Theo Kinh tế Sài gòn Online
Việt Nam trúng thầu với giá cao hơn đối thủ
Trao đổi với TBKTSG Online vào hôm nay, 9-6, ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty TNHH Phước Thành IV đã xác nhận thông tin nêu trên và cho biết có 4 quốc gia tham dự cuộc đấu thầu bán 300.000 tấn gạo cho Philippines, gồm Việt Nam, Ấn Độ, Thái Lan và Myanmar.
Tuy nhiên, tham dự cuộc đấu thầu nêu trên của Philippines, chỉ có 189.000 tấn được các quốc gia tham dự bỏ thầu với mức giá đáp ứng được mức ngân sách do Philippines đưa ra; hay nói cách khác chỉ có 189.000 tấn trúng thầu trong phiên mở thầu hôm 8-6.
Theo đó, Việt Nam bỏ thầu 60.000 tấn với giá 497,3 đô la Mỹ/tấn, trong đó, có 45.000 tấn giao ở cảng Manila và 15.000 tấn giao hàng ở cảng Davao.
Trong khi đó, Ấn Độ trúng thầu số lượng nhiều nhất, với 96.000 tấn, bao gồm 42.000 tấn với giá 484,7 đô la Mỹ/tấn, giao ở cảng Cebu; 7.500 tấn với giá 485,7 đô la Mỹ/tấn, giao ở cảng Tacloban; 24.000 tấn với giá 484,7 đô la Mỹ/tấn, giao ở cảng Zamboanga và 22.500 tấn với giá 485,7 đô la Mỹ/tấn, giao ở cảng Davao.
Còn Myanmar trúng thầu bán 33.000 tấn với mức giá 489,3 đô la Mỹ/tấn, giao ở cảng Manila. Trong khi đó, mức giá được Thái Lan bỏ thầu vượt quá mức ngân sách do Philippines đưa ra nên đã bị loại.
Như vậy, tổng khối lượng trúng thầu trong phiên mở thầu G2G diễn ra hôm 8-6 của Philippines là 189.000 tấn, tức vẫn còn 111.000 tấn so với kế hoạch (300.000 tấn) vẫn chưa mua được.
Theo tìm hiểu của TBKTSG Online, nhiều khả năng, khối lượng 111.000 tấn gạo chưa mua được trong phiên mở thầu hôm 8-6 sẽ được Philippines mở thầu tiếp tục trong thời gian tới.
Philippines tăng mua từ Việt Nam và Thái Lan
Theo một nguồn tin của TBKTSG Online, đại diện của Chính phủ Việt Nam tham gia phiên đấu thầu bán gạo cho Philippines được giao cho Tổng công ty lương thực miền Bắc (Vinafood 1). Trong khi đó, đại diện nhập khẩu của Chính phủ Philippines được giao cho Công ty Philippine International Trading Corporation (PITC), thay vì giao cho Cơ quan lương thực quốc gia Philipines (NFA) như trước đây.
Theo tìm hiểu của TBKTSG Online, trong những năm trước 2019, việc nhập khẩu gạo của Philippines được áp dụng theo cơ chế hạn ngạch.
Theo đó, ngoài việc phân bổ hạn ngạch hàng năm khoảng 850.000 tấn cho khu vực tư nhân, thì Cơ quan lương thực quốc gia Philippines (NFA) cân đối tỷ lệ cung và cầu trong nước sẽ thực hiện mở thầu mua gạo G2G với các nước, trong đó, chủ yếu là Việt Nam và Thái Lan.
Tuy nhiên, từ năm 2019, cụ thể vào ngày 15-2-2019, Tổng thống Philippines đã ký ban hành Đạo luật về chuyển đổi cơ chế nhập khẩu gạo từ áp dụng hạn ngạch sang thuế hóa. Đạo luật này xóa bỏ quy định về hạn ngạch nhập khẩu đối với mặt hàng gạo và thay vào đó áp dụng thuế nhập khẩu 35% từ các quốc gia khối ASEAN. Đây là mức thuế thấp hơn rất nhiều so với mức thuế được Philippines áp dụng cho các quốc gia ngoài ASEAN, lên đến 180%.
Việc Philippines quay lại nhập khẩu gạo theo cơ chế G2G ở lần này được xác định là nhằm bổ sung nhanh nhất lượng gạo dự trữ của quốc gia này trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát. Bởi lẽ, nhập khẩu gạo G2G có thời gian giao hàng với số lượng lớn được nhanh chóng hơn rất nhiều so với phương thức nhập khẩu áp dụng thuế hóa của tư nhân hiện nay.