Người ta vẫn cần tiêu thụ cafein, ngay cả nếu như họ đang trong một cuộc đại dịch toàn cầu.
Những nỗi lo sợ về tình trạng gián đoạn nguồn cung trong đại dịch đã dẫn đến tình trạng tích trữ tại một số quốc gia, điều này khiến cho giá cà phê có được cú huých cần thiết.
Thông tin này có thể coi như tin tốt với một số khu vực sản xuất cà phê lớn của thế giới. Những khu vực này trước đó đã khó khăn trong nhiều năm khi mà giá cà phê không ngừng ở mức thấp.
Từ năm 2016, giá cà phê đã giảm 30%, theo tính toán của Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO), tổ chức bao gồm 49 nước thành viên chuyên xuất nhập khẩu cà phê. Trong tháng 3/2020, giá cà phê arabica ở mức 1,12USD/pound, mức thấp hơn nhiều so với con số 3,00USD/pound.
Tổ chức ICO nhấn mạnh trong một báo cáo gần đây: “Rất nhiều trong số 25 triệu nông dân trên khắp thế giới đang chật vật để bù lại chi phí hoạt động khi mà giá nguyên liệu đầu vào vẫn tiếp tục tăng. Kết quả, thu nhập của người nông dân trên khắp thế giới giảm, sinh kế của họ chịu tác động nghiêm trọng”.
Giá cà phê Arabia, loại cà phê được sản xuất nhiều nhất thế giới, trong tháng trước tăng do những lo lắng về nguồn cung.
Giá cà phê Arabia từ Brazil, nước sản xuất cà phê Arabia lớn nhất thế giới, tăng 10% trong tháng 3/2020. Giá cà phê tương lai trên thị trường New York trong tháng 3/2020 tăng 8,8% lên mức 1,16USD/pound. Tính đến cuối ngày thứ Năm, giá cà phê Arabia đóng cửa ở mức 1,2120USD/pound.
Đại dịch Covid-19 đã dẫn đến nhiều yếu tố gián đoạn nguồn cung, từ gián đoạn sản xuất cho đến giao thông vận tải hay bán lẻ, các quy định phong tỏa được áp dụng trên khắp thế giới.
Tình trạng gián đoạn nguồn cung sẽ có thể tiếp diễn khi mà Colombia, một nước xuất khẩu cà phê lớn của thế giới đang trong tình trạng phong tỏa.
Mùa thu hoạch của Colombia thông thường vào tháng 4/2020 nhiều khả năng sẽ chịu ảnh hưởng bởi biện pháp phong tỏa cũng như việc thiếu nguồn lao động từ các nước láng giềng. Quy định phong tỏa đất nước của Colombia dự kiến sẽ được duy trì từ 27/4/2020.
Trên phạm vi toàn cầu, ICO nói: “Hiện tại, nhu cầu ước tính sẽ cao hơn sản xuất. Gián đoạn với chuỗi cung ứng trong cả mùa vận chuyển và mùa thu hoạch sẽ có thể dẫn đến tình trạng khan hiếm tạm thời, đẩy cao giá cả trong ngắn hạn”.
Theo BizLive