Đánh giá chung về tình hình thế giới
Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc - kéo dài trong hơn một năm rưỡi – đã khiến nền kinh tế toàn cầu suy thoái, theo đó ảnh hưởng tiêu cực tới tỷ giá hối đoái, tác động tới giá xuất khẩu, và nhu cầu của nhiều nhà nhập khẩu gạo ròng.
Cùng với đó những vấn đề địa chính trị khác cũng tác động không tốt tới giao thương như lệnh trừng phạt của Mỹ với Iran.
Trong báo cáo ngành gạo công bố hồi tháng 11, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho biết thương mại gạo năm 2019 được dự báo ảm đạm ở hầu hết các quốc gia xuất - nhập khẩu chính.
Cụ thể, nhà nhập khẩu lớn - Philippines - được dự báo giảm 100.000 tấn so với ước tính hồi tháng 10 xuống 3 triệu tấn vì tốc độ thương mại.
Trong khi nguồn cung nội địa dư thừa cũng khiến nhập khẩu gạo của Trung Quốc trong 2019 giảm 650.000 tấn so với báo cáo trước đó xuống 2,5 triệu tấn.
Các nhà nhập khẩu khác như Nigeria, Cote d'Ivoire, Benin, Bangladesh cũng được dự báo giảm khối lượng thu mua 100.000 - 300.000 tấn.
Tại nhà xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới vì hoạt động thu mua của chính phủ theo chương trình giá tối thiểu gia tăng và sự chậm lại đáng kể của việc bán gạo non-basmati, xuất khẩu gạo của Ấn Độ được dự báo đạt 11 triệu tấn trong 2019, giảm 800.000 tấn so với dự báo trước đó.
USDA cũng hạ dự báo xuất khẩu gạo Thái Lan trong 2019 xuống 8,2 triệu tấn, giảm 500.000 tấn so với báo cáo tháng 10.
Trong khi đó, Việt Nam là nhà xuất khẩu lớn duy nhất ghi nhận thương mại gạo trong năm 2019 khởi sắc nhờ giá gạo cạnh tranh. Khối lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng 200.000 tấn so với tháng trước lên 6,7 triệu tấn.
Về tình hình giá, cáo cáo từ Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) cho biết giá gạo quốc tế giảm 0,6% so với cùng kì năm trước trong 11 tháng đầu năm 2019.
Xuất khẩu gạo Việt Nam tăng về lượng giảm về giá trị
Theo dữ liệu từ Tổng cục Hải quan, khối lượng gạo xuất khẩu tăng trở lại sau kì nghỉ Tết kéo dài một tuần vào tháng 2. Tuy nhiên hoạt động xuất khẩu trong năm nay chủ yếu đi theo xu hướng ổn định sau đó giảm.
Khối lượng gạo xuất khẩu tháng 11 ước đạt hơn 365.000 tấn, với giá trị hơn 168 triệu USD; đưa tổng khối lượng xuất khẩu 11 tháng đầu năm lên gần 5,9 triệu tấn, tăng 3,5% so với cùng kì năm ngoái nhưng giá trị xuất khẩu giảm 9,6% xuống khoảng 2,57 tỉ USD.
Việc Trung Quốc siết chặt hoạt động nhập khẩu nông sản nói chung và mặt hàng gạo nói riêng cũng tác động phần nào tới xuất khẩu gạo của Việt Nam.
Cuối tháng 12/2018, đại diện Tham tán Thương mại Việt Nam tại Trung Quốc cho hay 3 trong số 22 doanh nghiệp được phép xuất khẩu gạo sang Trung Quốc bị nước này từ chối nhập khẩu do vi phạm qui định về an toàn thực phẩm.
Phía Trung Quốc cho biết đã theo dõi ba doanh nghiệp này một thời gian dài và đã phát hiện nhiều vi phạm.
Trước đây, Trung Quốc còn khá dễ tính trong việc kiểm soát gạo nhập khẩu. Giai đoạn 2014 - 2015, một số doanh nghiệp còn xuất khẩu gạo qua đường biên mậu.
Tuy nhiên, sau đó Trung Quốc nhận thấy nếu nhập khẩu gạo qua đường biên mậu thì nguy cơ hạn ngạch sẽ bị phá vỡ. Cuối cùng, Trung Quốc siết chặt việc nhập khẩu qua đường này khiến hàng loạt lô hàng gạo với số lượng lên tới hàng chục nghìn tần bị tắc ở cửa khẩu.
Ngoài Trung Quốc, thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam trong 10 tháng đầu năm với 33,2% thị phần – Phillipines (theo Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản), cũng xảy ra nhiều biến động.
Đầu năm, quốc gia Đông Nam Á thực thi đạo luật tự do hoá thị trường gạo trong nỗ lực giảm tình trạng thiếu gạo và tăng giá nghiêm trọng.
Theo đó, chấm dứt sự thống trị về quản lí hoạt động nhập khẩu gạo của Cơ quan Lương thực Quốc gia Phillipines và cho phép mọi thực thể trong nước thu mua gạo quốc tế theo hình thức hạn ngạch, thuế quan.
Sự kiện này mang lại tín hiệu lạc quan cho các nhà xuất khẩu lớn trong khu vực, vốn phải đối mặt với vấn đề nhu cầu yếu kéo dài. Tuy nhiên, tình trạng nhập khẩu ồ ạt đã tác động mạnh tới nguồn cung và giá lúa gạo địa phương, buộc chính quyền Manila tiếp tục phải đưa ra các giải pháp.
