Nguồn: Nongnghiep.vn
Nông dân, chuyên gia tham quan mô hình liên kết trồng khoai tây. Ảnh: Đăng Lâm.
Ngày 27/2, tại Gia Lai, Bộ NN-PTNT tổ chức hội thảo tổng kết hoạt động năm 2023 và lập kế hoạch năm 2024 của Nhóm công tác PPP (đối tác công tư) về rau quả và Ngày hội thu hoạch khoai tây ở Gia Lai.
Bội thu nhờ liên kết trồng khoai tây
Những năm qua, ngành nông nghiệp đã có nhiều sáng kiến để hợp tác, liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ cũng như các giải pháp thu hút doanh nghiệp “đầu tàu” để nâng cao giá trị nông sản, tăng thu nhập cho nông dân, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào sản xuất, tiết kiệm tài nguyên và giảm phát thải.
Đối với sự phát triển của ngành rau quả nói riêng và toàn ngành nông nghiệp nói chung, hợp tác công tư (PPP) là công cụ quan trọng để thu hút đầu tư vào chế biến sâu, gia tăng giá trị, đảm bảo an toàn thực phẩm cũng như phát triển các mô hình liên kết chuỗi giá trị ngành hàng tiên tiến, hiệu quả.
Từ năm 2010, Nhóm công tác PPP về rau quả, do Công ty TNHH Thực phẩm PepsiCo Việt Nam (PepsiCo), Công ty TNHH Syngenta Việt Nam (Syngenta) và Cục Trồng trọt đồng chủ trì đã được Bộ NN-PTNT thành lập, hoạt động trong khuôn khổ Đối tác phát triển nông nghiệp bền vững Việt Nam (PSAV), hướng tới giải quyết các nút thắt và khai thác tiềm năng của ngành.
Một trong các dự án tạo sức bật lớn, mang lại lợi ích cho nông dân là chương trình sản xuất khoai tây bền vững do Syngenta, PepsiCo - đồng trưởng Nhóm công tác PPP về rau quả phối hợp với các đối tác là Trung tâm Khuyến nông Quốc gia và các đơn vị triển triển khai từ năm 2019.
Đến nay, trên 5.000 nông dân các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Lắk, Gia Lai đã được các doanh nghiệp tập huấn, truyền tải các giải pháp quản lý bệnh, sâu hại trên cây khoai tây. Riêng tại Gia Lai, các doanh nghiệp đã liên kết trồng khoai tây bền vững với khoảng 90 hộ dân, diện tích 450ha. Tham gia chuỗi liên kết này, nông dân được hưởng nhiều ưu đãi, như được doanh nghiệp hỗ trợ đầu tư ban đầu, được bao tiêu sản phẩm nên không lo đầu ra, chỉ việc tập trung sản xuất để tăng năng suất, đảm bảo yêu cầu chất lượng. Nông dân trồng khoai tây theo mô hình liên kết bền vững có thu nhập cao và ổn định.
Đến cánh đồng khoai tây xã Ia Tiêm (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai), chúng tôi thấy hơn 50 người dân đang tất bật thu hoạch khoai tây. Khoai tây thu hoạch bằng máy trước khi được nông dân đóng bao, đưa về nhà máy.
Bà Giáp Thị Hoa (huyện Chư Sê) cho biết, bà đến xã Ia Tiêm thuê đất trồng khoai lang, đậu, khoai tây. Trong đó, bà bắt tay liên kết trồng khoai tây với Syngenta, PepsiCo được 2 năm. Trước đó, khi trồng khoai lang, nguồn thu năm được, năm mất, không ổn định. Khi chuyển qua trồng khoai tây, hiệu quả cao hơn. Phía doanh nghiệp cũng đầu tư cho gia đình nửa vốn nên đỡ áp lực đầu tư. Năm ngoái, gia đình trồng 17ha, lãi 1,2 tỷ đồng/vụ. Trước hiệu quả đó, năm nay gia đình sẽ mở rộng trồng 3 vụ khoai tây.
Theo các doanh nghiệp, mô hình liên kết sản xuất khoai tây bền vững đã mang lại kết quả vượt trội trong 5 năm qua. Cụ thể, năng suất khoai thu hoạch trung bình đạt 23 - 26 tấn/ha, cao gấp 3 lần so với canh tác truyền thống, thậm chí nơi cao nhất đạt 52 tấn/ha, mỗi năm tiết kiệm hơn 5 triệu mét khối nước, thu nhập nông dân tăng lên gần 3 lần. Thành công của dự án sản xuất khoai tây bền vững giúp nâng cao thu nhập người dân, hướng đến phát triển nông nghiệp xanh, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải carbon và ô nhiễm môi trường.
