Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 15/4, cả nước gieo cấy được hơn 3 triệu ha lúa đông xuân, bằng 96,8% cùng kì năm trước.
Cụ thể tại các địa phương phía Nam, diện tích xuống giống lúa đông xuân đạt hơn 1,9 triệu ha, bằng 95,9% cùng kì năm trước do ảnh hưởng của hạn hán và xâm nhập mặn, trong đó vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt hơn 1,54 triệu ha, giảm 58.000 ha do chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Đến trung tuần tháng 4, các địa phương phía Nam đã thu hoạch được gần 1,68 triệu ha lúa đông xuân, chiếm 87,3% diện tích xuống giống và bằng 97,6% cùng kì năm trước, trong đó vùng Đồng bằng sông Cửu Long thu hoạch hơn 1,48 triệu ha, chiếm 96,2% và bằng 97,2%.
Theo báo cáo sơ bộ của các địa phương, năng suất lúa đông xuân vùng Đồng bằng sông Cửu Long năm nay ước đạt 68,2 tạ/ha, tăng 0,4 tạ/ha so với vụ đông xuân trước; sản lượng đạt 10,55 triệu tấn, giảm 329.800 tấn.
Trên những diện tích lúa đông xuân đã thu hoạch, các địa phương tiến hành vệ sinh đồng ruộng, cày ải, phơi đất để xuống giống vụ hè thu.
Tính đến ngày 15/4, các địa phương phía Nam gieo sạ được 602.200 ha lúa hè thu, bằng 96,8% cùng kì năm trước, trong đó vùng Đồng bằng sông Cửu Long đạt 589.800 ha, bằng 96,8%.
Tiến độ gieo trồng lúa hè thu năm nay chậm hơn cùng kì năm 2019 do ảnh hưởng của hạn hán và xâm nhập mặn.
Hiện nay, lúa hè thu đang ở giai đoạn mạ đến làm đòng. Các địa phương phía Nam đang bước vào cao điểm mùa khô hạn, do đó ngành nông nghiệp cần khuyến cáo các địa phương áp dụng kĩ thuật canh tác để hạn chế tác động của khô hạn đến sản xuất.
Đồng thời bảo đảm nguồn nước tưới cho cây lúa, rà soát cơ cấu mùa vụ và điều chỉnh thời vụ gieo trồng đảm bảo khung thời vụ tốt nhất cho vụ tiếp theo.
Tại các địa phương phía Bắc gieo cấy lúa đông xuân đạt gần 1,1 triệu ha, bằng 98,5% cùng kì năm trước, trong đó vùng Đồng bằng sông Hồng đạt 502.100 ha, bằng 97,5%, giảm 12.700 ha do một số địa phương chuyển đổi cơ cấu sản xuất và mục đích sử dụng đất.
Hiện nay, lúa đông xuân tại các địa phương phía Bắc sinh trưởng và phát triển tốt, đang trong giai đoạn làm đòng, chuẩn bị trổ bông, tuy nhiên độ ẩm cao, mưa nắng xen kẽ nên sâu bệnh dễ phát sinh.
Do đó, ngành nông nghiệp cần tập trung khoanh vùng khống chế dịch bệnh và tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, tăng cường kiểm tra đồng ruộng để tránh lây lan trên diện rộng.
Theo Kinh tế & Tiêu dùng