Nguồn: vietnambiz.vn
Việt Nam dẫn đầu cuộc đua xuất khẩu gạo vào Trung Quốc
Theo số liệu của Hải quan Trung Quốc, trong 4 tháng đầu năm nay nước này đã nhập khẩu 1,36 triệu tấn gạo với trị giá 704 triệu USD, giảm gần 40% về lượng và 26,5% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, Trung Quốc giảm nhập khẩu gạo từ một số thị trường chính như Ấn Độ (-75,8%), Pakistan (-79,7%) và Thái Lan (-44,1%)…
Tuy nhiên, nhập khẩu gạo từ Việt Nam lại tăng mạnh 93,2% về lượng và 116% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 445.237 tấn với trị giá 260 triệu USD. Với kết quả này, Việt Nam đã vươn lên trở thành nước xuất khẩu gạo lớn nhất vào Trung Quốc trong 4 tháng đầu năm 2023, bỏ xa các thị trường khác như Myanmar, Ấn Độ hay Thái Lan.
Thị phần của Việt Nam trong tổng nhập khẩu gạo của Trung Quốc theo đó cũng tăng lên mức 33% từ mức 10,3% của cùng kỳ.
Ngoài ra, thị phần của Myanmar cũng tăng lên mức 25%. Trong khi, thị phần của Ấn Độ và Pakistan giảm xuống chỉ còn lần lượt là 12,5% và 9%.
Trong khi đó, số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam cho thấy, Trung Quốc hiện đang là thị trường xuất khẩu gạo lớn thứ hai của nước ta chỉ sau Philippines. Xuất khẩu gạo của Việt Nam sang thị trường này trong 4 tháng đầu năm nay đạt 507.066 tấn, cao nhất trong 5 năm gần đây và chiếm 17,5% tổng khối lượng gạo xuất khẩu của cả nước.
Xuất khẩu gạo của Việt Nam sang Trung Quốc đã khởi sắc trở lại kể từ đầu năm nay sau khi nước này dỡ bỏ các biện pháp kiểm soát dịch bệnh nghiêm ngặt và mở cửa trở lại nền kinh tế sau gần 3 năm đóng cửa chống dịch COVID.
Tại Hội nghị đánh giá xuất khẩu gạo năm 2022 và dự báo xuất khẩu gạo năm 2023 diễn ra vào tháng 2 năm nay, ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết việc Trung Quốc mở cửa thị trường trở lại là tín hiệu tích cực cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo nhờ khả năng hút hàng khi có những hợp đồng lớn.
"Với việc Trung Quốc mở cửa thị trường sau dịch COVID-19, dự báo nhu cầu nhập khẩu sẽ quay trở lại như các năm. Cùng với đó, chất lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam ngày càng được nâng cao, các nước đều có nhu cầu nhập khẩu từ Việt Nam", đại diện Cục Xuất nhập khẩu nhận định.
Về nhu cầu, hiện gạo nếp và các loại gạo thơm như ST21, ST24, DT8... vẫn đang là những chủng loại được xuất khẩu nhiều nhất sang thị trường Trung Quốc.
Trong 4 tháng đầu năm, gạo nếp chiếm hơn 48% tổng khối lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc với hơn 244 nghìn tấn, tăng 90,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Tiếp theo là gạo thơm đạt 191,4 nghìn tấn, tăng 49,3% và chiếm 37,8% tỷ trọng.
Khối lượng gạo trắng xuất khẩu sang Trung Quốc cũng tăng tới 86,3% lên 70 nghìn tấn. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng xuất khẩu gạo giống Nhật và gạo lứt, gạo vi chất sang Trung Quốc, nhưng khối lượng không nhiều chỉ khoảng 500 – 675 tấn.
Giá gạo xuất khẩu sang Trung Quốc cũng tăng khá mạnh trong thời gian qua với gạo nếp tăng 20,8% lên mức bình quân 536 USD/tấn; gạo trắng tăng 25%, đạt 555 USD/tấn; gạo thơm tăng 1,8%, đạt 637 USD/tấn...
Các doanh nghiệp xuất khẩu gạo hàng đầu sang thị trường Trung Quốc trong 4 tháng đầu năm có thể kể đến như: Công Ty TNHH Dương Vũ, Công ty Cổ phần Tân Đồng Tiến, Công Ty Cổ Phần Tập Đoàn INTIMEX, Công Ty TNHH Tân Thạnh An, Công Ty Cổ Phần Thương Mại Kiên Giang...
Nhu cầu thị trường vào khoảng 5 triệu tấn/năm
Do ảnh hưởng của đợt nắng nóng kéo dài vào năm ngoái, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo sản lượng gạo của Trung Quốc năm 2023 sẽ giảm khoảng 3 triệu tấn so với năm 2022, xuống còn 145,9 triệu tấn.
Trung Quốc dự kiến sẽ vẫn là nhà nhập khẩu gạo hàng đầu thế giới, nhưng nhập khẩu gạo của nước này theo dự báo của USDA sẽ giảm từ mức kỷ lục 6,2 triệu tấn của năm 2022 xuống còn 5,1 triệu tấn trong năm nay và 5 triệu tấn vào năm 2024.
Từ đầu năm 2023 đến nay, nhập khẩu gạo của Trung Quốc đã giảm đáng kể do chênh lệch giá giữa gạo trong và ngoài nước thu hẹp, cộng với việc Ấn Độ tiếp tục áp đặt các biện pháp hạn chế xuất khẩu và sản lượng gạo của Pakistan giảm mạnh do lũ lụt nghiêm trọng vào năm ngoái.
Đồng thời, giá gạo nhập khẩu tăng trong thời gian qua cũng khiến mặt hàng này mất lợi thế về giá so với ngô và các loại ngũ cốc làm thức ăn chăn nuôi khác.
Mặc dù vậy, theo các chuyên gia, nhu cầu tiêu thụ gạo của người dân Trung Quốc phục hồi trở lại sau đại dịch lại đang mở ra cơ hội đối với các nước xuất khẩu gạo khác, bao gồm Việt Nam.