|
Nhiều vườn cà phê ở Đắk Lắk gặp hạn hán thiệt hại nặng những năm gần đây. |
Gây thiệt hại nặng
Là nhà nghiên cứu nông nghiệp nhiều năm, tiến sĩ Trương Hồng, quyền Viện trưởng Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây nguyên (WASI), theo dõi sát sao ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với các loại cây trồng trên vùng Tây nguyên. Theo ông Hồng, biến đổi khí hậu đã có tác động tiêu cực ngày càng tăng đối với cây cà phê. Biến đổi khí hậu làm cho nhiệt độ tăng, số ngày nóng ở Tây nguyên tăng lên và xuất hiện nhiều hơn các kỷ lục về nắng nóng. Những năm gần đây, khô hạn tăng đi đôi với lượng mưa giảm. Năm 2015, lượng mưa chỉ bằng 60% so với bình quân nhiều năm. Năm 2016, khô hạn khốc liệt tiếp diễn ảnh hưởng đến năng suất hơn 100.000 ha cà phê vùng Tây nguyên.
Ông Hồng cũng cho biết lưu vực của các sông lớn ở Tây nguyên như Sê San, Sêrêpốk, sông Ba và Đồng Nai đã kiệt dần từ lưu lượng 173.863 lít/giây của những năm 2004 - 2005 xuống còn trên dưới 125.000 lít/giây hiện nay. Bên cạnh đó, nguồn nước ngầm cũng suy giảm nghiêm trọng. Ở Đắk Lắk, tổng trữ lượng nước ngầm hiện giảm còn khoảng 30 - 35% của mức năm 1997.
“Những đợt hạn hán vừa qua ở Tây nguyên đã ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất, sản lượng cà phê do tỷ lệ rụng quả tăng, trọng lượng nhân giảm. Những năm nắng nóng kéo dài làm năng suất cà phê giảm 15 - 25% so với các năm có mưa bình thường”, ông Hồng đánh giá. Ngoài ra, biến đổi khí hậu làm mưa bất thường vào thời điểm thu hoạch (tháng 12, tháng 1) khiến cây cà phê ra hoa, ảnh hưởng đến quá trình thụ phấn và năng suất.
Ông Huỳnh Quốc Thích, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Đắk Lắk, cho rằng biến đổi khí hậu, nhất là thời tiết có xu hướng nóng lên, đã làm gia tăng các loại sâu bệnh hại trên cây cà phê, như rệp sáp hại cà phê trở thành dịch (những năm 2000 - 2003), bệnh vàng lá do tuyến trùng và nấm, ve sầu hại rễ (2007 - 2009)...
Giải pháp chung sống với biến đổi khí hậu
Theo các chuyên gia nông nghiệp, trong tương lai gần biến đổi khí hậu chưa thể “xóa sổ” cây cà phê trên Tây nguyên nhưng ngày càng làm cho chi phí sản xuất tăng lên, lợi nhuận giảm đi khiến cà phê có thể không còn chiếm ưu thế so với những cây trồng khác. Một số giải pháp được đề xuất nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, tiếp tục giữ vị thế cây trồng chiến lược này.
Bảo hiểm rủi ro cho cà phê
Một số chuyên gia cho rằng trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay, phát triển cà phê ở Tây nguyên khả năng gặp rủi ro lớn và có thể được hạn chế thông qua thị trường bảo hiểm sản xuất nông nghiệp. Vì thế, cần có cơ chế, chính sách riêng cho bảo hiểm cây cà phê như hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và có sự trợ giúp của các tổ chức tín dụng, xuất khẩu. Nhà nước nhận tái bảo hiểm cho đơn vị kinh doanh bảo hiểm, nghiên cứu mức độ rủi ro từng vùng để có chính sách bảo hiểm phù hợp. |
Ông Trương Hồng nhận định để sống chung với biến đổi khí hậu, cây cà phê cần được hỗ trợ bằng một loạt giải pháp đồng bộ về quy hoạch, áp dụng các giống mới, tưới tiết kiệm nước, xen canh các cây trồng, quản lý dịch hại tổng hợp... Theo ông Hồng, qua nghiên cứu, khảo nghiệm của WASI, nhiều giống cà phê mới có năng suất, chất lượng cao, thích ứng với điều kiện khí hậu, thời tiết khắc nghiệt cần được đưa vào sản xuất, như các bộ giống chín muộn phù hợp vùng khó khăn nguồn nước (TR14, TR15), kháng bệnh gỉ sắt cao (TRS1)... “Ở giải pháp xen canh, WASI đã chứng minh việc trồng xen bơ, sầu riêng, tiêu, keo đậu Cuba, muồng đen... làm tăng thêm thu nhập trên vườn cây từ 40 - 120% (tùy loại cây trồng). Đặc biệt trồng xen tăng hiệu quả sử dụng nước lên gần 18%; để sản xuất 1 tấn cà phê trong vườn có trồng xen chỉ cần 500 m³ nước, so với vườn cà phê trồng thuần cần đến 600 m³”, ông Hồng chia sẻ.
Cùng đề xuất giải pháp tưới tiết kiệm nước, tiến sĩ Dave D’haeze (Công ty TNHH tư vấn cà phê - EDE Việt Nam), cho rằng trong bối cảnh BĐKH hiện nay có thể sản xuất nhiều cà phê hơn với ít nước tưới hơn khi áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt hoặc phun mưa từng gốc có chi phí thấp. Ông Dave D’haeze cũng đề xuất tại các vùng chuyên canh cà phê lớn của Đắk Lắk có thể bổ sung nước ngầm nhân tạo thông qua hệ thống bể lọc (chứa cát, đá nhỏ) kết hợp với giếng nước. Hệ thống này thu gom nước từ các dòng chảy tự nhiên, dẫn vào bể lọc trước khi cho vào giếng của nông dân nhằm bổ sung nước ngầm cho đất, giúp người dân khắc phục tình trạng thiếu nước, tận dụng lượng nước chảy dư thừa trong tự nhiên...
Theo Báo Thanh Niên