và dự báo gạo IR 50404, loại 5% tấm sẽ duy trì ở mức từ 450 - 460 USD/tấn. Hiện giá gạo thơm các loại cũng đang dao động từ 530 - 570 USD/tấn, riêng gạo Jasmine có giá bán từ 570 - 580 USD/tấn.
Các loại gạo trắng hạt dài như OM 6976, OM 5451... các doanh nghiệp xuất khẩu chào bán giá 520 USD/tấn và khách hàng cũng đã đồng ý mua với mức giá này. Như vậy gạo trắng hạt dài loại 5% tấm đã tăng lên gần 100 USD so với mấy tháng trước.
Giá gạo trên thị trường lên cao tốt cho doanh nghiệp đang đàm phán hợp đồng mới, nhưng với những doanh nghiệp lỡ ký hợp đồng giá thấp lại gặp không ít khó khăn.
Các hợp đồng đi châu Phi, Philippines, Malaysia… đã ký trước có giá thấp nên sau khi giao hàng xong nhà nhập khẩu sẽ tạo điều kiện để doanh nghiệp ký các hợp đồng sau có giá tốt hơn coi như “bù lỗ”.
“Với tình hình gạo xuất khẩu như hiện nay thì người nông dân, thương lái và nhà máy xay xát lau bóng gạo đều có lợi nhuận tốt, nhưng đối với doanh nghiệp do thời gian gạo nằm cảng hết một tháng bị tốn nhiều chi phí, các hợp đồng xuất khẩu bị ngưng nên có phần bị thiệt thòi, bây giờ họ phục hồi lại được là may mắn rồi, nếu không năm nay các doanh nghiệp gạo thắng lớn. Riêng những doanh nghiệp lỡ ký bán cho Malaysia gạo 5% tấm giá 335 - 340 USD/tấn đang bị chịu lỗ gần 200 USD/tấn”, ông Kiệt chia sẻ.
Cao điểm năm 2012, khối lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam từng bứt phá mạnh mẽ với kỷ lục xuất khẩu đạt 7,72 triệu tấn gạo. Tính đến 31/10/2012, Việt Nam đã trở thành nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, mặc dù năm 2012, được dự báo là năm xuất khẩu gạo đầy khó khăn, bởi sự cạnh tranh rất gay gắt của các nước xuất khẩu gạo khác như: Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan, Myanmar.
|