Theo ông Charoen Laothamatas, Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan, chính phủ nên tính đến toàn bộ ngành công nghiệp gạo Thái Lan, không chỉ là giá lúa.
"Các giải pháp tốt nhất sẽ phục vụ toàn bộ ngành gạo," ông Charoen nói. "Giá gạo chủ yếu phụ thuộc vào nhu cầu. Thái Lan nên thúc đẩy sản xuất gạo phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng".
Ông kêu gọi chính phủ cởi mở với ý kiến từ tất cả bên liên quan, có thể là nông dân, nhà xuất khẩu, nhà xay xát hoặc nhà đóng gói gạo.
Các bên liên quan sẽ đưa ra những đề xuất cho chính sách phát triển lúa gạo của đất nước để mang lại lợi ích cho cả người chơi thượng nguồn và hạ nguồn.
Trong ngắn hạn, các nhà xuất khẩu đồng ý về chính sách bảo đảm thu nhập để giúp đỡ nông dân vì đây được coi là một phương pháp tốt, sử dụng ít ngân sách và gây thiệt hại tối thiểu so với kế hoạch cam kết lúa gạo của chính phủ cũ.
Tuy nhiên, việc bảo đảm thu nhập nên được đưa ra ở mức phù hợp để ngăn chặn nông dân làm ăn thua lỗ, trong khi qui trình đăng kí của người nông dân nên nghiêm ngặt để tránh tham nhũng, ông Charoen nói.
Giá được bảo đảm không nên cao hơn giá thị trường quá nhiều, vì điều này sẽ thúc đẩy nông dân đẩy mạnh trồng lúa và cuối cùng dẫn đến tình trạng thừa cung.
Chính phủ cũng nên giúp giải quyết các chi phí quản lí hiện có như chi phí đóng gói, xử lí và hậu cần, vốn đang quá cao so với các đối thủ cạnh tranh.
Trong trung hạn, chính sách gạo nên tập trung vào phát triển hạt giống lúa để giảm chi phí sản xuất và phục vụ nhu cầu thị trường, theo ông Charoen.
Chính phủ nên tổ chức các cuộc đàm phán và hợp tác với tất cả bên liên quan để phát triển giống lúa, trong khi các dự án megafarm (trang trại siêu lớn) nên tiếp tục nhưng được những người có kiến thức và các chuyên gia về gạo giám sát, chứ không phải bởi kamnans (trưởng làng phụ) hoặc trưởng làng.
Về dài hạn, Thái Lan cần có kế hoạch phát triển lúa gạo trong 20 năm để định hướng phát triển ngành. Kế hoạch dài hạn sẽ gồm sản xuất, phân vùng lúa, phát triển hệ thống thủy lợi và phát triển hạt giống lúa, ông Charoen nói.
"Một hướng đi rõ ràng rất quan trọng cho sự phát triển ngành lúa gạo", ông nhận định. "Hiện nay, công suất xay xát của Thái Lan lên tới 120 triệu tấn một năm, trong khi sản lượng lúa gạo chỉ đạt trung bình 32 triệu tấn. Đây được coi là một sự lãng phí tài nguyên".
Bản thân các nhà xuất khẩu gạo hiện giao dịch chủ yếu bằng cách tiếp cận đầu cơ, trong khi thương mại gạo toàn cầu có đầy đủ các yếu tố rủi ro như biến động ngoại hối và cạnh tranh khốc liệt hơn.
Các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan cũng đang lo ngại về triển vọng ngành trong năm nay khi Trung Quốc dường như sẽ tăng cường vận chuyển gạo, đặc biệt là tới châu Phi, Theo Bangkok Post.
Trung Quốc sản xuất khoảng 120 triệu tấn gạo mỗi năm và có khả năng tăng xuất khẩu tới 3 triệu tấn ngũ cốc trong năm nay so với mức 1,5 - 2 triệu tấn năm ngoái, ông Chookiat Ophaswongse, Chủ tịch danh dự của Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan, cho biết.
Châu Phi hiện tại là một thị trường mục tiêu tiềm năng của Trung Quốc khi người tiêu dùng có thói quen ăn gạo cũ, ông nói.
Xuất khẩu gạo Thái Lan ảm đảm từ đầu năm khi không có các đơn đặt hàng mới, theo Reuters.
Theo Vietnambiz