Nâng tầm nông sản
Theo báo cáo của Nhóm công tác PPP về rau quả, năm 2023 đã đạt nhiều kết quả quan trọng trong phát triển chuỗi giá trị nông sản. Ngoài khoai tây thì đối với xoài, bưởi, UNIDO-SECO hỗ trợ xây dựng, áp dụng quy trình chuẩn hóa sản xuất và xuất khẩu, nâng cao chất lượng, mở rộng 5 thị trường mới hiện đại; áp dụng công nghệ xử lý, tăng thời gian bảo quản cho xoài lên 140 ngày, bưởi 120 ngày, giảm tổn thất sau thu hoạch từ 25 - 30% xuống còn 15 - 20%; góp phần nâng cao kim ngạch xuất khẩu trái bưởi lên 151,2% và xoài lên 41,4% năm 2023. Còn dứa, rau, chương trình SFTW hỗ trợ 7.724 nông dân nâng cao năng lực sản xuất…
Năm 2024, Chương trình sản xuất khoai tây bền vững của PepsiCo, Syngenta sẽ mở rộng diện tích, số hộ dân tham gia. Đối với dứa, rau màu, SFTW sẽ mở rộng hộ nông dân đồng bào thiểu số tham gia và kết nối thị trường…
Ông Trần Thanh Vũ, Tổng Giám đốc Syngenta Việt Nam cho biết, năm 2023, kim ngạch xuất khẩu rau quả đã lên tới gần 5,7 tỷ USD, đóng góp quan trọng vào giá trị xuất khẩu của các mặt hàng nông sản.
Rau quả Việt Nam đã chinh phục nhiều thị trường lớn trên thế giới, bao gồm cả những thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, châu Âu… Trong những thành tích đó, có đóng góp của cả khối công và khối tư với những sáng kiến hợp tác, liên kết hiệu quả. Trong đó, có thể kể đến hoạt động của Nhóm công tác PPP về rau quả do Syngenta, PepsiCo và Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đồng chủ trì, hoạt động trong khuôn khổ Đối tác phát triển nông nghiệp bền vững Việt Nam.
Nhóm đã kết nối các thành viên, chia sẻ kinh nghiệm phát triển bền vững, đồng thời đưa ra nhiều giải pháp tích cực. Syngenta cùng các thành viên trong nhóm đã hỗ trợ nông dân ứng các dụng công nghệ mới vào sản xuất, tiết kiệm tài nguyên và giảm phát thải theo hướng nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp công nghệ cao. Với sự nỗ lực, kết nối chặt chẽ của các thành viên trong nhóm, các vùng nguyên liệu sản xuất bền vững dần hình thành và mở rộng, đáp ứng đòi hỏi ngày càng gia tăng của thị trường.
Cũng theo ông Vũ, ông mong sau hội thảo, những sáng kiến cũng như những câu chuyện điển hình cho hợp tác công tư sẽ được lan tỏa, nhân rộng ra nhiều địa phương, trên nhiều loại cây trồng khác nhau vì lợi ích của bà con nông dân cũng như sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp.
Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (Bộ NN-PTNT) cho biết, với sự hợp tác chặt chẽ theo hình thức đối tác công tư, ngành nông nghiệp, đặc biệt là ngành rau quả sẽ ngày càng tăng trưởng theo hướng xanh, bền vững và thân thiện với môi trường.
Bộ NN-PTNT cam kết sẽ đẩy mạnh các hoạt động đối thoại với các với doanh nghiệp để nắm bắt những vấn đề phát sinh trong thực tiễn thực hiện chính sách, qua đó tháo gỡ khó khăn, hoàn thiện chính sách thu hút đầu tư vào nông nghiệp, đặc biệt là ngành rau quả, hướng đến thực hiện tốt Đề án phát triển ngành chế biến rau quả giai đoạn 2021 – 2030 của Chính Phủ.
Ngày hội thu hoạch khoai tây
Ngày hội thu hoạch khoai tây diễn ra vào sáng cùng ngày đã thu hút đông đảo nông dân tham gia. Theo đó, nông dân các nơi được tham quan mô hình trồng khoai tây bền vững của các doanh nghiệp.
Trên cánh đồng, ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cùng nông dân tham gia thu hoạch khoai tây. Ông Thanh bày tỏ vui mừng khi cùng các nông dân thuộc mô hình liên kết thu hoạch những củ khoai tây đạt chất lượng quốc tế, đồng thời bày tỏ hi vọng mô hình này sẽ được nhân rộng ra nhiều địa phương khác, ở trên nhiều loại cây trồng khác để góp phần nhiều hơn vào quá trình hiện thực hóa Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 và cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Việt Nam.