Mới đây nhất, Bộ Nông nghiệp Philippines đã lựa chọn kiểm soát hoạt động nhập khẩu và biến động của giá gạo, mặc dù trước đó Tổng thống Rodrigo Duterte cho biết toàn bộ hoạt động nhập khẩu sẽ bị tạm dừng.
Kiểm soát hoạt động nhập khẩu có thể gồm việc áp dụng chặt chẽ các qui định về hàm lượng kim loại nặng, mức dư lượng thuốc trừ sâu, chất gây ô nhiễm bên ngoài cũng như các thông số vi sinh đối với mặt hàng gạo.
Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới xuất khẩu gạo Việt Nam, khi ngành sản xuất lúa gạo Việt Nam vẫn tồn tại vấn đề dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.
Trong rủi có may?
Mặc dù vậy, gạo Việt Nam có một lợi thế lớn về giá trong năm nay.
Giá gạo xuất khẩu đang ở mức thấp so với 3 năm trở lại đây, dao động trong khoảng 400 – 460 USD/tấn, theo dữ liệu tổng hợp từ Tổng cục Hải quan.
Mức giá này thấp hơn khoảng 14% so với năm ngoái. Điều này giúp gạo Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn trong mắt người mua so với các đối thủ lớn là Ấn Độ và Thái Lan.
Nếu như năm ngoái, xuất khẩu gạo Thái Lan cạnh tranh hơn so với Việt Nam vì đồng baht yếu, thì câu chuyện đã đi ngược lại trong năm nay.
Baht đang trong đà trở thành một trong những đồng tiền thể hiện tốt nhất châu Á trong 2019, tăng hơn 7% kể từ đầu năm. Do đó, giá gạo xuất khẩu của Thái Lan cũng tăng cao và khiến doanh thu từ xuất khẩu gạo có thể giảm 30 – 40 tỉ baht, theo Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan.
Cùng với đó, giá gạo tại Thái Lan có thể tăng nữa khi hạn hán kéo dài tại các vùng trồng lúa chính dấy lên lo ngại về nguồn cung.
Tại Ấn Độ, nhà xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, giá cũng vướng phải vấn đề tỷ giá.
Trong tuần tính đến ngày 26/12, giá gạo 5% tấm của Thái Lan ghi nhận ở mức 424 - 435 USD/tấn, giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ đạt 360 – 365 USD trong khi của Việt Nam là 350 - 352 USD/tấn.
Tuy nhiên, giá gạo giảm khiến các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam rơi vào rủi ro.
9 tháng đầu năm nay, doanh nghiệp sản xuất gạo hàng đầu Việt Nam, Tổng Công Ty Lương Thực Miền Nam (Vinafood 2 - Mã: VSF) chịu cảnh kinh doanh thua lỗ khi hoạt động xuất khẩu trầm lắng và tiêu thụ nội địa chậm lại.
Theo Vinafood II, nhu cầu thị trường rất yếu và giá chào người mua đưa ra cũng thấp so với giá thành sản xuất. Những đơn vị khác như Lộc Trời và Xuất Nhập khẩu Kiên Giang (Kigimex) cũng ghi nhận kết quả kinh doanh quí III/2019 suy giảm.
Báo cáo kết quả kinh doanh quí III/2019 của CTCP Tập đoàn Lộc Trời (Mã: LTG) cho biết tính riêng mảng gạo thì doanh thu quí III là 845 tỉ đồng, giảm 1,6% so với cùng kì năm trước, trong khi tỉ lệ giá vốn trên doanh thu mảng này lại tăng từ 90,6% lên mức 96,7%.
Các mảng kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật và giống (chủ yếu là giống lúa) của Lộc Trời cũng chịu ảnh hưởng khi doanh thu giảm lần lượt 2,5% và 12% so với cùng kì, đạt 890 tỉ đồng và 184 tỉ đồng trong quí III/2019.
Dự báo năm 2020
Theo USDA, sản lượng gạo thế giới trong năm mùa vụ 2019 - 2020 được dự báo giảm 0,3% so với năm 2018 - 2019 (bắt đầu từ tháng 6 năm trước đến tháng 5 năm sau) xuống 497,8 triệu tấn.
Thương mại toàn cầu gần như cân bằng với sự sụt giảm nhập khẩu từ Trung Quốc, nhưng được bù đắp từ hoạt động thu mua gia tăng tại Ghana và Philippines. Trong khi đó, xuất khẩu dự kiến giảm tại Ấn Độ, và được bù đắp bởi xuất khẩu lớn hơn ở Việt Nam.
Như vậy, cơ quan nông nghiệp Mỹ dự báo khối lượng xuất khẩu gạo Việt Nam tiếp tục tăng 250.000 tấn trong năm tới lên 7 triệu tấn.
Ngoài ra, Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản cho hay mới đây Thái Lan triển khai gói trợ cấp cho ngành lúa gạo giai đoạn tháng 10/2019 - 10/2020, dự báo giá gạo Thái Lan sẽ cao làm giảm khả năng cạnh tranh.
"Đây là cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam trong mở rộng thị trường trong năm tới", Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản nhận định.
Theo Vietnambiz