LÚA GẠO

ĐBSCL vượt qua hạn mặn - Tiếp tục sản xuất lúa gạo dồi dào

Cập nhật ngày: 07 | 04 | 2020

Trong bối cảnh hạn mặn bủa vây nhưng ĐBSCL vẫn duy trì sản lượng lúa ở mức ổn định 10,7 triệu tấn (giảm chỉ khoảng 118.000 tấn) là một nỗ lực đáng ghi nhận từ nông dân đến chính quyền các địa phương. Qua đó, góp phần làm cho xã hội yên tâm về vấn đề lương thực trong nước.

Đảm bảo mạch cung ứng

“Nhà có 4 công đất lúa, vừa thu hoạch bán hết cách đây hơn 10 ngày giá khá cao (5.200 đồng/kg). Nông dân cần bán lúa để trang trải chi phí cần thiết và chi tiêu hàng ngày”, anh Quách Văn Ngoan, ở xã Long Bình, thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang, cho biết. Nông dân ĐBSCL gần như đã thu hoạch dứt điểm vụ lúa đông xuân. Phần lớn thu hoạch và bán lúa ở thời điểm giá cao. Hiện nay lúa gạo đang nằm nhiều trong kho của doanh nghiệp xuất khẩu, các nhà máy xay xát và thương lái, chành gạo… 

Doanh nghiệp có nhu cầu xuất khẩu gạo với số lượng nhất định. Trong thời gian qua, trên mạng xã hội và một số phương tiện truyền thông cũng có nhiều ý kiến “tranh luận” về vấn đề xuất khẩu gạo hay tạm ngưng? Việc tính toán, cân nhắc xuất khẩu gạo số lượng bao nhiêu, thời điểm nào… rất quan trọng.

Theo báo cáo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đến ngày 27-3-2020, tổng lượng hợp đồng đã ký nhưng chưa giao hàng của ta là gần 1,6 triệu tấn gạo. Trong đó, phải giao từ nay đến 31-5 là gần 1,4 triệu tấn. Lượng gạo hiện có trong kho của doanh nghiệp hội viên (60/92 hội viên) là 1,65 triệu tấn. Tính cả doanh nghiệp ngoài hiệp hội có gửi báo cáo theo yêu cầu của Bộ Công thương thì tổng lượng hợp đồng đã ký nhưng chưa giao là gần 1,67 triệu tấn gạo. 

Từ kết quả rà soát và ý kiến của các tỉnh thành ở ĐBSCL, các doanh nghiệp, Bộ Công thương sẽ chủ trì báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án điều hành xuất khẩu gạo trong thời gian tới.

Có một thực tế khá tréo ngoe mà nông dân nhiều địa phương trong vùng ĐBSCL đã và đang trải qua: Lúa trên đồng gắn với sở hữu từng nông dân, nhưng tình trạng “cơm nhà, mua gạo chợ” lại khá phổ biến. “Thú thật là sau khi bán hết lúa tại ruộng, gia đình cũng phải đi mua gạo ở chợ về ăn chứ không còn trữ lúa gạo trong nhà như khi xưa”, anh Quách Văn Ngoan, ở xã Long Bình, thị xã Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang, cho biết. Đây là thực tế trong một bộ phận không nhỏ nông dân ĐBSCL. 

Hiện nay nguồn cung ứng gạo tại siêu thị, chợ ở các đô thị và chợ quê khá dồi dào. Tuy nhiên, trong bối cảnh cả nước đang nỗ lực dập dịch Covid-19 thì các địa phương cũng cần chủ động nắm chặt nguồn hàng ở các doanh nghiệp lương thực, nhà máy xay xát lớn và thương lái để chủ động mạch cung ứng dồi dào cho mạng lưới bán buôn từ các đô thị đến chợ quê, không để xảy ra tình trạng thiếu gạo.

