Phát biểu tại cuộc họp báo sau phiên họp quốc hội bất thường về bỏ phiếu tín nhiệm cho những buổi họp và cải tổ Nội các, ông Hun Sen cho biết việc đưa ra một chiến lược phòng ngừa là rất quan trọng trong trường hợp khẩn cấp, khi dịch COVID-19 đang lan rộng ở nhiều quốc gia, gồm cả Campuchia.
Theo Thủ tướng, quyết định tạm ngừng xuất khẩu thóc và gạo trắng sẽ đảm bảo lượng dự trữ tốt hơn.
Ông nhấn mạnh việc đình chỉ xuất khẩu sẽ chỉ áp dụng đối với gạo trắng và thóc, vốn đang có nhu cầu cao trên thị trường nội địa. Gạo thơm, với nhu cầu trong nước thấp hơn, sẽ được xuất khẩu như bình thường.
Về thời hạn dừng xuất khẩu, ông Hun Sen cho hay Campuchia sẽ cho phép các thương nhân và những công ty đã mua thóc và sẵn sàng xuất khẩu sang Thái Lan, Việt Nam hoàn thành hợp đồng.
Ngoài ra, ông cũng đề nghị Bộ Kinh tế và Tài chính Campuchia xem xét khả năng giải ngân tiền cho các nhà xay xát để mua thóc từ những người trước đây đã bán cho hương nhân ở các quốc gia láng giềng.
"Hãy để các nhà máy xay xát gạo mua thóc từ những người đang thu hoạch và cần bán, và mua toàn bộ thóc để duy trì mức giá tốt, và tránh giá giảm khi không có thương nhân từ Thái Lan và Việt Nam", ông Hun Sen cho biết.
Chia sẻ với Phnom Penh Post vào đầu tuần, Phó chủ tịch Liên đoàn gạo Campuchia (CRF) Chan Sokematng cho hay các biện pháp của chính phủ nhằm tạm dừng xuất khẩu gạo trắng và thóc sẽ giúp Campuchia duy trì một kho dự trữ mạnh.
Theo ông, điều này rất quan trọng khi nhiều quốc gia trên thế giới đang phải đối mặt với các vấn đề bắt nguồn từ sự lây lan của virus corona mới.
"CRF sẵn sàng hỗ trợ các biện pháp của chính phủ để tăng cường dự trữ lúa gạo trong nước và ngăn chặn bất kì sự thiếu hụt nào", ông nói thêm.
Tuy nhiên, việc đình chỉ xuất khẩu gạo trắng cũng đã ảnh hưởng đến những đơn đặt hàng từ một số quốc gia. "Đây là một tình huống mà chúng tôi gọi là bất khả kháng, vì vậy một số thỏa thuận đặt hàng sẽ không phải hoàn thành".
Ông Sokematng cho biết trung bình xuất khẩu gạo trắng sang thị trường quốc tế chiếm khoảng 20%, trong khi gạo thơm là 80%.
Năm ngoái, xuất khẩu gạo của Campuchia sang thị trường quốc tế trị giá khoảng 501 triệu USD, giảm 4,3% so với 524 triệu USD năm 2018, một báo cáo của CRF chỉ ra.
Đại diện CRF, ông Sokematng cũng kêu gọi chính phủ tăng cường tài trợ để người mua gạo và người xay xát gạo có thể mua thêm thóc dự trữ.
Xuất khẩu gạo tăng 35% trong quí I /2020
Khmer Times trích báo cáo của CRF cho hay Campuchia đã xuất khẩu 230.948 tấn gạo xát ra thị trường quốc tế trong quí đầu tiên của năm nay.
Như vậy, khối lượng xuất khẩu gạo tăng 35% so với cùng kì năm ngoái, với Trung Quốc vẫn là thị trường chính của gạo Campuchia.
Trong 3 tháng đầu năm, 44% tổng xuất khẩu gạo tương đương 101.345 tấn gạo đã được vận chuyển sang Trung Quốc, theo sau là Liên minh châu Âu (EU) chiếm 30%, các nước ASEAN 12% và các thị trường khác 14%, báo cáo cho biết.
Chỉ riêng trong tháng 3, xuất khẩu gạo xay xát đã lên tới 94.449 tấn, tăng tới 62% so với tháng 3/2019.
Năm ngoái, Campuchia đã xuất khẩu 620.000 tấn gạo xay xát sang thị trường quốc tế, giảm 0,97% so với mức 626.225 tấn của năm 2018.
Theo Kinh tế & Tiêu dùng