Theo Reuters, giá gạo 5% tấm của Ấn Độ đã tăng từ mức 369 - 372 USD/tấn của tuần trước lên 371 - 374 USD/tấn trong tuần này.
"Đồng rupee leo thang đã buộc chúng tôi phải tăng giá", một đại lý có trụ sở tại Mumbai cho biết.
Ấn Độ đã tăng giá thu mua lúa phổ biến mùa mới từ nông dân địa phương thêm 3,7%, bộ trưởng nông nghiệp Ấn Độ cho biết hôm 3/7.
Trong khi đó, các thương nhân ở nước láng giềng Bangladesh cho biết nước này đã không thành công trong việc kí kết những thỏa thuận mới kể từ khi lệnh cấm xuất khẩu gạo được dỡ bỏ vào tháng 5.
"Chúng tôi gần như không thể thực hiện bất kì thỏa thuận nào khi Ấn Độ có thể đưa ra mức giá cạnh tranh", một thương nhân có trụ sở tại Dhaka cho biết.
Bangladesh đã dỡ bỏ lệnh cấm duy trì trong thời gian dài, với mục tiêu bán tới 1,5 triệu tấn gạo để hỗ trợ nông dân địa phương sau khi giá gạo trong nước giảm mạnh.
Thứ Năm (4/7), quốc gia Nam Á đã kí một thỏa thuận với Trung Quốc, một trong số 9 thỏa thuận như vậy, theo đó Trung Quốc sẽ cung cấp 2.500 tấn gạo cho người tị nạn Rohingya ở Bangladesh.
Giá gạo xuất khẩu Việt Nam, Thái Lan đồng loạt giảm trong tuần này
Tại Việt Nam, giá gạo 5% tấm đã giảm xuống còn 330 - 335 USD/tấn vào thứ Năm (4/7), từ 340 - 345 USD của tuần trước, với một thương nhân ở TP HCM cho biết nguyên nhân là nguồn cung gia tăng vì vụ hè - thu đang được thu hoạch.
Một thương nhân khác cho biết xuất khẩu gạo Việt Nam sang Liên minh châu Âu (EU) có thể tăng một khi thỏa thuận thương mại tự do được kí giữa quốc gia Đông Nam Á và EU vào Chủ nhật (30/6) có hiệu lực.
"Tuy nhiên, xuất khẩu gạo Việt Nam sang EU vẫn sẽ gặp phải rào cản về kĩ thuật và cạnh tranh từ Thái Lan và Campuchia", thương nhân cho biết, và nói thêm khối đồng tiền chung châu Âu sẽ hạn chế lô hàng gạo từ Việt Nam ở mức 80.000 tấn mỗi năm.
Tương tự, giá gạo 5% tấm tại nhà xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới, Thái Lan, đã giảm xuống còn 395 - 413 USD/tấn vào hôm 4/7, từ mức 395 - 415 USD/tấn (FOB) của tuần trước.
"Giá gạo trong nước đã giảm do nhu cầu yế nhưng giá xuất khẩu vẫn cao do tỷ giá hối đoái", một thương nhân gạo có trụ sở tại Bangkok cho biết.
Đồng nội tệ mạnh đã làm cho gạo Thái Lan kém cạnh tranh hơn trên thị trường nước ngoài, các thương nhân cho biết.
"Nếu đồng baht vẫn mạnh thì chúng ta sẽ khó cạnh tranh với Việt Nam và Ấn Độ", một thương nhân khác ở Bangkok cho biết.
(Theo Vietnambiz)