Với danh tiếng ấy, người dân Thủ đô kháng chiến đang ra sức xây dựng và bảo vệ thương hiệu của loại gạo đặc sản mà thiên nhiên ưu ái ban tặng cho vùng đất chiến khu xưa.
Dẻo thơm hạt gạo quê hương
Lúa Bao thai vào Định Hóa từ đầu những năm 80 của thế kỷ trước với 2 dòng là Bao thai hồng và Bao thai trắng. Đến năm 1992, khi tỉnh Bắc Thái có quyết định 475 về việc thành lập và phát huy hiệu quả hoạt động, chuyển giao khoa học kỹ thuật ban đầu của lực lượng cán bộ khuyến nông thì bao thai chỉ còn một dòng là Bao thai lùn.
Giống bao thai lùn bén rễ và bám chặt trên đồng đất Định Hóa từ đó. Những chủ trương chuyển đổi cơ cấu, nâng cao tỷ lệ lúa lai ở Định Hóa được triển khai đồng bộ song lúa Bao thai lùn vẫn được người dân ưa chuộng sử dụng như một mối lương duyên gắn bó. Và rồi, gạo Bao thai Định Hóa được người dân khắp nơi biết đến với chất lượng trứ danh, riêng có.
Năm 2007, Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể gạo Bao thai Định Hóa - một sự ghi nhận, chứng minh cái lý của nông dân vùng ATK đã gìn giữ và phát huy giá trị của giống lúa đặc sản này.
So với các giống lúa mới hiện nay, Bao thai lùn có hạt tròn, mẩy, trắng, ăn dẻo thơm và dễ nấu. Vì vậy, ngoài làm lương thực ăn hàng ngày, gạo Bao thai còn là nguyên liệu để chế biến mì sợi, bánh đa, bánh cuốn, bánh phở, đặc biệt là nấu rượu.
Đồng bào Thái Nguyên cũng đặc biệt ưa chuộng hương vị của hạt gạo nếp Thầu Dầu tại quê lúa huyện Phú Bình.Gạo nếp Thầu Dầu đem đồ xôi, làm bánh, làm tương thì có vị ngọt, béo ngậy và thơm hương vô cùng. Cũng như giống Bao thai, lúa nếp Thầu Dầu dẻo, thơm đã được gieo cấy ở huyện Phú Bình từ nhiều đời nay, mặc cho vật đổi sao dời, cây lúa nếp Thầu Dầu bám chặt đồng đất quê lúa và ngày càng phát triển.
Phát triển chuỗi giá trị gạo địa phương
Khẳng định hiệu quả sản xuất là giá trị thu nhập trên một đơn vị canh tác, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Thái Nguyên đã phối hợp với Tổ chức OXFAM Việt Nam tổ chức thực hiện dự án 'Phát triển chuỗi giá trị gạo địa phương'. Lúa Bao Thai và Lúa nếp Thầu Dầu được chọn là 2 giống triển khai.
Ông Lương Văn Vượng (Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Thái Nguyên) cho biết, lúa Bao thai có nhược điểm là cây không ưa thâm canh, năng suất ổn định, thời gian sinh trưởng và phát triển kéo dài từ 140 - 145 ngày. Trong khi đó, lúa nếp Thầu Dầu do một thời gian dài không được thanh lọc nên giống lúa này đã bị thoái hóa và lẫn tạp nhiều.
Thực hiện Dự án, cơ quan triển khai đã tiến hành khảo sát, đánh giá tình hình sản xuất 2 giống lúa nói trên. Trên cơ sở nguyện vọng và nhu cầu của chính người dân, tổ hợp tác được thành lập, người dân được tập huấn học tập về sản xuất lúa và giống lúa theo quy trình sản xuất hạt giống cây trồng tự thụ phấn do Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thẩm định, Bộ Khoa học và Công nghệ công bố - với hình thức vừa học vừa thực hành, sau khóa học nông dân hiểu biệt và có thể tự gieo cấy được lúa để làm giống.
Bà Dương Thị Thành (xóm múc, xã Úc Kỳ huyện Phú Bình) cho biết, thông qua Dự án, phương thức sản xuất lúa của bà con đã được thay đổi, những tập quán canh tác truyền thống, lạc hậu được loại bỏ. Chính vì vậy, giá trị chất lượng của gạo lúa nếp Thầu Dầu ngày càng nâng cao.
Bà Hứa Thị Bình (xóm Nà Linh, xã Bảo Cường , huyện Định Hóa) cho biết, gia đình bà thực hiện sản xuất lúa theo đúng các yêu cầu của cán bộ tập huấn. Từ khâu chọn lựa giống, đến chăm sóc, thu hoạch và bảo quản. Trước kia, người nông dân quen phơi thóc ngoài đường, trong sân, nay phải dùng phên cót để phơi. Hiệu quả của phơi thóc trên phên cót sẽ giúp bảo quản thóc được lâu hơn và hạt gạo Bao thai không bị khô, mọt. Theo đó, thay đổi lớn nhất của việc áp dụng phương pháp mới là việc chọn lựa giống và thực hành sạch khi thu hoạch và bảo quản nông sản.
Kết quả, 100 hộ nông dân tham gia mô hình sản xuất lúa bền vững với các giống lúa bản địa có qui mô từ 2 - 5ha. Qua hạch toán, chi phí giảm từ 80.000 đồng - 90.000 đồng/sào; năng suất tăng 15 – 25 kg/sào. Đặc biệt, sản phẩm được kết nối với các thương lái tiêu thụ lúa gạo đã giúp nông dân tăng thu nhập trên cùng một diện tích là khoảng 148.000 đồng/ sào (lúa Bao Thai); lúa nếp Thầu Dầu là 156.000 đồng/sào. Sau vụ thu hoạch, nông dân đều bán hết sản phẩm.
Ông Lương Văn Vượng (Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và BVTV tỉh Thái Nguyên) cho biết, trên cơ sở được nâng cao năng lực sản xuất và hiệu quả nhìn thấy rõ, người dân mong muốn chương trình tiếp tục được nhân rộng. Có thể nói mục tiêu ban đầu của Dự án là phát triển một mô hình liên kết đã thành công. Góp phần phát triển chuỗi giá trị gạo địa phương và chuỗi sản xuất lúa giống được áp dụng bởi khu vực công và tư nhân như một giải pháp phù hợp nhằm mang lại lợi ích cho người sản xuất nhỏ, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số và phụ nữ nông dân tham gia trong chuỗi giá trị lúa gạo địa phương.
(Theo Nông nghiệp Việt Nam)