Các nhà kinh doanh gạo Ấn Độ đã dừng kí hợp đồng xuất khẩu mới trong bối cảnh cả nước đóng cửa để hạn chế sự lây lan của virus corona, vì tình trạng thiếu lao động và sự gián đoạn trong khu vực hậu cần đã cản trở việc hoàn thành các hợp đồng hiện tại, các giám đốc điều hành trong ngành chia sẻ.
Việc dừng hoạt động của nhà xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới cho phép các quốc gia đối thủ gồm cả Thái Lan tăng xuất khẩu trong ngắn hạn và kéo giá gạo toàn cầu lên cao, theo đó khiến hàng triệu người tiêu dùng nghèo ở châu Phi phải trả chi phí cao hơn.
"Xuất khẩu đã bị đình trệ khi hoạt động vận chuyển trở nên rất khó khăn vì cả nước đóng cửa. Các tài xế không đi làm và lao động không có sẵn tại các nhà máy và cảng biển", theo Chủ tịch Hiệp hội Các nhà xuất khẩu Gạo (REA) của Ấn Độ, ông BV Krishna Rao.
Các thương nhân Ấn Độ đã ngừng cung cấp giá cho người mua trên thị trường quốc tế vì họ không chắc chắn khi nào có thể vận chuyển hàng trở lại, 4 nhà xuất khẩu lớn chia sẻ với Reuters.
Ông Prem Garg, Chủ tịch của Tập đoàn Lal Mahal, cho biết khối lượng xuất khẩu của Ấn Độ đã giảm 4 - 5 lần. Tập đoàn Lal Mahal xuất khẩu gạo tới 44 quốc gia.
Ấn Độ đang dần kết thúc giai đoạn đóng cửa trong 3 tuần, theo Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.
Theo các nhà xuất khẩu, khoảng 400.000 tấn gạo non-basmati và 100.000 tấn gạo basmati cho các đơn hàng giao hàng trong tháng 3 - tháng 4 đã bị mắc kẹt tại các cảng hoặc trong đường ống vì lệnh đóng cửa cả nước.
New Delhi chủ yếu xuất khẩu gạo non-basmati sang Bangladesh, Nepal, Benin và Senegal, và gạo basmati cao cấp được xuất sang Iran, Arab Saudi và Iraq.
Nhu cầu tăng nhưng không thể xuất khẩu
Với việc Campuchia, Việt Nam và Myanmar dừng xuất khẩu gạo, nhu cầu gạo Ấn Độ tăng cao, nhưng thương nhân không được kí hợp đồng mới, ông Nitin Gupta, phó chủ tịch tập đoàn thương mại gạo Olam India, cho biết.
Thái Lan, nhà xuất khẩu chính duy nhất cung cấp gạo hiện nay, đã ghi nhận giá gạo xuất khẩu của nó tăng vọt trong tuần trước.
Cụ thể, theo Reuters, giá gạo trắng 5% tấm của Thái Lan đạt khoảng 560 - 570 USD/tấn, mức cao nhất kể từ tháng 4/2013.
Trước khi lệnh đóng cửa có hiệu lực, Ấn Độ đã bán gạo đồ 5% tấm với giá khoảng 365 USD/tấn tính theo giá FOB. Thái Lan đang cung cấp cùng loại với giá khoảng 540 USD/tấn, theo Bangkok Post.
"Sau khi phong toả cả nước, nhu cầu đối với gạo Ấn Độ sẽ rất lớn, vì quốc gia Nam Á đang có lợi thế nhờ giá cả cạnh tranh", ông Gupta nói.
Vì có lượng dự trữ dư thừa khổng lồ, Ấn Độ có thể bắt đầu kiếm lợi nhuận nhờ nhu cầu một khi tình trạng thiếu lao động giảm bớt.
Năm 2019, xuất khẩu gạo Ấn Độ đã giảm 18,1% so với một năm trước đó xuống 9,87 triệu tấn, mức thấp nhất trong 8 năm qua, do nhu cầu thấp từ các khách hàng chủ chốt ở châu Á và châu Phi.
Ấn Độ có khả năng sản xuất 117,47 triệu tấn gạo trong năm mùa vụ 2019 - 2020 so với mức tiêu thụ hàng năm khoảng 100 triệu, với tồn kho quốc gia là 31 triệu tấn.
Nếu tình trạng đóng cửa cả nước được kéo dài, hoặc đại dịch lan rộng giữa các quốc gia nhập khẩu chính khiến nhu cầu giảm, ngành lúa gạo Ấn Độ có thể chịu thiệt hại lớn, nhà xuất khẩu lớn Vijay Sethia nhận định.
Theo Kinh tế & Tiêu dùng