Kỳ vọng vụ hè thu

Những tác động của dịch Covid-19 khó có thể chấm dứt trong thời gian ngắn, vì vậy, việc nỗ lực dập dịch và duy trì sản xuất nông nghiệp hiện nay rất quan trọng. Do đó, các địa phương và ngành nông nghiệp cần chỉ đạo quyết liệt, hỗ trợ kịp thời cho người dân ở những vùng khó khăn bởi hạn mặn gây ra, nhanh chóng tái sản xuất vụ lúa hè thu. ĐBSCL sẽ xuống giống khoảng 1,5 triệu ha, phấn đấu để đạt sản lượng khoảng 8,7 triệu tấn lúa. Việc xuống giống sẽ tập trung trong tháng 4 và tháng 5.

Theo Bộ NN-PTNT, trong năm 2020, vùng ĐBSCL sản xuất hơn 4 triệu ha lúa/3 vụ, có thể đạt sản lượng khoảng 24,3 triệu tấn.

Ông Lê Tiến Châu, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, cho biết: “Để chủ động trong sản xuất nông nghiệp, chúng tôi xác định: Phải bảo vệ an toàn cho sản xuất trong dân, thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng chống hạn mặn trước nguy cơ ngày càng phức tạp của biến đổi khí hậu. Tỉnh đã triển khai và đang yêu cầu ngành nông nghiệp nhân rộng mô hình sản xuất lúa thông minh (gieo mạ ném, tưới tiết kiệm, bón phân vùi). Hiện tại, ngành nông nghiệp trực 24/24 giờ để quan trắc đo đạc phát hiện sớm nồng độ mặn, thông tin kịp thời để nông dân chủ động trong sản xuất lúa”.

Bộ NN-PTNT cũng phân tích rõ: Diện tích lúa vụ đông xuân bị thiệt hại năm 2020 không đáng kể, do chỉ đạo xuống giống sớm. Bên cạnh đó, vụ đông xuân được mùa, năng suất bình quân gần 7 tấn/ha nên bù đắp được tác động do hạn mặn gây ra. Sản lượng lúa gạo tại ĐBSCL dự kiến bằng với năm 2019. 

Về nhu cầu tiêu dùng, dự trữ, Bộ NN-PTNT dự báo, nhu cầu tiêu thụ trong nước năm 2020 đã bao gồm dự trữ là 29,96 triệu tấn lúa. Cụ thể, tiêu thụ của người dân là 14,26 triệu tấn; phục vụ chế biến là 7,5 triệu tấn; phục vụ chăn nuôi 3,4 triệu tấn; dùng làm giống và giống dự phòng 1 triệu tấn; dự trữ trong nước 3,8 triệu tấn. Như vậy, lượng còn dư khoảng 13,5 triệu tấn lúa, tương đương 6,5-6,7 triệu tấn gạo. Nếu thực hiện tốt và đồng bộ các giải pháp chống hạn mặn, vụ hè thu tới sẽ đạt sản lượng khá, ĐBSCL sẽ duy trì và tiếp tục sản xuất lúa gạo dồi dào.

Theo Sài Gòn Giải Phóng

TIN TỨC KHÁC

Bloomberg: Lo ngại về an ninh lương thực ảnh hưởng rõ nét tới hoạt động xuất khẩu gạo châu Á

6-4-2020

Mua sắm và tích trữ hàng hóa khi dịch bệnh lan rộng đã làm dấy lên lo ngại về nguồn cung thực phẩm. Chính phủ các nước trên thế giới cũng nhận thức sâu sắc rằng cung ứng đủ lương thực ở mức giá phải chăng cho người dân là vấn đề vô cùng quan trọng để đảm bảo ổn định chính trị, đặc biệt là tại châu Á.

Hàn Quốc sẽ áp dụng mức suất thuế ưu đãi 5% cho hơn 55.000 tấn gạo Việt từ năm 2020

6-4-2020

Theo Bộ Công Thương, các doanh nghiệp cần chủ động phương án sản xuất, kinh doanh để tận dụng hiệu quả cơ hội từ các đợt đấu thầu nhập khẩu gạo của Hàn Quốc trong năm 2020.

Thủ tướng: Xuất khẩu gạo phải xem xét kĩ lưỡng, thận trọng

4-4-2020

Việc xuất khẩu gạo trong bối cảnh hiện nay cần xem xét kĩ lưỡng, thận trọng; trước hết phải bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, đồng thời giảm thiểu việc gián đoạn chuỗi sản xuất lúa gạo.

