Theo Nhân dân
Những ngày này, các cánh đồng ở xã Biển Bạch Ðông (huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau) trở nên náo nhiệt. Từ mờ sáng, đồng lúa đã inh ỏi tiếng máy suốt, máy gặt. Dưới các dòng kênh xáng dẫn nước tưới tiêu, thương lái chạy xuồng dập dìu tìm mua tôm được nuôi xen canh dưới chân ruộng lúa.
"Làm chơi mà ăn thiệt"
Ðó là cách nói ví von của lão nông Phạm Văn Chiến, có đồng lúa-tôm gần 10 ha ở ấp Sáu La Cua, xã Biển Bạch Ðông. Chừng ấy diện tích canh tác, vụ lúa-tôm này, ông Chiến thu về hơn 48 tấn lúa ST24 và hơn 1,5 tấn tôm càng xanh. "Với giá lúa ướt mua tại ruộng 7.800 đồng/kg, tôm càng xanh 115.000 đồng/kg, gia đình tôi thu lời hơn 250 triệu đồng. Chừng ấy tiền lời, năm nay gia đình tôi ăn Tết lớn"-ông Chiến hồ hởi.
Biển Bạch Ðông là một trong nhiều xã chuyên canh lúa-tôm của huyện Thới Bình-địa phương có gần 50% trong tổng số khoảng 48.000 ha lúa-tôm trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Vào mùa hạn, đồng lúa-tôm bị nhiễm mặn được nông dân thả nuôi tôm kết hợp nuôi cua. Còn vào mùa mưa, nông dân rửa mặn đồng ruộng, sau đó trồng lúa kết hợp nuôi tôm. Ðây cũng là vụ lúa-tôm duy nhất trong năm ở đồng đất Thới Bình. Ông Nguyễn Văn Phúc, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thới Bình cho biết: Vụ lúa-tôm kéo dài trong khoảng bốn tháng và thu hoạch dứt điểm vào trước Tết Âm lịch. Năm nay mưa thuận, gió hòa nên cả tôm và lúa đều trúng. Ðến nay, khoảng 90% diện tích lúa-tôm của huyện đã thu hoạch, năng suất lúa trung bình khoảng 4,2 tấn/ha, tôm càng xanh khoảng 3 tấn/ha.
Nhà nông các vùng chuyên canh của tỉnh Kiên Giang cũng tất bật thu hoạch vụ tôm càng xanh sau khi vừa thu hoạch xong vụ lúa. Ông Lê Văn Chiến, ở ấp Bình Hòa (xã Vĩnh Bình Bắc, huyện Vĩnh Thuận), có đồng lúa-tôm gần 1 ha, vừa thu hoạch hơn 6 tấn lúa và gần 1,8 tấn tôm càng xanh cho hay: "Với giá bán từ 120.000-150.000 đồng/kg tùy loại tôm và hơn 7.000 đồng/kg lúa, vụ lúa-tôm này, gia đình tôi thu lợi hơn 100 triệu đồng".
Toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long có hơn 220.000 ha lúa-tôm, tập trung nhiều nhất ở địa bàn tỉnh Kiên Giang với hơn 102.000 ha. Các vùng lúa-tôm trọng điểm của tỉnh tập trung tại các huyện Vĩnh Thuận, An Minh, An Biên, Hòn Ðất, Kiên Lương... Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vĩnh Thuận Võ Hoàng Nguyên báo tin vui: "Nông dân nuôi tôm càng xanh kết hợp trồng lúa. Nhờ thủy lợi Cái Lớn-Cái Bé vận hành, ngăn được mặn, mà vụ lúa-tôm này nông dân huyện nhà trúng mùa lúa và bán được giá. Riêng tôm càng xanh được hơn 9.500 tấn".
Phát triển mô hình "lúa thơm, tôm sạch"
Phần lớn diện tích lúa-tôm vùng đồng bằng sông Cửu Long hiện đã thu hoạch, được mùa như mong đợi. Ðây cũng là lý do sáu xã vùng nội đồng của huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng-miền quê hẻo lánh là khu căn cứ cách mạng ngày nào giờ trở nên khang trang, trù phú.
Tiếp chuyện với chúng tôi ngày cuối năm, nông dân Huỳnh Thanh Bằng, có đồng lúa-tôm 2 ha ở xã Gia Hòa 2, huyện Mỹ Xuyên cho biết, gia đình ông vừa thu hoạch được gần 17 tấn lúa ST25, với giá gần 8.400 đồng/kg, thu lời gần 100 triệu đồng. Trước đó, ông Bằng thu được hơn 400 kg tôm sú trong ruộng lúa, lời hơn 40 triệu đồng. Toàn tỉnh Sóc Trăng có khoảng 17.700 ha lúa-tôm, tập trung chủ yếu trên địa bàn huyện Mỹ Xuyên. Theo khuyến cáo của chính quyền và ngành chức năng, từ nhiều năm qua, nhà nông trong vùng kiên trì thực hiện mô hình "lúa thơm-tôm sạch". Cách thức canh tác ấy giúp đồng đất lúa-tôm Mỹ Xuyên dần loại bỏ việc sử dụng hóa chất, kháng sinh..., cho ra những nông sản an toàn và thân thiện. Ðể thay đổi được tập quán canh tác của nhà nông, theo Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Mỹ Xuyên Ðặng Văn Phương, đó là cả một quá trình kiên trì tuyên truyền theo cách "mưa dầm, thấm lâu". "Nhờ khai thác tốt mối quan hệ tương hỗ giữa con tôm và cây lúa nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường mà đến nay, tổng giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1 ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản của huyện đạt gần 200 triệu đồng/năm. So với khi còn độc canh cây lúa, các hộ chuyển đổi sang mô hình "lúa thơm-tôm sạch" tăng lợi nhuận lên gấp hai, ba lần"-đồng chí Phương cho biết.
