Nguồn: Vinanet.vn
Bangkok Post (Thái Lan) dẫn thông tin từ Cơ quan Xúc tiến Thương mại Quốc tế Thái Lan cho biết, Trung Quốc vừa quyết định ban hành lệnh cấm vô thời hạn đối với nhãn Thái Lan do phát hiện rệp sáp. Lệnh cấm sẽ bắt đầu có hiệu lực từ ngày 13/8/2021.
Được biết, ngay sau đó, Thái Lan đã cử đại diện thương mại tại Trung Quốc để tìm cách trì hoãn lệnh cấm. Nếu đàm phán thất bại, xuất khẩu nhãn Thái Lan sẽ chịu tác động nặng nề do tới 70 – 80% nhãn Thái Lan được xuất khẩu sang Trung Quốc.
Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật đánh giá, động thái này của Trung Quốc cho thấy, thị trường này ngày càng có những đòi hỏi khắt khe. Nếu các doanh nghiệp, địa phương không chú ý đáp ứng yêu cầu thì rất có thể sẽ phải gặp những cảnh báo tương tự như với Thái Lan.
Việt Nam có một số loại trái cây có nguy cơ cao nhiễm nhiều loại đối tượng dịch hại mà Trung Quốc đang kiểm soát, trong đó có rệp sáp.
“Do vậy, các địa phương, doanh nghiệp, người dân cần nghiêm túc thực hiện tốt việc kiểm soát các đối tượng dịch hại, giám sát mã số vùng trồng, đáp ứng các yêu cầu của Trung Quốc về nhãn mác, quy cách đóng gói...", ông Hoàng Trung nhấn mạnh.
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), thực tế, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam hiện nay vẫn chưa quan tâm đúng mức đến các khuyến cáo, yêu cầu của Trung Quốc về kiểm dịch, tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm.
Thời gian qua, Trung Quốc liên tục có những biện pháp siết chặt kiểm tra an toàn thực phẩm hàng hóa, nông sản khi thông quan. Tại các cửa khẩu của Lạng Sơn, Trung Quốc kiểm hóa 100% lô hàng trái cây của Việt Nam nên thời gian thông quan hàng hóa lâu hơn so với các loại trái cây của nước khác. Trong khi đó, nhiều hoa quả là thế mạnh chưa thuộc danh mục được phép xuất khẩu sang Trung Quốc (chanh leo, sầu riêng, na…).
Tại Quảng Ninh, việc giao nhận hàng hóa bị ảnh hưởng do phải thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, phát sinh thêm chi phí.
Ông Bùi Văn Khắng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cho biết, Hải quan Trung Quốc vừa có văn bản áp dụng quy định mới về kiểm soát an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa nhập khẩu có hiệu lực từ ngày 1/1/2022.
"Khi văn bản có hiệu lực, chắc chắn Trung Quốc sẽ áp dụng các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn về an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ. Do vậy, Bộ NN&PTNT cần sớm phổ biến cho các địa phương để hướng dẫn nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn, có mã số vùng trồng; doanh nghiệp đáp ứng các quy định của phía bạn về bao bì, nhãn mác, chất lượng", ông Khắng nhấn mạnh.
Tương tự, tại cửa khẩu ở Lào Cai, Trung Quốc thực hiện kiểm tra và khử trùng phòng dịch đối với các loại hàng hóa nhập khẩu do lo ngại dịch bệnh Covid-19 dẫn đến giảm thời gian thông quan, phát sinh chi phí của doanh nghiệp. Xuất khẩu chuối của Lào Cai gặp khó khăn do hiện nay bắt đầu thu hoạch nhưng không thể thực hiện thông quan, xuất khẩu.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, thời gian tới Bộ NN&PTNT sẽ đẩy mạnh trao đổi trực tuyến với cơ quan đầu mối của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, mở cửa thị trường đối với sầu riêng, khoai lang; đẩy nhanh tiến độ đàm phán, mở cửa thị trường đối với các sản phẩm hoa quả ưu tiên của Việt Nam như: Bưởi, chanh leo, bơ, na, roi, dừa, thảo quả và dứa.
Thống nhất với phía bạn, hoàn thiện hồ sơ để xuất khẩu tạm thời đối với ớt và khoai lang trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 hiện nay.
Bộ NN&PTNT cũng đang đề nghị Tổng cục Hải quan Trung Quốc xem xét cho phép nhập khẩu trở lại cá sấu nước ngọt (Crocodylus siamensis) của Việt Nam, là một trong 36 loài được nhập khẩu vào Trung Quốc làm thực phẩm.
Đồng thời, cho phép nhập khẩu ngao 2 cùi, ngao lụa, ngao hoa, hàu, rươi, sứa đã nằm trong danh mục nhập khẩu chính ngạch vào Trung Quốc, tuy nhiên các sản phẩm này chưa được Hải quan Trung Quốc cho phép nhập khẩu tại chợ biên mậu Đông Hưng...