Giá gạo Thái Lan lên cao nhất 7 năm khi dịch COVID-19 hạn chế thương mại từ Việt Nam, Ấn Độ

4-4-2020

Tuần này, giá xuất khẩu gạo Thái Lan tăng vọt lên cao nhất trong 7 năm nhờ kì vọng doanh số bán tăng sau khi nhà xuất khẩu hàng đầu Ấn Độ bước vào giai đoạn đóng cửa để ngăn chặn sự lây lan của virus corona và đối thủ chính Việt Nam tạm ngừng kí hợp đồng xuất khẩu mới.

Từ 5/4, Campuchia tạm dừng xuất khẩu gạo trắng vì dịch COVID-19

4-4-2020

Đầu tuần, Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã yêu cầu dừng xuất khẩu gạo trắng và thóc từ 11h59 tối ngày 5/4, với lí do đảm bảo nguồn cung trong nước trong khi dịch COVID-19 đang tiếp tục lan rộng tại quốc gia Đông Nam Á.

Chuẩn bị nhập kho dự trữ 190.000 tấn gạo

30-3-2020

Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã khẩn trương triển khai đầy đủ các thủ tục và giao cho các Cục Dự trữ Nhà nước khu vực triển khai mua lương thực (thóc, gạo) nhập kho dự trữ quốc gia gồm 190.000 tấn gạo và 80.000 tấn thóc. Thời gian dự kiến hoàn thành việc nhập kho 190.000 tấn gạo trước ngày 15/6.

Lãnh đạo các tỉnh ĐBSCL: Vụ đông xuân 2020 được mùa, dư lúa gạo

27-3-2020

Về chủ trương tạm dừng xuất khẩu gạo, tại Hội nghị trực tuyến sơ kết sản xuất trồng trọt vụ đông xuân 2019 - 2020 triển khai kế hoạch vụ hè thu, thu đông, mùa năm 2020 tại các tỉnh, thành Nam Bộ, đại diện nhiều địa phương kiến nghị, Bộ Công Thương, Bộ NNPTNT đề xuất với Chính phủ xem xét lại chủ trương này.

Xuất khẩu gạo Ấn Độ giảm 35%

27-3-2020

Các doanh nghiệp hàng đầu tại quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới đang đau đầu vì đại dịch Covid-19 khiến hàng hóa bị đình trệ, đẩy các loại thuế phí lên cao.

Tạm dừng xuất khẩu gạo từ 0h ngày 24/3

25-3-2020

Tổng cục Hải quan yêu cầu Cục hải quan các tỉnh, thành phố tạm dừng việc đăng ký, tiếp nhận và thông quan đối với các lô hàng gạo các loại xuất khẩu dưới mọi hình thức kể từ 0 giờ ngày 24/3/2020.

Giá gạo Thái Lan, Việt Nam tiếp tục tăng mạnh do virus corona lan rộng làm tăng lo ngại về nguồn cung

23-3-2020

Giá gạo xuất khẩu của Thái Lan tiếp tục tăng trong tuần này lên mức cao nhất trong 6,5 năm và giá gạo Việt Nam tăng lên mức cao nhất trong gần 16 tháng do sự lây lan của virus corona làm bùng phát lo ngại về nguồn cung.

Thủ tướng: Sẽ giữ 3,5 triệu ha đất để trồng lúa

20-3-2020

Trong phòng chống dịch Covid-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, chúng ta chăm sóc công dân Việt Nam, quan tâm cả người nước ngoài, xử lý vấn đề nhân văn, “chứ không phải chạy theo đồng tiền”. Trong nông nghiệp nông thôn và an ninh lương thực cũng phải làm như vậy, để không ai bị bỏ lại phía sau, không để ai bị đứt bữa.

Thế giới cần 3,7 triệu tấn gạo, tăng tốc ở vụ lúa hè thu, thu đông

19-3-2020

Do diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 khiến nhu cầu tích trữ lương thực của người dân tăng cao, dự báo nhu cầu lúa thế giới tăng 3,7 triệu tấn trong khi sản lượng có thể giảm 2,7 triệu tấn. Trong bối cảnh đó, Bộ NNPTNT đang tính đến phương án tăng thêm diện tích sản xuất lúa thu đông.