Bất chấp là nước sản xuất cà phê lớn thứ 4 thế giới, Indonesia sản xuất chủ yếu cà phê Robusta vốn là loại cà phê chất lượng thấp hơn Arabica và sản lượng cà phê Robusta của Indonesia liên tục giảm trong vài năm qua. Thực trạng này đã khiến chính phủ Indonesia quyết định tái canh 8.850ha diện tích cà phê năng suất thấp và tăng thêm 200ha diện tích trồng mới cà phê tại trung Kalimantan. Đối với năm 2017, 2,66 triệu USD đã được phân bổ cho mục đích trên, theo thông báo từ ông Bambang, giám đốc cơ quan phụ trách trồng trọt thuộc Bộ Nông nghiệp.
“Tầm nhìn của chúng tôi là tăng quy mô sản xuất, được hỗ trợ bởi các chương trình của chính phủ và nhiều tác nhân. Chúng tôi cần sự hỗ trợ của các tác nhân khác bởi ngân sách có hạn”.
Dữ liệu của Bộ Nông nghiệp cũng cho thấy quy mô diện tích sản xuất nói chung giảm dần hàng năm kể từ năm 2013. Diện tích trồng cà phê là 1,24 triệu ha vài năm trước giảm xuống còn 1,22 triệu ha trong năm 2016, và dự kiến sẽ tiếp tục giảm trong năm 2017.
Những thay đổi theo vụ, cộng với những vụ phun trào núi lửa thường xuyên, là những nguyên nhân cơ bản khiến diện tích trồng cà phê suy giảm. Cùng với giảm diện tích trồng cà phê, sản lượng cà phê cũng giảm theo. Năm 2013, sản lượng cà phê của Indonesia đạt 675.881 tấn nhưng được dự báo giảm 5% xuống còn 639.305 tấn trong năm 2016 và giảm xuống còn 637.537 tấn năm 2017.
Ông Bambang thừa nhận rằng chương trình tái canh có thể không cho kết quả ngay về cải thiện năng suất do cây cà phê thường mất 3 năm để trưởng thành và cho thu hoạch, đồng thời đảm bảo rằng chính phủ có nhiều phương án để cải thiện tình hình.
Indonesia đang trong quá trình đăng ký thêm các sản phẩm cà phê theo chương trình chỉ dẫn địa lý (GI) và cà phê đặc sản theo Luật sở hữu trí tuệ và quyền con người. Indonesia cũng đang hỗ trợ nhiều nông dân chuyển sang trồng cà phê Arabica, do hiện diện tích trồng Arabica chỉ chiếm 30% tổng diện tích cà phê. Cà phê Arabica và có gắn nhãn GI cũng như cà phê đặc sản như Gayo, Mandailing, Kintamani, Temanggung, Ciwidey, Manglayang, Wamena, Toraja and Gowa, có giá cao hơn cà phê Robusta. Arabica được trồng ở cao nguyên với độ cao từ 600 – 2.000m trên mực nước biển, trong khi cà phê Robusta có độ axit thấp và độ đắng cao, được trồng chỉ ở độ cao từ 200 – 800m trên mực nước biển.
Ông Yusriadi, một nông dân trồng cà phê 37 tuổi từ Bondowoso, East Java, là một trong những nông dân hưởng lợi từ lợi ích của trồng cà phê Arabica. “Chính phủ trung ương và địa phương đã đưa cà phê Arabica vào sản xuất với hệ thống tiêu chuẩn hoạt động tốt (SOP) trong năm 2011, nhờ đó chúng tôi có thể tăng năng suất và bán sản phẩm với giá cao hơn”.
Trong khi đó, ông M. Kirom thuộc Hiệp hội ngành và các nhà xuất khẩu cà phê (AEKI) cho biết Indonesia vẫn còn tiềm năng tăng năng suất, hiện ở mức 700kg/ha so với mức năng suất 3 tấn/ha của Việt Nam.
“Chúng ta có thể tăng năng suất lên 1,5 tấn/ha và vẫn có chất lượng tốt hơn cà phê Việt Nam do đất đai của chúng ta có mức độ phù hợp về tự nhiên cho cà phê cao hơn”, ông nói.
Chủ tịch Hiệp hội nông dân cà phê Indonesia (Apeki) hoan nghênh động thái của chính phủ. “Trước đây, chính phủ không chú trọng tới phát triển cà phê nhưng hiện giá cà phê đang ở mức tốt và nhu cầu cà phê toàn cầu cao nên chính phủ không thể lờ ngành này thêm nữa”.
Theo Jakarta Post
Gappingworld