Theo thống kê, Bình Phước hiện có khoảng 16.000 ha cà phê, tập trung chủ yếu tại các huyện Bù Đăng, Bù Gia Mập, Đồng Phú. Do diện tích trồng cà phê phân tán và không được đầu tư bài bản nên giá trị thu được chưa tương xứng tiềm năng.
MÙA CÀ PHÊ “ĐẮNG”
Đồng Phú hiện có hơn 877 ha cà phê, tập trung ở các xã Tân Hưng, Tân Phước, Thuận Phú, Đồng Tiến, Đồng Tâm với năng suất bình quân 2-3 tấn/ha. Gia đình ông Nguyễn Văn Đẹp ở đội 3, ấp Pa Pếch, xã Tân Hưng có 2 ha cà phê trồng xen trong vườn điều đang bắt đầu vào vụ thu hoạch. Tuy nhiên do giá thấp nên ông và các hộ trồng cà phê khác trong ấp không háo hức thu hái thành quả lao động. Ông Đẹp cho biết, giá cà phê đầu vụ ở mức 30 ngàn đồng/kg khô, 5.000 đồng/kg tươi, người trồng cầm chắc thua lỗ vì thu không đủ bù chi phí đầu tư chăm sóc.
Giá cà phê xuống thấp, gia đình anh Đậu Văn Tuân ở thôn Bù Gia Phúc 1, xã Phú Nghĩa (Bù Gia Mập) chỉ đầu tư cầm chừng
“Thông thường giá cà phê đầu vụ sẽ cao hơn khi vào chính vụ, nhưng năm nay giá thấp ngay từ đầu vụ. Trong khi trồng cà phê tốn nhiều công sức và tiền của, bởi ngoài công chăm sóc, mỗi năm người trồng còn phải bón phân, phun thuốc phòng trừ sâu bệnh 3 lần. Những năm trước, thời tiết thuận lợi, kết hợp chăm sóc tốt thì được mùa, còn năm nay mùa mưa kéo dài khiến trái non bị thối rụng nên năng suất giảm khoảng 40%” - ông Đẹp thở dài.
Mặc dù không phải là vùng trọng điểm trồng cà phê, nhưng những năm gần đây, giá cà phê trên thị trường liên tục biến động, thời tiết không thuận lợi, có năm giá rớt sâu khiến người trồng cà phê trong tỉnh lỗ nặng. “Với 2 ha trồng xen, vụ trước tôi thu được 1,8 tấn, sau khi trừ các khoản chi phí lãi khoảng 30 triệu đồng. Niên vụ này, sản lượng giảm, giá thấp, chi phí đầu tư cao nhưng giá nhân công thu hái vẫn cao, từ 200-250 ngàn đồng/người/ngày. Nhiều gia đình không dám thuê nhân công mà tự hái hoặc trải bạt chờ cà phê rụng rồi thuê công hái một lần. Dù giá đang có chiều hướng giảm, nhưng ít hộ dám trữ cà phê chờ tăng giá” - ông Đẹp nói.
Cà phê là cây dễ trồng, ít sâu bệnh gây hại, giá dao động từ 37-45 ngàn đồng/kg là nông dân có thu nhập tương đối. Tuy nhiên, do giá cả bấp bênh, nhiều nông dân không dám đầu tư vì sợ thua lỗ nên chăm sóc cầm chừng khiến nhiều vườn cà phê phát triển kém, bị sâu bệnh tấn công dẫn đến năng suất thấp. Thời tiết thất thường không chỉ ảnh hưởng đến chăm sóc, thu hoạch cà phê mà còn ảnh hưởng chất lượng hạt nên dễ bị thương lái ép giá.
