CÀ PHÊ

Bài toán nào cho nhân công mùa thu hái cà phê?

Cập nhật ngày: 31 | 12 | 2020

Nguồn: baodaklak.vn

Nhiều năm trở lại đây, mùa thu hoạch cà phê ở Tây Nguyên cũng là mùa “khát” lao động phổ thông bởi các khu công nghiệp đã thu hút phần lớn lao động trẻ ở các vùng quê. Sự khan hiếm nhân công khiến việc thu hoạch gặp không ít khó khăn.

 
 
 
"Đỏ mắt" tìm nhân công
 
Gia đình anh Nguyễn Văn Đông (buôn Ea Yông A, xã Ea Yông, huyện Krông Pắc) có 3 sào cà phê. Sau đợt hái bói, hiện nay vườn cà phê của gia đình anh đang vào giai đoạn thu hoạch rộ nhưng vẫn không thuê được nhân công hái. Anh Đông cho biết: “Trước đây, vào thời điểm này, người dân ở các tỉnh khác tới, thanh niên trong buôn đi làm ăn xa về nên nhân công hái cà phê khá dễ kiếm. Tuy nhiên, gần đây giá cà phê thấp, các khu công nghiệp lại hình thành nhiều nên không mấy ai mặn mà với việc đi hái thuê, do đó rất khó có người để thuê.”

Lao động hái thuê cà phê cho các vườn trên địa bàn xã Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột).
Lao động hái thuê cà phê cho các vườn trên địa bàn xã Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột).
 
Cùng hoàn cảnh, gia đình ông Đinh Hữu Đằng (thôn Hòa Nam, xã Hòa Đông, huyện Krông Pắc) có 1 ha cà phê đang vào mùa thu hoạch cũng không thuê được nhân công. Ông Đằng cho hay: “Năm nay, cà phê mất mùa, thuê nhân công lại gặp nhiều khó khăn mặc dù giá thuê cao hơn mọi năm từ 20.000 - 30.000 đồng/ngày. Mấy hôm trước, tôi gọi điện thoại và có 3 cặp vợ chồng đồng ý hái cà phê thuê cho gia đình nhưng đến ngày hẹn thì không thấy đâu và cũng không gọi lại được. Cà phê đang chín nhưng thu hoạch không kịp nên rụng rất nhiều, vừa hái vừa phải nhặt rất vất vả".
 
Không chỉ ở huyện Krông Pắc mới khan hiếm nhân công thu hái cà phê mà đây là thực trạng chung ở hầu hết các địa phương trong tỉnh. Chính vì sự khan hiếm nhân công khiến cho người đi thuê lao động lại bị lao động làm thuê ép giá hoặc ép hình thức thu hái. Ngoài thuê hái công nhật hiện nay còn một hình thức là hái khoán. Việc hái khoán được tính theo sản lượng trong ngày, khoảng 100.000 đồng đồng/tạ. Nhiều hộ dân cho biết, bình quân một lao động hái đạt khoảng 5 – 6 tạ/ngày. Như vậy, so với công nhật từ 180.000 – 200.000 đồng/ngày thì việc hái khoán mang lại thu nhập cao hơn rất nhiều cho người hái thuê.
 
Chị Nguyễn Thị Lành (thôn 15, xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin) trò chuyện, gia đình có 7 sào cà phê, tuy diện tích không lớn nhưng cứ vào vụ thu hoạch, việc thuê công hái khá khó khăn, nhất là công nhật. Vì hiện tại lao động ở địa phương hầu hết đi làm ăn xa nên rất khó kiếm người, thêm vào đó xuất hiện hình thức hái khoán đem lại thu nhập cao khiến người đi làm thuê không mặn mà với việc nhận hái công nhật. Việc hái khoán có lợi cho người lao động nhưng lại gây nhiều hư hại cho vườn cà phê (như: hái sót, gãy cành, cây trụi lá làm ảnh hưởng đến mầm hoa…) vì nhiều người hái rất nhanh và ẩu.
 
Cần có hướng giải quyết bền vững
 
Hiện hầu hết diện tích cà phê trên địa bàn Đắk Lắk đã chín đỏ. Theo tính toán, để hái 1 ha cà phê cần 10 nhân công làm việc trong 10 ngày mới hoàn thành. Việc hái muộn cà phê sẽ chín rụng gây thất thoát sản lượng, chưa kể gặp thời tiết bất lợi khiến việc phơi khô gặp nhiều khó khăn, nhất là những hộ có số lượng lớn, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng nhân.

Chị Nguyễn Thị Lành (thôn 15, xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin) hái đổi công cho một số hộ trong thôn.
Chị Nguyễn Thị Lành (thôn 15, xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin) hái đổi công cho một số hộ trong thôn.
 
Do đó, hiện các gia đình chủ yếu tận dụng lao động trong nhà để thu hoạch kịp thời. Gia đình anh Đặng Văn Huy (xã Cư Suê, huyện Cư M’gar) có 8 ha cà phê đang trong tình trạng chín đỏ và bị rụng khá nhiều nhưng vẫn không tìm được người hái. Anh Huy đành tận dụng hết nhân công trong nhà, lúc nào rảnh thì thu hoạch để chờ các hộ thu xong hết rồi may ra mới thuê được nhân công.
 
Tương tự, chị Nguyễn Thị Lành (thôn 15, xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin) giải quyết vấn đề khó khăn về nhân công bằng cách chị và một số hộ trong thôn chọn hình thức đổi công cho nhau. Vườn nhà ai chín trước sẽ tập trung nhân lực của các hộ cho vườn đó, cứ thế hái lần lượt hết các vườn. Việc thu hái theo hình thức này tuy hơi lâu một chút nhưng đỡ phải lo lắng về nhân công thu hái.
 
Còn hộ bà Phạm Thị Mến (thôn 15, xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin) có 6 sào cà phê, vì không thuê được công nhật nên hai vợ chồng đành thu hoạch dần. Bà Mến cho biết, với diện tích này, vợ chồng bà thu hoạch trong vòng một tháng mới xong. Mặc dù khâu thu hoạch hơi lâu nhưng vườn cây được bảo đảm cho việc nở hoa, đậu trái ở vụ sau.
 
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, những năm gần đây, tình trạng thiếu nhân công hái cà phê đang là một bài toán nan giải của nhiều địa phương. Để giải quyết khó khăn này, hiện nhiều đơn vị bộ đội đã đưa lực lượng xuống các địa bàn trọng điểm cà phê của tỉnh để hỗ trợ công hái thuê cho bà con. Tuy nhiên, về lâu dài thì cần phải có một hướng giải quyết bền vững hơn như sử dụng máy móc thu hoạch.
 
Với khoảng trên 208.000 ha, sản lượng đạt trên 470.000 tấn cà phê nhân/năm, ngành sản xuất cà phê tại Đắk Lắk đã tạo việc làm ổn định cho trên 300.000 người trực tiếp sản xuất và gần 200.000 người có liên quan đến cây cà phê.