Ngày 19/9 tại Cần Thơ, Thời báo Kinh tế Việt Nam phối hợp với các bộ ngành có liên quan tổ chức hội thảo phát triển chuỗi giá trị lúa gạo Việt Nam thường niên – năm 2019 với chủ đề "Đột phá công nghệ, nâng cao chất lượng, tăng hiệu quả sản xuất và tiêu thụ lúa gạo".
Lúa gạo là mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, với lượng gạo xuất khẩu dao động từ 4,9 - 7,7 triệu tấn/năm, giá trị xuất khẩu luôn đạt trên 2 tỷ USD/năm và đạt mức kỷ lục hơn 3 tỷ USD trong năm ngoái.
Hiện nay, Việt Nam xuất khẩu gạo lớn thứ 3 thế giới, chiếm khoảng 15% tổng lượng gạo xuất khẩu toàn thế giới, và có mặt tại khoảng 150 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Ứng dụng công nghệ tiên tiến trong bảo quản, chế biến là khâu xung yếu nhất trong chuỗi giá trị lúa gạo.
Những thành quả liên tiếp đạt được về kim ngạch xuất khẩu gạo trong những năm gần đây tới các thị trường truyền thống, cũng như năng lực mở rộng tiếp cận tới các thị trường mới, có tính khắt khe về tiêu chuẩn chất lượng như Mỹ, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản... đã tiếp tục khẳng định khả năng tăng trưởng và phát triển của hạt gạo Việt.
Tuy nhiên, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản suất, chế biến và bảo quản lúa gạo vẫn còn rất hạn chế đối với các doanh nghiệp sản xuất gạo trong nước. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng và giá thành của gạo Việt Nam so với giống gạo cùng loại của các quốc gia xuất khẩu gạo lớn như Thái Lan và Ấn Độ.
Sản xuất lúa gạo vùng ĐBSCL thường xuyên đối mặt với những rủi ro do thời tiết thất thường.
Ông Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam cho rằng: "Trong thời gian vừa qua có rất nhiều doanh nghiệp đã quan tâm đầu tư sản phẩm gạo của mình, tạo ra những sản phẩm đột phá có chất lượng cao.
Từ mẫu mã, hình thức, đóng gói... cũng như duy trì chất lượng gạo tốt, không bị biến chất trong quá trình bảo quản, lưu thông. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp tập trung xây dựng được thương hiệu như thế này chưa phải là nhiều so với tổng lượng gạo xuất khẩu đi".
Chính vì vậy, theo ông Nguyễn Hồng Sơn, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong bảo quản, chế biến hiện đang là khâu xung yếu nhất trong chuỗi giá trị lúa gạo Việt Nam. Vấn đề này cũng đã được xác định là cơ hội và tiềm năng phát triển mạnh cho những sáng kiến mang tính đột phá của ngành lúa gạo, của các doanh nghiệp là chủ thể của chuỗi sản xuất lúa gạo Việt Nam.
Theo Vietnambiz