Nhà có 1 ha đất trồng điều, thu nhập bấp bênh nên anh Đậu Văn Tuân ở thôn Bù Gia Phúc 1, xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập trồng xen cà phê để có thêm thu nhập. “Mỗi năm từ tiền bán cà phê, gia đình tôi có khoản để dành 60 triệu đồng. Vài năm gần đây, giá nông sản thấp lại mất mùa nên gia đình tôi chỉ đầu tư cầm chừng từ vốn vay của Quỹ hỗ trợ nông dân. Nếu vụ này giá cà phê vẫn thấp thì khoản nợ ngân hàng và đại lý phân bón sẽ là mối lo lớn của gia đình” - anh Tuân chia sẻ.
CẦN CHỦ ĐỘNG TÌM ĐẦU RA
Gia đình anh Hồ Quốc Hưng ở ấp Pa Pếch có 10 ha trồng cà phê. Nhờ cây cà phê mà gia đình anh có của ăn của để, xây dựng cơ ngơi khang trang. Những năm gần đây, giá cà phê trên thị trường biến động, liên tục xuống thấp khiến anh Hưng không khỏi lo lắng. Để không phụ thuộc thương lái, anh Hưng quyết định tìm hướng đi riêng bằng việc đầu tư dây chuyền sản xuất cà phê theo hình thức khép kín từ trồng, chăm sóc, thu hái và sơ chế bán ra thị trường. Khi tìm được đầu ra ổn định thì ngoài sử dụng nguồn nguyên liệu gia đình, anh còn thu mua của nông dân trong vùng hàng chục tấn cà phê nhân, cà phê tươi mỗi năm, giúp người trồng cà phê có đầu ra ổn định. Về lâu dài, anh Hưng đang tính toán chặt bớt cà phê trồng xen điều và cây ăn trái.
Nông dân xã Long Bình, huyện Phú Riềng đón vụ cà phê mới kém vui vì giá liên tục giảm
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê trong nửa đầu tháng 10-2019 đạt 39,7 ngàn tấn, trị giá 71,88 triệu USD, giảm 24,7% về lượng và giảm 27,2% về trị giá so nửa cuối tháng 9-2019. So nửa đầu tháng 10-2018, giảm 37,6% về lượng và giảm 37% về trị giá. Lũy kế từ đầu năm đến giữa tháng 10-2019, xuất khẩu cà phê đạt 1,304 triệu tấn, trị giá 2,245 tỷ USD, giảm 13,6% về lượng và giảm 21,6% về trị giá so cùng kỳ năm 2018. Về giá xuất khẩu cà phê bình quân trong nửa đầu tháng 10-2019 đạt mức 1.809 USD/tấn, giảm 3,4% so nửa cuối tháng 9-2019, nhưng tăng 1% so nửa đầu tháng 10-2018.
Nguyên nhân khiến giá cà phê xuất khẩu của Việt Nam thường ở mức thấp nhất so với các nước trong nhóm xuất khẩu cà phê (Brazil, Colombia, Guatemala, Mexico, Indonesia) được lý giải là do cà phê Việt Nam chủ yếu xuất thô (80% lượng cà phê xuất khẩu là hàng thô). Cùng với đó, nguyên liệu thu hoạch không đáp ứng đủ tiêu chuẩn về độ chín, cà phê còn lẫn tạp chất... dẫn đến chất lượng thấp. Theo dự báo của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, từ nay đến cuối năm, giá cà phê có dấu hiệu khởi sắc do nguồn cung cà phê của Việt Nam có dấu hiệu giảm và tồn kho thấp.
Mặc dù rớt giá nhưng cây cà phê vẫn có đầu ra ổn định và xuất khẩu đi nhiều nước. Để gắn bó và làm giàu từ cà phê, nông dân cần chuyển đổi hình thức canh tác, tập trung vào liên kết sản xuất theo hướng hữu cơ để giảm chi phí đầu tư và ổn định đầu ra sản phẩm. Đồng thời, ngành chức năng cần tăng cường tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật để nông dân nâng cao năng suất và sản lượng cà phê. Những vườn cây già cỗi nên định hướng chuyển đổi các loại cây trồng khác phù hợp...
Theo báo Bình Phước