CÀ PHÊ

Gia Lai, Đắk Lắk muốn thành trung tâm chế biến cà phê của thế giới

Cập nhật ngày: 22 | 12 | 2021

Sáng 19.12, tại TP.Pleiku, UBND tỉnh Gia Lai phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổ chức Hội thảo "thúc đẩy tổ chức sản xuất vùng nguyên liệu để nâng cao và phát triển bền vững ngành hàng cà phê Tây Nguyên". Tham dự có lãnh đạo, doanh nghiệp các công ty sản xuất chế biến, xuất khẩu cà phê ở Tây Nguyên.

Nguồn: tintuc.vn

 

2 tỉnh có diện tích cà phê lớn nhất nước kiến nghị đầu tư kho bãi, đường sá, giảm thuế phí để nâng cao chất lượng chế biến cà phê. Ảnh T.T

Tại hội nghị, ông Võ Ngọc Thành - Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho biết, đến cuối năm 2021, toàn tỉnh có trên 70.000  tổ chức và hộ gia đình trồng cây cà phê với diện tích khoảng 98.400ha, sản lượng bình quân hàng năm đạt khoảng 257.000 tấn. Phần lớn diện tích cây cà phê được trồng tập trung tại cao nguyên Pleiku đất đỏ Bazan ở trên độ cao từ 600m đến 800m so với mặt nước biển.

Ông Võ Ngọc Thành - Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai phát biểu tại hội thảo. Ảnh: T.T

"Tuy nhiên, do nguồn lực đầu tư chưa đủ lớn nên chưa phát huy được hết các tiềm năng, thế mạnh của ngành cà phê. Đến nay chỉ đạt 3,5% sản lượng cà phê được chế biến sâu, còn lại chủ yếu là sơ chế và xuất bán nhân xô... Vì vậy giá trị gia tăng cho sản phẩm cà phê đạt thấp, chưa xây dựng được các thương hiệu mạnh để đủ sức cạnh tranh trên thị trường", ông Thành nói.

Còn tại Đắk Lắk, đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh cho biết, đến hết năm 2020 toàn tỉnh có 210.000ha, chiếm 33% diện tích cà phê cả nước. Trong đó, diện tích cho sản phẩm 194.000ha, năng suất bình quân 26 tạ/ha và sản lượng 510.000 tấn.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan chủ trì buổi hội thảo. Ảnh: T.T

Tỉnh Đắk Lắk có 107.000ha thuộc vùng chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột, là một trong 39 chỉ dẫn địa lý được công nhận trong các hiệp định thương mại tự do song phương hiện nay giữa Việt Nam và các nước EU, được 12 quốc gia và vùng lãnh thổ bảo hộ.

Tuy vậy, chỉ dẫn địa địa lý cà phê Buôn Ma Thuột chưa mang lại giá trị gia tăng đáng kể vì chưa có nhiều sản phẩm thương mại trên thị trường thế giới. Hiện nay tỉnh Đắk Lắk đã được Cục Sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ chấp thuận bảo hộ "chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột" cho 4 dạng sản phẩm cà phê Robusta, bao gồm cà phê nhân, cà phê hạt rang, cà phê bột, cà phê hòa tan nguyên chất.

Tại hội nghị, các tỉnh là "thủ phủ" cà phê của vùng Tây Nguyên nêu khó khăn hiện nay với sự suy giảm đất canh tác, suy thoái chất lượng đất, đất đai bị thoái hóa đang diễn ra với tốc độ nhanh. Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và giá vật tư đầu vào các loại, đã ảnh hưởng trực tiếp người sản xuất. Tình trạng thiếu sân phơi, nhà kho, thiết bị chế biến, nhất là tình trạng thiếu nhân công lao động thu hái, chế biến cà phê khi vào vụ thu hoạch. Hình thức tổ sản sản xuất cà phê chưa phù hợp, chủ yếu là sản xuất cá thể, quy mô nhỏ lẻ, manh mún.

Liên kết sản xuất vẫn còn một số bất cập, phần lớn các mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản được hình thành tự phát, trách nhiệm, sự ràng buộc giữa các thành phần khi tham gia liên kết chưa thực sự chặt chẽ cả trên phương diện kinh tế lẫn phương diện pháp lý nên chưa thực sự bền vững. Năng lực thực sự của các hộ nông dân, các chủ trang trại, Tổ hợp tác, Hợp tác xã còn nhiều hạn chế, chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu trong cơ chếthị trường. Cơ sở vật chất, vốn hoạt động và năng lực quản lý của cán bộ Hợp tác xã nhìn chung thiếu, yếu, hạn chế.

Chính quyền các tỉnh Tây Nguyên kiến nghị Bộ NN&PTNT, Chính phủ có chính sách ưu đãi thuế đất, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu thiết bị... để hỗ trợ Gia Lai, Đắk Lắk trở thành trung tâm chế biến cà phê của thế giới.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng, cần xác định rõ ý nghĩa và vai trò các tổ chức của nông dân (hợp tác xã, tổ hợp tác) trong xây dựng vùng nguyên liệu cà phê Tây Nguyên, những vấn đề cần tư duy lại để phù hợp tình hình hiện nay và sắp tới, với cách nhìn kinh tế nông nghiệp, hình thành chuỗi liên kết ngành hàng. 

Cần tiếp cận các mô hình nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, tích hợp đa giá trị (nông nghiệp gắn với công nghiệp chế biến, nông nghiệp gắn với dịch vụ, chuyển đổi số); các mô hình phát triển theo chuỗi liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp nào phù hợp đối với cà phê Tây Nguyên.

Bên cạnh đó, cần có các giải pháp, hành động ưu tiên thực hiện để giúp phát triển tổ chức sản xuất ngành hàng cà phê được bền vững và hiệu quả.

 
THANH TUẤN / laodong.vn