Hiệu quả từ mô hình "lúa thơm-tôm sạch" cũng đang lan tỏa tại nhiều đồng lúa-tôm của xã Long Hòa, Hòa Minh (huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh). Tiếp chuyện với chúng tôi, nông dân trẻ Nguyễn Minh Lạc, có 0,6 ha canh tác lúa-tôm ở ấp Xẻo Ranh (xã Long Hòa) háo hức: "Vụ lúa-tôm 2021 này, gia đình tôi tiếp tục trồng giống ST24 và nuôi xen canh tôm càng xanh. Nhờ canh tác theo mô hình nông nghiệp hữu cơ nên lúa được bao tiêu đầu ra với giá 12.500 đồng/kg".
Trà Vinh có khoảng 2.000 ha lúa-tôm, tập trung chủ yếu tại các xã Long Hòa, Hòa Minh (huyện Châu Thành), Ðôn Xuân, Ðôn Châu (huyện Duyên Hải) và một phần của xã Vinh Kim (huyện Cầu Ngang). Từ năm 2015, ngành nông nghiệp Trà Vinh đề ra chương trình phát triển vùng lúa hữu cơ ở xã Long Hòa, Hòa Minh lên 1.000 ha. Nhờ huy động sự vào cuộc quyết liệt của ngành chức năng và chính quyền sở tại, nhất là trong xây dựng chuỗi liên kết "bốn nhà" mà đến nay, một phần vùng nguyên liệu rộng lớn ở Long Hòa, Hòa Minh đã được đơn vị có thẩm quyền xác lập nhãn hiệu tập thể lúa, gạo hữu cơ.
Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Trà Vinh Trần Văn Út Tám cho biết: Ðể được chứng nhận chất lượng lúa, gạo hữu cơ, nông dân phải áp dụng kỹ thuật canh tác sạch, không sử dụng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật liên tục trong ba vụ lúa liên tiếp trong ba năm liền. Khi đó, đất ruộng trồng lúa mới được công nhận thật sự là nền ruộng hữu cơ.
Ðịnh hình tư duy kinh tế nông nghiệp
Mô hình sản xuất luân canh lúa-tôm hiện chiếm khoảng 30% tổng diện tích nuôi tôm nước lợ của khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Toàn vùng hiện có tám tỉnh áp dụng hệ thống canh tác lúa-tôm trong cơ cấu sản xuất hằng năm, gồm: Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang, Trà Vinh, Bến Tre, Long An và Tiền Giang. Mô hình canh tác trên thích hợp tại các vùng đất nhiễm phèn và dễ bị xâm nhập mặn.
Theo Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Lê Thanh Tùng, mô hình lúa-tôm thực chất là cách thức dùng mặn đuổi phèn, sử dụng dưỡng chất từ cây lúa hỗ trợ cho tôm và ngược lại, giúp cả hai cùng sinh trưởng, phát triển. Vai trò của mô hình lúa-tôm ở vùng đồng bằng sông Cửu Long là rất quan trọng. Ðây không chỉ là mô hình "thuận thiên" mà là mô hình kinh tế trọng điểm, mô hình kinh tế bền vững. Tuy nhiên, cần phải quy hoạch vùng nguyên liệu và phải có kiểm soát để quản lý tốt.
Tại vùng ven biển như Cà Mau, lúa-tôm còn được xem là mô hình canh tác nông nghiệp thông minh, phù hợp với những khu vực dễ bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu. Ðó cũng là lý do để nhiều địa phương khu vực đồng bằng sông Cửu Long có định hướng cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, trong đó sẽ đẩy mạnh mở rộng diện tích canh tác ở những khu vực đủ điều kiện trong tương lai. Ðiển hình như tại thủ phủ lúa-tôm của Cà Mau là huyện Thới Bình, cấp ủy, chính quyền địa phương ban hành luôn nghị quyết và chương trình hành động chuyên về sản xuất lúa-tôm sạch, lúa-tôm hữu cơ gắn với phát triển du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng cho cả giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo. Mục tiêu của huyện đến năm 2025 là có 100%, tức hơn 21.000 ha diện tích lúa-tôm sản xuất lúa theo quy trình lúa sạch; 95% trong tổng số hơn 36.000 ha diện tích nuôi tôm quảng canh của huyện sản xuất theo quy trình nuôi tôm sinh thái. Qua đó, tổng sản lượng lúa-tôm canh tác theo quy trình an toàn thu về hơn 100.000 tấn, trong đó có hơn 10.000 ha canh tác theo quy trình lúa-tôm hữu cơ, thu về hơn 22.000 tấn lúa và tôm hữu cơ.
Trong chuyến thực tế mô hình lúa-tôm ở Cà Mau vào cuối tháng 9/2021, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đề cập đến việc sản xuất nông nghiệp hiện nay không thể tách rời xu thế thị trường là tạo ra sản phẩm an toàn, sản phẩm sạch. Nhiều nơi ở đồng bằng sông Cửu Long hội đủ điều kiện như vậy đang xúc tiến thu hẹp dần vùng sản xuất sử dụng nhiều hóa chất, thuốc thực vật để mở rộng vùng sản xuất sạch, vùng canh tác hữu cơ nhằm tạo ra giá trị xanh bền vững từ cây lúa, hạt gạo, con tôm và nhiều nông sản khác. Ðây cũng là tư duy canh tác kinh tế nông nghiệp phù hợp xu thế hiện nay, tạo nên đặc thù và giá trị xanh bền vững. Một khi làm nên sự khác biệt, lúa-tôm và nhiều nông sản vùng đồng bằng sông Cửu Long sẽ tạo dựng được thương hiệu lớn trên thương trường quốc tế.