Thứ trưởng Lê Quốc Doanh và đại diện phía Hiệp hội ngành hàng đều có chung nhận định, mặc dù càphê và hồ tiêu là những cây trồng chủ lực đem lại giá trị kim ngạch xuất khẩu tỉ “đô”, nhưng mối liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân trong sản xuất, chế biến vẫn lỏng lẻo, chưa thực sự gắn kết thành chuỗi nhằm tạo ra giá trị kinh tế, sức cạnh tranh cũng như nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu.
Điều đáng tiếc là trong chuỗi càphê, chúng ta chỉ thu được vài % lợi nhuận, còn lại nước ngoài hưởng, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh đặt vấn đề: Chế biến lãi nhiều sao doanh nghiệp ít đầu tư? Năm 2016, xuất khẩu càphê nhân nước ta đứng thứ hai thế giới với sản lượng 1,78 triệu tấn (đạt 3,34 tỉ USD), tăng 32,8% về lượng và 25% về giá trị. Nhưng giá trị xuất khẩu của càphê nước ta còn thấp, do chủ yếu xuất khẩu ở dạng nguyên liệu thô.
Theo Cục Trồng trọt, tỉ lệ càphê chế biến sâu vẫn còn rất khiêm tốn, chiếm chưa đến 10% sản lượng càphê cả nước. Và nếu bổ sung 32.000 tấn càphê chế biến của Nhà máy càphê hòa tan Tín Nghĩa trong năm 2017 thì theo ông Nguyễn Viết Vinh - Tổng thư ký Hiệp hội Càphê - Cacao Việt- tỉ lệ càphê chế biến sâu của Việt Nam là 12%. Đây là con số rất khiêm tốn.
Giải đáp về vấn đề này, ông Nguyễn Viết Vinh cho rằng, đầu tư một nhà máy chế biến cần lượng vốn lớn, nhưng việc tiêu thụ càphê ở trong nước ít và chịu áp lực cạnh tranh rất lớn của các doanh nghiệp FDI. Về thị trường, hiện doanh nghiệp chủ yếu mới xuất khẩu được sang tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), còn xuất sang Lào, Campuchia số lượng không đáng kể. Trong khi đó, tại Brazin, họ tiêu dùng trong nước tới 43%, Indonesia tiêu dùng 34-35%... Chính vì thế, theo ông Vinh, một trong những vấn đề trọng tâm của Hiệp hội Càphê - Cacao Việt Nam trong những năm tới là thúc đẩy chế biến và tiêu dùng càphê ở trong nước.
Cũng theo ông Vinh, 94,5% là người nông dân tham gia vào chuỗi càphê, nhưng 1ha của họ được 3-5 tấn thì bán lượng đó với giá trị gia tăng không đáng kể, nhưng thương lái, trung gian được thu lợi rất cao. Mua bán càphê qua thương lái có rất nhiều rủi ro về chất lượng. Vấn đề này đã được các doanh nghiệp trong hiệp hội họp bàn nhiều, nhưng các doanh nghiệp lớn đều bảo “không làm thế nào để thoái ra khỏi thương lái, trung gian, các đại lý được”.
Một nhược điểm nữa là mặc dù đã có tiêu chuẩn về càphê xuất khẩu, nhưng hiện các doanh nghiệp chỉ bán theo “thỏa thuận” về độ ẩm, hạt vỡ, tạo chất bao nhiêu % là chính, số tuân thủ theo tiêu chuẩn chỉ khoảng 1%. Điều này khiến càphê của Việt Nam bị trả giá thấp.
Trong khi đó, theo Cục Trồng trọt, trên 80% sản lượng cà phê được sơ chế bằng phương pháp chế biến khô tại hộ gia đình với sân phơi bạt, sân gạch, sân ximăng khiến chất lượng cà phê sơ chế tại nông hộ còn thấp. Đối với chế biến cà phê bột, các cơ sở chế biến có quy mô nhỏ với máy móc thiết bị chế tạo trong nước, chưa đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm và chất lượng sản phẩm. Việc pha trộn nguyên liệu thay thế chưa được kiểm soát dẫn đến chất lượng càphê bột còn hạn chế.
Theo Lao động