Cập nhật ngày:
14 | 04 | 2020
Ngày 10/4, Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho phép xuất khẩu (XK) 400.000 tấn gạo trong tháng 4/2020. Ngay trong ngày 10/4, Bộ Công Thương công bố hạn ngạch XK gạo trong tháng 4/2020, áp dụng đối với mặt hàng gạo (mã hàng hóa HS là 10.06) với số lượng 400.000 tấn.
Theo ghi nhận của PV Tiền Phong, chỉ 2 ngày sau khi có quyết định trên của Bộ Công Thương, website của Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) đã công bố thông tin về XK gạo.
Trong ngày 10/4, Bộ Tài chính đã có văn bản (hỏa tốc) gửi Bộ Công Thương về việc tham gia ý kiến đối với dự thảo báo cáo Thủ tướng về phương án điều hành XK gạo. Trong đó, Bộ này cho biết, Tổng cục Dự trữ nhà nước đã đấu thầu và trúng được 178.000/190.000 tấn gạo mua dự trữ năm 2020.
Tuy nhiên, chỉ ít ngày sau, rất nhiều doanh nghiệp (DN) đã được Tổng cục dự trữ phê duyệt kết quả trúng thầu và thông báo kết quả trúng thầu lập tức có văn bản từ chối ký hợp đồng.
Tổng cục Dữ trữ Nhà nước đã đấu thầu rộng rãi mua 190.000 tấn gạo, loại 15% tấm, gạo. Thời gian mở thầu từ 12/3, dự kiến hoàn thành nhập kho trước ngày 15/6. Ngày 12/4, Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước Nguyễn Việt Đức cho hay, tới nay, đơn vị này chỉ mua được 7.700 tấn gạo.
Ngày 10/4, Cục trưởng Cục Dự trữ Nhà nước khu vực Nam Tây Nguyên quyết định hủy kết quả lựa chọn nhà thầu với các gói thầu cung cấp gạo nhập kho dự trữ quốc gia năm 2020.
Theo đó, có 5 nhà thầu (trúng 6 gói thầu nhập kho dự trữ gạo quốc gia) bị hủy kết quả với các lý do: “Nhà thầu từ chối ký hợp đồng” và “Nhà thầu từ chối nộp đảm bảo thực hiện hợp đồng”.Danh sách 5 nhà thầu được xác định, gồm: Cty CP Lương thực Hà Nam Ninh, Cty CP Lương thực Cao Lạng, Cty CP Lương thực Hà Tĩnh, Cty TNHH Phát Tài và Cty cổ phần Mỹ Tường.
Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước Nguyễn Việt Đức cho hay, doanh nghiệp hủy thầu, bỏ thầu, phải bị xử lý theo Luật Đấu thầu đã ký kết trước đó.
Theo Tiền Phong