Theo CafeF
Tại buổi Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8 diễn ra chiều ngày 4/9, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết, cho dù dịch bệnh khó khăn, chúng ta vẫn thu hút được gần 20 tỷ USD vốn FDI, và giải ngân được 11,4 tỷ USD, đây là thành tích đáng ghi nhận, tuy nhiên so với năm ngoái có giảm.
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, nông nghiệp tiếp tục là bệ đỡ cho nền kinh tế. Có thể nói, năm nay, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục giữ được đà tăng trưởng. Dự kiến năm nay nông nghiệp sẽ tăng trưởng 2,6-2,8%. Riêng xuất khẩu nông nghiệp quyết tâm đạt con số bằng hoặc cao hơn năm ngoái (năm ngoái là 40,5 tỷ USD).
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp, đến nay, trung bình giá thịt lợn đã xuống 77.000-83.000 đồng/kg, như vậy đã giảm 15.000-18.000 đồng/kg so với thời điểm cao nhất. Vấn đề giá thịt heo trong thị trường đã dần đi vào ổn định. Một điểm sáng nữa của ngành nông nghiệp là xuất siêu 6,2 tỷ USD, tăng 4,9% so với cùng kỳ.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 8 tháng là trên 337 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu đạt 174 tỷ, tăng 1,6% và xuất siêu 11,9 tỷ USD. Xuất khẩu khu vực trong nước đạt 61 tỷ, tăng 15,3% so với cùng kỳ. Đây là con số đáng được ghi nhận về cố gắng của các doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn.
"Đặc biệt, với EVFTA, sang tuần tới, chúng ta sẽ xuất lô gạo đầu tiên, là gạo ngon nhất sang thị trường châu Âu, giá cao, tốt, và nhiều sản phẩm nông nghiệp tiếp tục được xuất khẩu sang thị trường châu Âu - thị trường có tiềm năng rất lớn" - Bộ trưởng cho biết.
Trong 8 tháng có 27 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 89,7% tổng kim ngạch xuất khẩu. Ví dụ như điện thoại, linh kiện điện thoại là 31,5 tỷ USD, chiếm 18,1% tổng kim ngạch xuất khẩu; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 27,6 tỷ USD, tăng 24,8%; máy móc thiết bị, dụng cụ khác đều có tăng trưởng.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của Covid-19, sản xuất công nghiệp tiếp tục khó khăn. IIP 8 tháng giảm 0,6% so với cùng kỳ năm trước. Đại dịch đang diễn biến phức tạp, việc gián đoạn các chuỗi cung, cầu, chuỗi sản xuất, nhất là nguyên liệu đầu vào là vấn đề rất khó khăn cho doanh nghiệp trong thời điểm như vậy.
Kéo theo đó, hoạt động thương mại, dịch vụ 8 tháng cũng giảm mạnh do ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19. Các nhà hàng, khách sạn, các cơ sở lưu trú, du lịch hầu hết không mở cửa lại được. Có mở cũng không đủ bù đắp chi phí điện, nước. Sản xuất, kinh doanh tiếp tục gặp khó khăn, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Tính chung 8 tháng có 89 nghìn doanh nghiệp thành lập mới, giảm 2%. Tuy nhiên, điều đáng mừng là số doanh nghiệp trở lại hoạt động tăng 27,9%.